Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, tăng cường quốc phòng và liên minh kinh tế khu vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm các nước Đông Nam Á, tại Indonesia ông Blinken đã có phát biểu rằng các nước đều có vai trò trong việc giữ cho khu vực năng động nhất thế giới là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không bị ép buộc hay bị đe dọa. Ngoại trưởng Mỹ cũng "ám chỉ" Trung Quốc khi nói Mỹ và một số bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ đẩy lùi bất kỳ hành động trái pháp luật nào.
Theo ông Blinken, các "hành động gây hấn" của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa hơn 3.000 tỉ USD thương mại hằng năm, các nước trong khu vực lo ngại và muốn hành vi đó thay đổi. "Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng trong nhiều thập kỷ, nhằm đảm bảo khu vực cởi mở và dễ tiếp cận", ông Blinken tuyên bố.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington cam kết một khuôn khổ kinh tế khu vực mới, bao gồm nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn. "Theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden, chúng tôi đang phát triển khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương toàn diện để theo đuổi các mục tiêu chung, bao gồm thương mại và nền kinh tế số", ông nói.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã bắt đầu các chuyến công du các nước châu Á từ tháng 11 để bàn về "khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Khuôn khổ kinh tế mà Ngoại trưởng Mỹ đề cập được cho là hướng tới nỗ lực làm cho các chuỗi cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời thắt chặt giám sát xuất khẩu để tránh rò rỉ công nghệ quan trọng. Khuôn khổ cũng sẽ bao gồm các quy tắc chung về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, cũng như thúc đẩy hợp tác về cơ sở hạ tầng, một lĩnh vực mà Bắc Kinh đã tích cực tiến hành.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo cho biết khuôn khổ mới sẽ không phải là một hiệp định thương mại truyền thống, song các chi tiết trong khuôn khổ hiện vẫn chưa rõ ràng.
Nikkei Asia nhận định việc Mỹ vội vàng thúc đẩy khuôn khổ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có vị thế trên trường thương mại quốc tế, đe dọa định hình lại trật tự kinh tế của khu vực sau một thời gian dài bất ổn dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khi không có sự góp mặt nhiều của Washington.