Hệ thống Phóng Không gian (SLS) mới của NASA có thể cất cánh vào cuối tháng sau trong sứ mệnh Artemis đầu tiên. NASA hy vọng quá trình này sẽ sớm đưa con người trở lại Mặt trăng.
NASA sẽ sớm khởi động chương trình Artemis để đưa con người quay trở lại Mặt trăng sau 5 thập kỷ. Giai đoạn đầu của sứ mệnh được đặt tên là Artemis-1 sẽ diễn ra vào cuối tháng sau với 3 thời điểm phóng dự kiến là ngày 29.8, 2.9 hoặc 5.9.
Jim Free, giám đốc phụ trách các hệ thống thăm dò của NASA, cho biết ngày phóng chính xác sẽ được thông báo trước khoảng một tuần. Cơ quan này cũng xác định một số thời điểm phóng tạm thời đến giữa năm 2023, phòng trường hợp thời tiết hoặc các vấn đề kỹ thuật làm trì hoãn nhiệm vụ.
Artemis-1 sẽ chứng kiến Hệ thống Phóng Không gian (SLS) lần đầu cất cánh trong một chuyến bay không người lái kéo dài từ 4 đến 6 tuần, trong đó có ít nhất 6 ngày trên quỹ đạo ngược xa (DRO) xung quanh Mặt trăng.
Các điều chỉnh đối với SLS và hệ thống liên quan dựa trên kết quả của cuộc thử nghiệm ngày 20.6 mà NASA tuyên bố thành công. NASA có một danh sách kiểm tra các hạng mục cần thực hiện trên SLS trước khi hệ thống rời nơi lắp ráp tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida.
Cuộc thử nghiệm gần đây nhất của Artemis-1 được NASA cho là đủ tốt để tiến hành các bước chuẩn bị phóng. Các kỹ sư đã đổ đầy nhiên liệu cho SLS trong quá trình thử nghiệm kéo dài 3 ngày. Họ cũng tiến hành kiểm tra phương tiện, sửa chữa lỗi rò rỉ hydro, thay thế niêm phong ở tầng lõi, lắp đặt pin máy bay và kiểm tra năng lượng trên khoang tàu Orion…
Các quan chức NASA nói rằng mọi việc đang được tiến hành cẩn thận để đảm bảo Artemis-1 sẵn sàng trước khi rời khỏi trung tâm. Cliff Lanham, giám đốc vận hành phương tiện cao cấp của chương trình hệ thống thăm dò mặt đất của NASA, cho biết Artemis-1 phải vượt qua một loạt các yêu cầu nghiêm ngặt về vận hành trước khi được cất cánh.
NASA sẽ sớm đưa con người trở lại Mặt trăng với sứ mệnh Artemis
Nằm trên đỉnh của tên lửa SLS sẽ là một khoang phi hành đoàn Orion trống rỗng. Theo Mike Sarafin, quản lý sứ mệnh Artemis, mục tiêu chính của nhiệm vụ là kiểm tra tấm chắn nhiệt của Orion. Cấu trúc này sẽ phải chịu nhiệt độ nóng bằng một nửa Mặt trời khi con tàu lao qua bầu khí quyển Trái đất.
NASA có kế hoạch thu hồi Orion sau khi khoang phi hành đoàn rơi xuống đại dương để nghiên cứu kỹ lưỡng sự hao mòn của thiết bị trước khi cho phép các phi hành gia sử dụng nó trong những lần phóng trong tương lai.
Sự thành công của nhiệm vụ sẽ phụ thuộc vào hiệu suất của SLS. Theo NASA, đây là tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo. Khi lắp đặt thêm khoang phi hành đoàn Orion, hệ thống này cao tới 98 m (hơn cả tượng Nữ thần Tự do).
Mặc dù ngắn hơn một chút so với tên lửa Saturn V được sử dụng trong các sứ mệnh Apollo vào những năm 60 và 70, SLS mạnh hơn đáng kể với khả năng cung cấp lực đẩy khoảng 4 triệu kg, nhiều hơn 14% so với tên lửa này.
NASA đã thảo luận về tiến trình của Artemis-1 vào dịp kỷ niệm 53 năm ngày Apollo 11 hạ cánh lên Mặt trăng (1969). Cơ quan này hy vọng sẽ đưa con người trở lại đó sớm nhất vào năm 2025.
Giai đoạn tiếp theo Artemis-2 sẽ là chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên của sứ mệnh, đưa các phi hành gia bay quanh Mặt trăng nhưng không đáp xuống bề mặt. Giai đoạn Artemis-3 sẽ chứng kiến các phi hành gia hạ cánh xuống cực nam của thiên thể, với mục tiêu thiết lập một căn cứ lâu dài ở đó.