Trong khi nhiều nước trên thế giới đã nới lỏng kiểm soát dịch bệnh thì Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách Zero-COVID, gây tác động không nhỏ tới cuộc sống người dân.

Người dân Trung Quốc khóc ròng vì Zero-COVID

Đan Thùy | 13/05/2022, 11:51

Trong khi nhiều nước trên thế giới đã nới lỏng kiểm soát dịch bệnh thì Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách Zero-COVID, gây tác động không nhỏ tới cuộc sống người dân.

Bắc Kinh đã phát hiện thêm 46 trường hợp mắc COVID-19 vào hôm 11.5. Cùng ngày, chính quyền thủ đô đã ra thông báo tạm dừng hoạt động của các phương tiện taxi và dịch vụ gọi xe tại 3 quận, trong đó có quận Triều Dương - khu vực đông dân nhất của thành phố đồng thời là tâm điểm trong đợt dịch bùng phát vừa qua.

"Ngay sau khi tôi đọc được tin đó, tôi đã vô cùng hoảng sợ", Cara Hu sống tại quận Triều Dương tỏ ra vô cùng lo lắng khi mẹ cô cần phải chạy thận tại bệnh viện Bắc Kinh 3 lần một tuần cho đến khi bà được ghép thận.

Hu cho biết cô đã rất vất vả để tìm cách đưa mẹ mình đến bệnh viện. Các ứng dụng gọi xe không còn hoạt động trong khu vực nơi họ sống. Hu chỉ nhận được một thông báo cho biết dịch vụ gọi xe đã bị tạm ngừng "theo quy định và các biện pháp chống dịch". 

Hu là một trong số nhiều người đang gặp khó khăn khi chính phủ Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách Zero-COVID. 

52146208_101.jpeg

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc gần đây liên tục thắt chặt các biện pháp phòng chống COVID-19 dù chỉ ghi nhận vài chục ca nhiễm mỗi ngày. Giao thông công cộng bị gián đoạn, các trung tâm thương mại vắng người và các đợt xét nghiệm hàng loạt tiếp tục được triển khai. Các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đã gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Sự bức xúc trong dư luận ngày càng tăng, đặc biệt là về những khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.

Những biện pháp chống dịch mới nhất ở Bắc Kinh cũng khiến các bà mẹ tương lai lo lắng. Wang Xiatian, đang mang thai 8 tháng, cho biết cô đã lên kế hoạch ngay khi nghe thông báo tạm dừng hoạt động của các phương tiện taxi và dịch vụ gọi xe. Cô đã nhờ mẹ mình đưa đến bệnh viện khi đến ngày trở dạ. Nhưng không phải ai cũng có xe ô tô và biết lái. Wang cho biết một người bạn của cô đang mang thai đã phải trả tiền cho một người lái xe trên đường để được đưa đến bệnh viện.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh nói rằng đã triển khai một đội đặc biệt chuyên xử lý các trường hợp khẩn cấp, nhưng một số người dân cho biết họ gặp phải rất nhiều khó khăn để tiếp cận được với đội. 

Nhà báo Lian Qingchuan có trụ sở tại Thượng Hải đã viết về việc không thể trở về quê nhà ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) để gặp mẹ trước khi bà qua đời vào tuần trước. Song câu chuyện này đã nhanh chóng bị chặn trên mạng internet.

Lian Qingchuan cho biết đã làm nhiều cách để trở về gặp mẹ mình nhưng anh liên tục nhận được thông báo rằng sẽ phải cách ly khi về đến nhà. "Nếu mà chống dịch lại làm mất hết đi tình người thì nó không nên tồn tại", Lian bức xúc nói. 

Những câu chuyện về việc một tài xế xe tải bị mắc kẹt trên đường cao tốc nhiều ngày do giao thông bị gián đoạn, trẻ em bị nhiễm COVID-19 được đưa đi cách ly mà không có cha mẹ đi cùng hay sự việc một nhân viên y tế tự ý tiêu hủy chó cưng của một người dân đang cách ly y tế đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. 

anh-chup-man-hinh-2022-05-13-luc-11.27.04.png

Nhưng cho đến nay chính phủ Trung Quốc không có dấu hiệu từ bỏ chính sách Zero-COVID. Ngày 10.5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra những nhận xét "thiếu trách nhiệm" khi cho rằng chính sách Zero-COVID khó duy trì lâu dài.

Trước đó, người đứng đầu WHO nói chính sách Zero-COVID của Trung Quốc là "không thể duy trì" với những gì hiện đã được biết về vi rút SARS-CoV-2 và cho rằng "thay đổi là quan trọng".

Phát biểu sau ông Tedros, Giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói: "Chúng tôi luôn nói với tư cách WHO rằng chúng ta cần phải cân bằng các biện pháp kiểm soát với các tác động mà chúng gây ra đối với xã hội, đối với nền kinh tế dù biết việc điều chỉnh không phải lúc nào cũng dễ dàng".

Ông Ryan cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã ghi nhận 15.000 ca tử vong kể từ khi vi rút được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019. Đây là con số tương đối thấp so với gần một triệu người ở Mỹ, hơn 664.000 người ở Brazil và hơn 524.000 người ở Ấn Độ.

Với số liệu như vậy, ông Ryan nói việc Trung Quốc muốn thực hiện các biện pháp cứng rắn để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh là điều có thể hiểu được. Song, chính sách Zero-COVID đã dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ các nhà khoa học cho đến người dân nước này. Hầu hết quốc gia ban đầu cũng từng áp dụng chính sách này giờ đây ít nhất đã bắt đầu chuyển sang các chiến lược để sống chung với vi rút.

Những tác động kinh tế từ chính sách Zero-COVID của Trung Quốc cũng ngày càng phản ánh rõ hơn trong số liệu kinh tế. Trong tháng 4, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm, khi sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19 dẫn đến tình trạng đóng cửa các nhà máy, hạn chế đi lại và tắc nghẽn tại các cảng chính. Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần nửa năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Trung Quốc khóc ròng vì Zero-COVID