Trong khi điện mặt trời là một ngành đang bùng nổ ở Nam Phi, một số quan chức nước này lại cho rằng có điện hạt nhân mới 'oách'.
Hiện ở phía bắc Nam Phi có hàng chục nhà máy điện mặt trời mọc lên, cùng các trại điện gió hoạt động dọc bờ biển phía nam, tạo ra 2,2 gigawatt điện, tức nhiều hơn tổng số điện mà các nước châu Phi có thể sản xuất.
Khi các nhà máy này tăng sản lượng, chúng giúp chấm dứt nạn cúp điện từng “ám” Nam Phi cho đến năm 2015.
Tại một quốc gia còn lệ thuộc than, ngành năng lượng tái tạo được nhiều chuyên gia năng lượng và các nhà bảo vệ môi trường đánh giá là một mô hình mẫu cho các nước đang phát triển.
“Chính phủ nên tự hào với năng lượng tái tạo"
Nhưng công ty điện lực Eskom cùng một vài quan chức chính phủ lại không nghĩ như thế. Họ chỉ trích điện gió và điện mặt trời rất tốn tiền và không tin cậy.
Và họ thúc đẩy đầu tư mạnh năng lượng hạt nhân: 3 trạm điện với tổng cộng 9 lò phản ứng để sản xuất 9,6 gigawatt điện.
Cuộc chiến về năng lượng của Nam Phi trong tương lai ngày càng mãnh liệt, thường đấu nhau về số kilowatt và các chi tiết kỹ thuật khác, đôi khi làm dấy lên những công kích cá nhân giữa các quan chức với các kỹ sư điện.
Vụ đấu đá này cũng xảy ra trong lĩnh vực chính trị, với các nhóm lợi ích thân cận chính phủ vướng nhiều tai tiếng của Tổng thống Jacob Zuma thúc hối các thỏa thuận điện hạt nhân, trong khi những người khác ủng hộ năng lượng tái tạo.
Matshela Koko, một quan chức công ty Eskom, nói: “Mũi tấn công nhắm vào bất kỳ ai muốn điện hạt nhân thì đều có quan hệ rộng với ông Zuma và sẽ có chuyện tiêu cực. Nhưng nếu dựa vào khoa học và kỹ thuật, bạn sẽ kết luận rằng bạn cần có điện hạt nhân”.
Theo báo New York Times, hiện các nước đang phát triển dõi theo vụ đấu đá giữa điện tái tạo với điện hạt nhân, hai dạng năng lượng mà các nước này hy vọng sẽ cung cấp nguồn điện cho nền kinh tế đang tăng trưởng của nước mình.
Các nước như Bangladesh, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đang chọn điện hạt nhân.
Việt Nam thì đã dừng dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Tại châu Phi, nhiều nước xem điện gió và điện mặt trời là cách tăng sản lượng điện, bằng cách loại bỏ các nguồn năng lượng cũ và dơ bẩn hơn.
Năng lượng tái tạo cũng có thể giúp đa dạng hóa cho các nước lệ thuộc đến mức nguy hiểm vào chỉ một nguồn điện như Malawi, Zambia, là những quốc gia phải chịu đựng nạn cúp điện triền miên vì những cơn hạn hán nghiêm trọng làm hạ thấp mực nước ở các đập thủy điện.
Là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, Nam Phi có sản lượng điện tương đương lượng điện của một nửa châu Phi.
Nước này cũng đã cho hoạt động nhà máy điện hạt nhân duy nhất của lục địa đen từ năm 1984, dù các nhà máy điện chạy than cung cấp khoảng 80 % lượng điện cho toàn quốc.
Vì công tác vạch kế hoạch kém, những vụ cúp điện bắt đầu xảy ra hồi năm 2008. Năm 2011, Nam Phi khởi động một chương trình thu hút tư nhân sản xuất điện mặt trời và điện gió.
Đến tháng 6.2016, chương trình năng lượng tái tạo này thu hút được 102 dự án trị giá 14,4 tỉ USD. 44 cơ sở (xây trung bình chưa quá hai năm) đang sản xuất 2,2 gigawatt điện.
Ngược lại, công tác xây dựng hai nhà máy điện chạy than “khủng” của chính phủ đối mặt với sự chậm trễ kéo dài và bị đội kinh phí nghiêm trọng.
Wikus van Niekerk, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu năng lượng tái tạo và bền vững (thuộc đại học Stellenbosch) nói: “Chương trình này rất thành công, hoàn toàn sạch bóng tham nhũng và hoạt động rất tốt. Nhiều người trên thế giới đã xem đấy là một trong những chương trình cung cấp năng lượng tái tạo thành công nhất. Đấy là một thành quả đáng để chính phủ và người dân Nam Phi tự hào”.
Hơn 4.000 gương mặt trời chuyển tia nắng mặt trời vào tháp Khi Sola One, nơi nước được đun nóng tạo ra hơi và điện-Ảnh: New York Times
Chê bai năng lượng tái tạo
Công ty Abengoa (Tây Ban Nha) là đơn vị đầu tiên trúng thầu xây hai nhà máy điện mặt trời ở gần vùng Upington vốn có nhiệt độ 45 độ C và nắng quanh năm.
Không như các nhà máy điện mặt trời truyền thống, một nhà máy được xây để hấp thụ năng lượng mặt trời, tạo ra hơi vốn có thể trữ trong vài giờ rồi sử dụng để chạy turbine khi mặt trời lặn.
José David Cayuela Olivencia, tổng giám đốc của nhà máy Khi Solar One (ở gần Upington) nói: “Nam Phi là một trong những nước có vị trí tốt nhất cho điện mặt trời”.
Nhà máy này có một tòa tháp cao 200 mét mọc lên giữa sa mạc, mang trên mình 4.150 tấm gương hấp thụ nắng mặt trời có tên “heliostats” vào tháp, nơi nước được đun sôi để tạo ra hơi và điện.
Từ lúc Khi Solar One bắt đầu hoạt động hồi đầu năm 2016, nó sản xuất đủ điện cho 65.000 ngôi nhà sử dụng vào ban ngày, nhưng cũng nhờ công nghệ mới nhất này, các gia đình còn có thể sử dụng điện mặt trời của nhà máy trong vài giờ sau khi mặt trời lặn.
Nguồn điện do nhà máy Khi Solar One sản xuất rất tốn tiền, nhưng công ty điện lực Eskom phải mua theo một hợp đồng kéo dài 20 năm.
Các quan chức Eskom nói nguồn cung cấp điện từ các nhà máy điện mặt trời và điện gió rất “phập phù” hoặc không có vào ban ngày, khi người dân không cần điện.
“Lúc 19 giờ tối, nguồn cầu điện tăng cao, nhưng gió chẳng thổi, mặt trời chẳng mọc”, theo tổng giám đốc Brian Molefe của Eskom.
Ông nói việc mở rộng nguồn năng lượng tái tạo nên “chậm lại”, cho đến khi phát triển được công nghệ trữ điện mặt trời, điện gió hiệu quả nhất và rẻ nhất.
Vào lúc Nam Phi sẽ không còn sử dụng than trong vài chục năm tới, các quan chức Eskom nói chỉ có điện hạt nhân mới có thể đáp ứng nguồn cầu điện năng của Nam Phi.
Ông Koko nói rõ là chỉ có nhà máy điện hạt nhân mới có thể hoạt động 24/24 giờ.
Hết thời độc quyền lưới điện quốc gia
Nhưng những người khác nói việc xây lò phản ứng hạt nhân (có tuổi thọ từ 60 đến 80 năm) sẽ trói buộc Nam Phi vào một nguồn năng lượng, trong khi năng lượng tái tạo ngày càng có giá rẻ hơn.
Trong 5 năm qua, chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời đã giảm đáng kể, nên nay đang xây thêm nhiều nhà máy sau khi được phê duyệt, và chúng sẽ phát điện với giá rẻ nhất ở Nam Phi.
Người chỉ trích các dự án điện hạt nhân thì cãi: trong vài chục năm tới, những tiến bộ về tồn trữ điện gió, điện mặt trời cùng các công nghệ khác sẽ nổi lên, dù Nam Phi có ngả theo điện hạt nhân chăng nữa.
Phe chỉ trích còn nói: các nhà máy điện hạt nhân “khủng” sẽ hết thời, khi lưới điện quốc gia không còn độc quyền. Hiện các doanh nghiệp ở nhiều thành phố Nam Phi ngày càng lắp đặt gương mặt trời, không cần đến điện lưới nữa.
Ở các nước châu Phi khác, dân làng ngày càng kết nối điện thoại di động với pin mặt trời lắp đặt trên nhà tranh trát bùn của họ.
Harald Winkler, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu năng lượng (thuộc đại học Cape Town) nói: “Khái niệm nhà máy điện hạt nhân hoạt động 24/24 giờ thực sự đã lạc hậu. Eskom xây nhà máy điện chạy than bự và nhà máy điện hạt nhân lớn, nhưng đó là một tầm nhìn cận thị về tương lai lưới điện quốc gia. Chúng ta rồi sẽ thấy không còn chuyện độc quyền lưới điện quốc gia ở Nam Phi và phần còn lại của thế giới”.
Sự phản đối các nhà máy điện hạt nhân cũng có nơi cơ quan nghiên cứu chủ đạo của chính phủ Nam Phi: Hội đồng nghiên cứu khoa học-công nghệ khẳng định: sự mở rộng năng lượng điện gió, điện mặt trời, cùng với khí tự nhiên, có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai của Nam Phi với giá rẻ hơn.
Kim Hương (theo New York Times)