Các công ty quốc tế đang hoạt động tại Iran trong vài tuần nữa phải đối mặt với trừng phạt do Mỹ áp đặt, sau khi Washington từ chối đề nghị xin được miễn trừ của giới quan chức cấp cao châu Âu.

Mỹ từ chối miễn trừ châu Âu khỏi trừng phạt Iran

Cẩm Bình | 16/07/2018, 14:30

Các công ty quốc tế đang hoạt động tại Iran trong vài tuần nữa phải đối mặt với trừng phạt do Mỹ áp đặt, sau khi Washington từ chối đề nghị xin được miễn trừ của giới quan chức cấp cao châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức và Anh đầu tháng 6 có gửi yêu cầu chính thức, muốn chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý để công ty của các nước thành viên EU (chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính, năng lượng, y tế) được tiếp tục làm ăn với Iran. Trong thư gửi đến Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mike Pompeo, các quan chức EU nêu rõ: “Với tư cách đồng minh, chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ kiềm chế, không thực hiện những hành động gây tổn hại lợi ích an ninh của châu Âu”.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin ngoại giao của trang Financial Times, ông Mnuchin cùng ông Pompeo thông qua thư hồi đáp đã chính thức từ chối miễn trừ, với lý do Washington muốn dùng trừng phạt để gây “sức ép về tài chính chưa từng có” với Tehran cho đến khi quốc gia Trung Đông “tiến hành thay đổi thực chất, có sức thuyết phục và bền vững” một số chính sách của mình.

Tháng 5 trước, Ngoại trưởng Mỹ có đưa ra danh sách 12 yêu cầu, bao gồm đề nghị Iran phải công bố toàn bộ quá trình phát triển vũ khí hạt nhân trong quá khứ, dừng tất cả hoạt động làm giàu uranium, dừng việc phóng tên lửa đạn đạo mang được đầu đạn hạt nhân, ngừng hỗ trợ các nhóm Hamas, Hezbollah, Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad) và phiến quân Houthi ở Yemen, rút mọi lực lượng quân đội khỏi Syria.

Các nguồn tin cũng cho biết thư của hai Bộ trưởng nhấn mạnh Mỹ sẽ chỉ miễn trừ có giới hạn một số trường hợp nếu họ xác định điều này là cần thiết vì lý do an ninh quốc gia hay mục đích nhân đạo.

PSA, hãng sản xuất xe hơi Peugeot và Citroen, cùng nhiều công ty châu Âu đã chọn tuân thủ quy định của Washington, không tiến hành thêm hoạt động kinh doanh mới nào ở Iran - Ảnh: Autoblog

Lời từ chối nêu trên trái ngược với tín hiệu sẽ xem xét miễn trừ mà Ngoại trưởng Pompeo đưa ra vào tuần trước. Ông từng phát biểu trong chuyến thăm Abu Dhabi rằng: “Sẽ có vài quốc gia tìm đến Mỹ và yêu cầu giảm bớt (trừng phạt). Chúng tôi có thể cân nhắc”.

Do Washington từ chối miễn trừ, đợt trừng phạt đầu tiên với Iran sẽ có hiệu lực đầy đủ vào đầu tháng 8 tới. Diễn biến này là một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ Mỹ- châu Âu đang rạn nứt.

Một nhà ngoại giao EU đánh giá việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt Tehran, gây nguy hiểm cho không chỉ doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với quốc gia Trung Đông này mà còn cho cả nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân mà Washington vừa rút khỏi. Theo nhà ngoại giao: “Tôi không nghĩ trừng phạt giúp ích cho tình hình tại Iran. Chúng còn đem lại rủi ro cho giới kinh doanh châu Âu”.

Thỏa thuận Mỹ vừa rút khỏi có tên chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), do Washington cùng các cường quốc Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức đạt được với Iran hồi năm 2015. Theo đó, nếu từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thì Iran đổi lại được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt tài chính - kinh tế. Tổng thống Trump gọi đây là “thỏa thuận một chiều tệ hại”.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ cấm các công ty nước này làm ăn với Tehran. Bộ Tài chính Mỹ còn có kế hoạch đưa ra những biện pháp trừng phạt thứ cấp, ngăn không cho công ty châu Âu tiến hành hoạt động thương mại với quốc gia Trung Đông này. Đơn vị nào vi phạm sẽ có nguy cơ không được phép tiếp cận hệ thống tài chính của Washington, đồng thời phải chịu thêm nhiều hình phạt khác.

Ngoại trưởng các nước EU dự kiến sẽ gặp bàn về vấn đề này trong ngày 16.7. Một người phát ngôn khẳng định khối này sẽ tiếp tục chống lại nỗ lực phá bỏ JCPOA mà chính quyền Trump đang thực hiện.

EU hiện đang cân nhắc một vài biện pháp đối phó, trong đó có cung cấp tài chính không dùng USD (thanh toán trực tiếp cho ngân hàng trung ương Iran để mua dầu của nước này) và sửa đổi một đạo luật được soạn thảo vào những năm 1990, nhằm bảo vệ công ty châu Âu khỏi trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran, Libya cùng Cuba.

Trong khi giới chức lục địa già chưa thể đưa ra cách đối phó cụ thể, không ít công ty như PSA, hãng sản xuất xe hơi Peugeot và Citroen, hay công ty năng lượng Total đã chọn tuân thủ quy định của Washington, không tiến hành thêm hoạt động kinh doanh mới nào ở Iran.

Cẩm Bình (theo Financial Times)
Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ từ chối miễn trừ châu Âu khỏi trừng phạt Iran