Trong năm 2022, thanh tra, kiểm toán chuyên sâu việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch.

Năm 2022 thanh tra việc huy động, sử dụng nguồn lực chống dịch

Lam Thanh | 27/11/2021, 19:12

Trong năm 2022, thanh tra, kiểm toán chuyên sâu việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 15.

Nghị quyết nêu rõ, việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, được cử tri, dư luận, nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, tình hình diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức còn nhiều.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Đến năm 2022, 100% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc xin

Quốc hội yêu cầu tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COIVID-19 để xây dựng chiến lược tổng thể phòng chống dịch trong thời gian tới. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng chống dịch, trong đó có cơ chế huy động hiệu quả các tổ chức y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ y tế trong phòng chống dịch.

Ngoài ra, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về áp dụng các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế; nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.

Trong năm 2022, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế. Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc xin); nghiên cứu chuẩn bị kỹ việc tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba.

qh-2.jpg
Thanh tra công tác huy động, sử dụng nguồn lực chống dịch

Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật...

Triển khai các gói hỗ trợ bảo đảm chính xác, nhanh chóng

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19: xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách; khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước.

Chính phủ cần xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn; có giải pháp "giữ chân" và "thu hút" lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, toàn diện, hướng tới thị trường lao động đa dạng.

Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện, bảo đảm công khai, minh bạch. Khẩn trương làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi hỗ trợ từ thiện nhằm trục lợi.

Đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến

Chính phủ cần đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch COVID-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục thích ứng với dịch bệnh; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.

hoc-truc-tuyen.jpg
Đánh giá hiệu quả việc học trực tuyến

Đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học.

Song song với đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu kỹ, sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh; xây dựng chiến lược, lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung.

Khẩn trương xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Quốc hội đề nghị trong năm 2021, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình phải gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu; có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022-2023.

Đồng thời, xây dựng những chương trình quản lý rủi ro, đảm bảo cho việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
7 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2022 thanh tra việc huy động, sử dụng nguồn lực chống dịch