Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đã tuyên bố về sự cần thiết phải hành động trước nguy cơ biến đổi khí hậu.

Mỹ và Trung Quốc kêu gọi 'hành động' nhưng không đưa ra cam kết mới tại COP26

Hoàng Vũ | 02/11/2021, 11:11

Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đã tuyên bố về sự cần thiết phải hành động trước nguy cơ biến đổi khí hậu.

Theo Nikkei, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 - COP26 (được khởi động sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome), Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1.11 cho biết chính quyền của ông đang "làm việc ngoài giờ để chứng tỏ rằng cam kết về khí hậu của Washington là hành động chứ không phải lời nói".

"Chúng tôi sẽ hành động. Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết. Đây là thập kỷ sẽ xác định câu trả lời", Biden nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người không tham dự trực tiếp COP26, trong một tuyên bố bằng văn bản kêu gọi các nước "tập trung vào hành động cụ thể" và "tôn trọng các cam kết của họ, đặt ra các mục tiêu và tầm nhìn thực tế, và cố gắng hết sức tùy theo điều kiện quốc gia để đưa ra các biện pháp hành động với khí hậu".

bi-xi-3259.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Nikkei

COP26 được ca ngợi là cuộc họp quốc tế quan trọng nhất về khí hậu kể từ hiệp định Paris năm 2015. Hiệp định về biến đổi khí hậu này được 195 nước, trong đó có Mỹ, thông qua tại Pháp hồi cuối năm 2015. Các quốc gia nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ đốt nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Khai mạc COP26, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã chào đón các nhà lãnh đạo thế giới với một lời cảnh báo đanh thép: "Thất bại không phải là một lựa chọn. Thất bại là bản án tử hình".

Hiện tại, Tổng thống Biden tỏ ra háo hức thể hiện cam kết mới của Mỹ trong việc chống biến đổi khí hậu sau khi người tiền nhiệm Donald Trump từ chối thỏa thuận Paris, mặc dù cho đến nay ông vẫn chưa đưa ra được các sáng kiến ​​mới.

Ông chủ Nhà Trắng cũng lên tiếng xin lỗi tại hội nghị COP26 với lý do người tiền nhiệm Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

"Tôi nghĩ mình không đáng phải xin lỗi, nhưng tôi xin lỗi vì thực tế là chính quyền tiền nhiệm đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris và đặt chúng ta vào tình thế bất lợi hiện nay... Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, tôi đã hành động, đưa Mỹ trở lại hiệp định Paris. Mỹ không chỉ quay lại bàn đàm phán mà hy vọng sẽ là tấm gương đi đầu", Biden nhấn mạnh.

Giống như nhà lãnh đạo Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chỉ tuyên bố "hành động" mà không có cam kết lớn nào mới. Ông nhấn mạnh một chủ đề mà Trung Quốc thường đề cập trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu: trách nhiệm của các quốc gia phát triển trong việc tài trợ cho sự chuyển dịch sang năng lượng sạch.

“Các nước phát triển không chỉ nên tự làm nhiều hơn mà còn phải hỗ trợ để giúp các nước đang phát triển làm tốt hơn", ông Tập cho hay.

Được biết, các nước phát triển đã không giữ lời hứa trao 100 tỉ USD hàng năm cho các nước đang phát triển để giúp họ trong quá trình chuyển đổi khí hậu. Cam kết này là nền tảng của hiệp định Paris năm 2015.

"Cam kết tài trợ 100 tỉ USD một năm để hỗ trợ các nước đang phát triển phải trở thành hiện thực. Đây là điều quan trọng để khôi phục lòng tin và uy tín", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.

Vấn đề này đã xuất hiện trong nhiều bài phát biểu của nhà lãnh đạo và Biden thông báo rằng ông đang nỗ lực tăng gấp 4 lần hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển vào năm 2024.

"Mỹ cũng sẽ cố gắng thực hiện phần việc của mình khi giúp phần còn lại của thế giới cũng như hành động. Điều cấp thiết là phải hỗ trợ các quốc gia đang phát triển", Biden nói.

Bài liên quan
TP.HCM: Đang bị đình chỉ, Thẩm mỹ quốc tế Lucy vẫn ngang nhiên hoạt động
Dù đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động do có nhiều sai phạm, nhưng Thẩm mỹ quốc tế Lucy vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ và Trung Quốc kêu gọi 'hành động' nhưng không đưa ra cam kết mới tại COP26