Koppo Electronics Co, nhà sản xuất tai nghe Bluetooth có tiếng ở Trung Quốc, đã quyết định đóng cửa và sa thải tất cả nhân viên của mình.
Koppo Electronics Co trở thành nạn nhân mới nhất của những cơn gió ngược kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng và tai ương thương mại đã ập đến thành phố Đông Quan, trung tâm sản xuất của Trung Quốc.
Koppo Electronics Co, công ty đã vận hành nhà máy ở Đông Quan (tỉnh Quảng Đông) trong 12 năm, cho biết họ đã ngừng hoạt động một phần vì "một số khách hàng thương mại điện tử xuyên biên giới không thực hiện được các khoản thanh toán đến hạn".
“Kể từ khi đại dịch bùng phát, các luồng kinh tế và thương mại toàn cầu đã chứng kiến những gián đoạn chưa từng có. Công ty đã bị ảnh hưởng bởi việc thanh toán chậm trễ bởi một số thương gia xuyên biên giới và một lượng lớn hàng hóa thành phẩm đang được dự trữ trong nhà kho”, thông báo cho biết.
Koppo Electronics dự kiến sẽ sa thải 100 nhân viên, theo một báo cáo của trang truyền thông kỹ thuật số Jiemian News (Trung Quốc). Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty có hơn 1.000 nhân viên và sản xuất khoảng 400.000 tai nghe mỗi tháng.
“Công ty đã thua lỗ trong những năm gần đây và rất khó để tiếp tục hoạt động. Chiến tranh ở Ukraine đột ngột bùng nổ đã giáng một đòn nặng nề khác vào hoạt động kinh doanh của công ty và tình hình thị trường thật tồi tệ”, trích thông báo.
Sự sụp đổ của Koppo Electronics xảy ra sau khi một số nhà máy lớn đóng cửa ở Đồng bằng sông Châu Giang, điều này làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc mất lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất và vai trò chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rắc rối ở trung tâm sản xuất của Trung Quốc có khả năng lan rộng trong nền kinh tế rộng lớn hơn. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, lĩnh vực xuất khẩu cung cấp việc làm cho 180 triệu người, hay hơn 1/3 trong số 530 triệu việc làm phi nông nghiệp của đất nước.
Sự sụp đổ của Koppo Electronics Co cũng phản ánh nhiều dấu hiệu rắc rối hơn với cộng đồng Made in China, sold on Amazon (Sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon), sau cuộc đàn áp sâu rộng của công ty thương mại điện tử Mỹ đã loại bỏ hàng ngàn người bán Trung Quốc khỏi nền tảng này kể từ năm ngoái.
Một trong những khách hàng lớn nhất của Koppo Electronics Co thanh toán chậm trễ là công ty điện tử tiêu dùng xuyên biên giới Sunvalley có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), nhà bán hàng lớn các thiết bị do Trung Quốc sản xuất trên Amazon, theo báo cáo của Jiemian News, trích dẫn cổ đông lớn của Koppo Electronics Co - Wei Yongning.
Báo cáo từ Jiemian News cho biết tài khoản bán hàng của Sunvalley trên Amazon đã bị đóng băng vào năm ngoái vì không tuân thủ các quy tắc của nền tảng trực tuyến, dẫn đến việc họ không thanh toán cho Koppo Electronics Co về các sản phẩm mà họ đặt hàng.
Sunvalley và công ty mẹ của nó, Guangdong SACA Precision Manufacturing Co, không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.
Vào tháng 6.2021, Amazon đã cấm bán ba dòng sản phẩm phổ biến của Sunvalley - pin sạc dự phòng RAVPower, tai nghe Taotronics và máy ảnh VAVA - vì những nỗ lực của người bán nhằm thu hút những đánh giá tích cực của khách hàng.
Tháng 10.2021, ba thương hiệu đồ dùng khác của Sunvalley - Anjou, Sable và Hootoo - đã bị xóa khỏi trang Amazon.
Theo báo cáo hàng năm của Guangdong SACA Precision Manufacturing Co, tổng cộng 367 cửa hàng trực tuyến trên Amazon do Sunvalley điều hành đã bị nền tảng này tạm ngưng vào năm 2021, chiếm 70% tổng số tài khoản của công ty Trung Quốc. Nó cho biết hơn 32 triệu nhân dân tệ (4,74 triệu USD) của quỹ Sunvalley đã bị Amazon đóng băng.
Theo báo cáo hàng năm của Guangdong SACA Precision Manufacturing Co, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của Koppo Electronics Co cho năm 2021 đã giảm gần một nửa do chiến dịch đàn áp của Amazon, dẫn đến khoản lỗ 1,52 tỉ nhân dân tệ trong giai đoạn này. Koppo Electronics Co là một trong những nhà cung cấp hàng đầu cho Sunvalley, hồ sơ của công ty cho thấy.
Khi Amazon bắt đầu ngăn chặn các đánh giá giả mạo vào năm ngoái, nền tảng của Mỹ đã đóng cửa 3.000 tài khoản thương gia trực tuyến được hỗ trợ bởi khoảng 600 thương hiệu Trung Quốc, làm tổn hại đến hoạt động của cộng đồng "Sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon”.
Vì sao cộng đồng ‘Sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon’ đối mặt tương lai u ám?
Cộng đồng “Sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon” ở Thâm Quyến đang tạm biệt sự tăng trưởng như vũ bão những năm gần đây khi tập trung vào việc tuân thủ và xây dựng thương hiệu.
Việc này diễn ra trong bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp với các quy định chặt chẽ hơn, những bất ổn về địa chính trị và sự gián đoạn hậu cần do các đợt phong tỏa trong đại dịch.
Với Zou Xing, Giám đốc bán hàng tại nhà sản xuất nhiệt kế đo thực phẩm Shenzhen Goldgood Instrument, công việc kinh doanh đã phát triển mạnh những năm gần đây thông qua các cửa hàng trực tuyến của khách hàng trên Amazon, nhưng tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại năm nay và thậm chí còn giảm ở một số khu vực.
Các thị trường lớn nhất của Shenzhen Goldgood Instrument, Mỹ và châu Âu, đã chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm là 30% trong vài năm qua, theo Zou Xing.
“Thị trường Mỹ phần lớn ổn định, nhưng hoạt động kinh doanh ở châu Âu của chúng tôi đã giảm một nửa trong năm nay. Tôi nghĩ rằng nền kinh tế suy yếu và chính trị, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine, là những lý do chính đằng sau doanh số bán hàng yếu kém”, Zou Xing nói với trang South China Morning Post từ gian hàng của mình tại Triển lãm Thương mại Điện tử Xuyên Biên giới quốc tế Thâm Quyến vào cuối tuần trước.
Bất chấp các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của thành phố Thâm Quyến, hội chợ kéo dài 3 ngày đã thu hút hàng chục ngàn người tham dự và hơn 800 nhà triển lãm đang tìm kiếm khách hàng cùng cơ hội mới.
Các nền tảng thương mại điện tử lớn như Walmart và AliExpress đã cử nhân viên đến sự kiện để thu hút người bán mới, trong khi eBay tổ chức các bài giảng tại chỗ để dạy người bán về các danh mục sản phẩm phổ biến có sẵn trên nền tảng của mình. Trong khi đó, hàng loạt đại diện các công ty hậu cần phát tờ rơi và danh thiếp cho du khách trên các lối đi, hỏi xem họ có cần dịch vụ gửi hàng đi Mỹ và Canada không.
Theo dữ liệu chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc, ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của nước này đã tăng trưởng nhanh chóng, mở rộng gấp 10 lần trong 5 năm qua. Việc chuyển sang mua sắm trực tuyến trong thời gian bùng phát dịch đã tạo ra một cú hích lớn cho ngành này vào năm 2020, khi thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc tăng trưởng 31% và xuất khẩu tăng hơn 40%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm lại vào năm ngoái, chỉ tăng 15%, đạt 1,98 ngàn tỉ nhân dân tệ (295 tỉ USD), với xuất khẩu tăng 24,5% lên 1,44 ngàn tỉ nhân dân tệ.
Wang Xin, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến, nói: “Những ngày phát triển bùng nổ của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới đã không còn nữa. Chúng tôi đã chuyển sang con đường đi chậm chạp và cần phát triển thương hiệu của riêng mình để giữ chân khách hàng cùng người tiêu dùng, thay vì chỉ tải hàng hóa trên một trang web”.
Cộng đồng thương gia ở Trung Quốc đã phải hứng chịu một đòn giáng mạnh vào năm ngoái sau khi Amazon bắt đầu đàn áp các đánh giá giả mạo (tự khen sản phẩm).
Sau cuộc đàn áp, người bán Trung Quốc đã chứng kiến thị phần của họ trong số những người bán hàng đầu Amazon giảm từ 40% vào đầu 2021 xuống 33% cuối năm đó, theo dữ liệu do Marketplace Pulse cung cấp.
Theo Wang Xin, phần lớn những người bán bị ảnh hưởng vẫn chưa lấy lại được quyền kiểm soát tài khoản và vốn của họ, vì liên lạc và hành động pháp lý giữa những người bán và Amazon đang diễn ra.
Cuộc đàn áp Amazon chỉ là một trong chuỗi những thách thức mà cộng đồng thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc phải đối mặt. Ví dụ, chi phí vận tải đường biển đã tăng vọt. Giá vận chuyển từ châu Á đến bờ tây Mỹ vào cuối năm 2021 đã tăng lên 26.000 USD/container 40 feet (12,192 m), cao hơn gần 330% so với một năm trước đó.
Xung đột địa chính trị đã làm tăng thêm áp lực, với cuộc chiến của Nga ở Ukraine dẫn đến tỷ giá hối đoái biến động và gián đoạn hậu cần tại các thị trường do người bán Trung Quốc phục vụ.
Các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 nhỏ và biện pháp nghiêm ngặt chống đại dịch trên khắp Trung Quốc cũng gây ra gián đoạn thương mại xuyên biên giới, với các hoạt động hậu cần và kho hàng phần lớn bị đình trệ trong thời gian phong tỏa kéo dài một tuần của Thâm Quyến hồi tháng 3.2022.
Các thương gia Trung Quốc cũng phải đối mặt với các yêu cầu tuân thủ mới từ các cơ quan quản lý và những nền tảng ở thị trường nước ngoài.
Hồi tháng 3, Tomtop Technology (có trụ sở tại Thâm Quyến) đã bị PayPal khấu trừ hoặc đóng băng quỹ 78 triệu nhân dân tệ như một phần của chiến dịch trấn áp các cáo buộc gian lận. Số tiền này đến từ hơn 30 tài khoản thanh toán của Tomtop Technology được liên kết với các cửa hàng trực tuyến tự điều hành, bao gồm cả 6 tài khoản liên quan đến các vụ kiện vi phạm nhãn hiệu, theo hồ sơ từ Yiwu Huading Nylon Co (công ty mẹ của Tomtop Technology).
Riêng biệt, 54 cửa hàng Amazon do Tomtop Technology điều hành đã bị đóng cửa vào năm ngoái như một phần của chiến dịch đàn áp nền tảng thương mại điện tử.
Wang Xin tại hiệp hội ngành cho biết hơn 100 thương nhân Trung Quốc với hàng chục tỉ nhân dân tệ đã bị ảnh hưởng bởi cuộc đàn áp PayPal.
Một phát ngôn viên của PayPal nói công ty áp dụng “lập trường kiên định chống lại các hoạt động bị hạn chế như gian lận”, nhưng từ chối bình luận về các trường hợp cá nhân do chính sách bảo mật của họ.
“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hoạt động bất hợp pháp của một số ít thương nhân không làm suy yếu hoạt động kinh doanh hợp pháp và danh tiếng vững chắc mà hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc đã gây dựng trong mạng lưới người mua toàn cầu của PayPal”, người phát ngôn PayPal cho biết qua email.
Cuộc đàn áp của PayPal là lời cảnh báo cho số lượng ngày càng tăng người bán muốn chuyển trọng tâm khỏi Amazon để tránh các quy tắc nền tảng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên khi xây dựng các cửa hàng của riêng mình, còn được gọi là những trang web độc lập, họ sẽ ngày càng phải đối mặt với sự giám sát khi hoạt động kinh doanh phát triển.
Wang Yongchao, Chủ tịch của nhà cung cấp dịch vụ tuân thủ Chenhai Group, nhận định: “Các quy định ở thị trường nước ngoài sẽ chỉ ngày càng chặt chẽ hơn”. Ông nói thêm rằng những sự cố như cuộc đàn áp Amazon đã giúp giáo dục các công ty Trung Quốc về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc trên thị trường quốc tế.
“Dù quy định của chính phủ phần lớn tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng, nó sẽ mở rộng sang thương mại nói chung và cuối cùng là cho tất cả các công ty Trung Quốc đang mạo hiểm ra nước ngoài trong các ngành, chẳng hạn video game”, Wang Xin nói.