Đây là một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của lĩnh vực An toàn thông tin mạng.

Năm 2022, xây dựng và vận hành Ứng dụng Internet an toàn

Thu Anh | 06/01/2022, 18:33

Đây là một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của lĩnh vực An toàn thông tin mạng.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Trong năm 2021, Bộ TT-TT đã cho ra mắt Chương trình Tìm kiếm lỗ hổng bảo mật (Bug Bounty) cho các nền tảng số hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19. Phạm vi của chương trình này gồm gần 20 nền tảng thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia. Sau đó, Bộ TT-TT chính thức phát động Chương trình Bug Bounty cho tất cả nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Xây dựng, vận hành và triển khai ứng dụng Visafe - Ứng dụng đảm bảo an toàn không gian mạng trên đa nền tảng cho người dân. Visafe hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho người dân tính năng chặn các quảng cáo vi phạm an toàn thông tin, như chứa các nội dung cờ bạc, vay tín dụng đen… khiến thiết bị của người dùng có nguy cơ lây nhiễm mã độc. Mặt khác, Visafe sẽ giúp người dùng loại bỏ những kết quả tìm kiếm chứa các nội dung không phù hợp trên trình duyệt...

Theo đánh giá của Bộ TT-TT, về cơ bản các hệ thống thông tin quan trọng đã được bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), tuy nhiên không gian mạng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng luôn phải được tăng cường, chủ động, giám sát, rà quét, để phát hiện và xử lý kịp thời.

Cụ thể, Bộ TT-TT phân tích rằng làm việc và học tập trực tuyến diễn ra đồng loạt ở nhiều địa phương, dẫn đến việc triển khai thiếu sự đồng bộ đã phát sinh các khó khăn vướng mắc về nhân lực, trang thiết bị, tài liệu và cả vấn đề mất an toàn thông tin.

“Nếu công tác bảo đảm ATTT không được triển khai, nhiều nguy cơ mất an toàn xảy ra, nền tảng học tập có thể bị tấn công xâm nhập hệ thống máy tính nhằm phát tán mã độc, đánh cắp dữ liệu của người dùng”, Bộ TT-TT nhận định.

Để đảm bảo an toàn thông tin, Bộ TT-TT nhấn mạnh tới việc cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, điển hình như thực hiện đồng bộ tài khoản sử dụng cho toàn bộ người được tham gia, hướng dẫn sử dụng chi tiết; cài đặt chế độ bảo mật, xác thực tài khoản...

nam-2022-xay-dung-va-van-hanh-ung-dung-internet-an-toan.png
Phổ cập dịch vụ an toàn, an ninh mạng cơ bản thông qua sử dụng các nền tảng Make in Vietnam - Ảnh: Internet

Bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam

Báo cáo tổng kết của Bộ TT-TT nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các hoạt động ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng, bảo đảm an toàn thông tin không gian mạng Việt Nam.

Xây dựng và vận hành hệ thống Thao trường mạng phục vụ huấn luyện, diễn tập, sát hạch an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử. Xây dựng và vận hành Hệ thống tự động phân tích hành vi và hỗ trợ xử lý mã độc. Xây dựng và vận hành Hệ thống Phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo về hoạt động kiểm định an toàn thông tin. Xây dựng và vận hành Ứng dụng Internet an toàn, cổng Không gian mạng quốc gia; hệ thống dán nhãn tín nhiệm website…

Định hướng đến năm 2025, Việt Nam trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng với sứ mệnh bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, tạo niềm tin số, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng ra các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn an ninh mạng đạt trên 70%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt từ 35% - 45%/năm, đạt quy mô trên 500 triệu USD vào năm 2025. Thị phần trong nước đạt trên 50%.

Chuyển từ tư duy “bảo đảm an toàn, an ninh mạng” sang tư duy “bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam”. Xây dựng chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Triển khai các Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT giai đoạn 2021 - 2025; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về đảm bảo an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025. Bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025; Phát triển 300 chuyên gia giỏi về an toàn, an ninh mạng.

Phổ cập dịch vụ an toàn, an ninh mạng cơ bản thông qua sử dụng các nền tảng Make in Vietnam. Tạo niềm tin số để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ sẵn sàng lên môi trường mạng tạo thành công cho chuyển đổi số. Tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam dưới 10%.

Đến hết năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu GCI của Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU và nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN.

Bài liên quan
Đẩy mạnh phát triển hệ thống i-Speed để đo tốc độ truy cập internet
Theo Bộ TT-TT, trong năm 2022, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hệ thống i-Speed để đo tốc độ truy cập internet quốc tế tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2022, xây dựng và vận hành Ứng dụng Internet an toàn