Hôm 20.3, Nga tuyên bố đã biết về những nỗ lực tình báo của Mỹ trong việc sử dụng các nhà khai thác vệ tinh thương mại như SpaceX và cảnh báo rằng động thái như vậy khiến vệ tinh của Mỹ trở thành mục tiêu hợp lệ.
Thế giới số

Nga cảnh báo: Nhờ SpaceX làm gián điệp khiến vệ tinh của Mỹ trở thành mục tiêu hợp lệ

Sơn Vân 20/03/2024 21:35

Hôm 20.3, Nga tuyên bố đã biết về những nỗ lực tình báo của Mỹ trong việc sử dụng các nhà khai thác vệ tinh thương mại như SpaceX và cảnh báo rằng động thái như vậy khiến vệ tinh của Mỹ trở thành mục tiêu hợp lệ.

Reuters đưa tin SpaceX đang xây dựng một mạng lưới gồm hàng trăm vệ tinh do thám theo hợp đồng mật với cơ quan tình báo Mỹ, thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa công ty vũ trụ do Elon Musk điều hành và các cơ quan an ninh quốc gia.

Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, nói với các phóng viên: “Chúng tôi nhận thức được những nỗ lực từ Mỹ nhằm thu hút khu vực tư nhân phục vụ tham vọng không gian quân sự của mình”.

Bà Maria Zakharova cho biết những hệ thống như vậy "trở thành mục tiêu hợp lệ cho các biện pháp đáp trả, gồm cả các biện pháp quân sự".

Theo Reuters, Starshield, đơn vị thuộc SpaceX, đang xây dựng mạng lưới vệ tinh tình báo theo theo hợp đồng trị giá 1,8 tỉ USD ký năm 2021 với Văn phòng Trinh sát Quốc gia Mỹ (NRO), cơ quan quản lý vệ tinh tình báo của nước này.

Mạng lưới gồm hàng trăm vệ tinh nói trên có thể theo dõi mục tiêu trên mặt đất và chia sẻ thông tin với quân đội, tình báo Mỹ. Về lý thuyết, điều này cho phép chính phủ và quân đội Mỹ nhanh chóng thu thập liên tục hình ảnh về hoạt động ở hầu hết vị trí trên thế giới, hỗ trợ hoạt động tình báo và quân sự.

Nếu thành công, mạng lưới vệ tinh này sẽ nâng cao đáng kể năng lực xác định mục tiêu tiềm năng của chính phủ và quân đội Mỹ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ mạng lưới vệ tinh mới sẽ bắt đầu hoạt động khi nào hoặc có những công ty nào khác cùng tham gia dự án này.

nga-canh-bao-nho-spacex-lam-gian-diep-khien-ve-tinh-cua-my-tro-thanh-muc-tieu.jpg
Starshield đang xây dựng mạng lưới vệ tinh tình báo theo theo hợp đồng trị giá 1,8 tỉ USD ký năm 2021 với Văn phòng Trinh sát Quốc gia Mỹ - Ảnh: Internet

Hồi tháng 2, tờ Wall Street Journal đưa tin về hợp đồng tuyệt mật của Starshield trị giá 1,8 tỉ USD với một cơ quan tình báo không xác định, song không nêu chi tiết mục đích của chương trình.

NRO thừa nhận đảm nhận sứ mệnh phát triển một hệ thống vệ tinh tinh vi và thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ, công ty, tổ chức nghiên cứu khác.

"Cơ quan Trinh sát Quốc gia đang phát triển hệ thông tình báo, giám sát và trinh sát trên không gian có khả năng đa dạng và linh hoạt nhất thế giới", một người phát ngôn của NRO nói.

Tuy nhiên, NRO từ chối bình luận về thông tin về vai trò của SpaceX. Công ty hàng không vũ trụ của Elon Musk cũng từ chối trả lời câu hỏi về vấn đề này.

Ba nguồn tin cho biết khoảng một chục nguyên mẫu vệ tinh tình báo đã được phóng kể từ năm 2020 cùng với các vệ tinh khác trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Kho dữ liệu về vật thể trên quỹ đạo của chính phủ Mỹ chỉ ra SpaceX đã triển khai một số vệ tinh mà cả công ty lẫn chính quyền Biden đều chưa từng thừa nhận. Hai nguồn tin của Reuters xác nhận đó là những vệ tinh nguyên mẫu trong mạng lưới Starshield.

Bộ Quốc phòng Mỹ vốn là khách hàng lớn của SpaceX, từng sử dụng tên lửa Falcon 9 của công ty này để chuyển các thiết bị quân sự lên vũ trụ. Một nguồn tin cho biết vệ tinh nguyên mẫu đầu tiên của Starshield, phóng năm 2020, là một phần trong hợp đồng riêng trị giá khoảng 200 triệu USD, giúp SpaceX giành được hợp đồng 1,8 tỉ USD sau đó.

Dự án vệ tinh tình báo được cho là một phần trong cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa Mỹ và các đối thủ để trở thành cường quốc thống trị không gian. Mạng lưới rộng lớn với quỹ đạo tầm thấp có thể cung cấp hình ảnh trên bề mặt Trái Đất nhanh hơn và gần như liên tục, vượt trội hơn các hệ thống vệ tinh do thám trên tàu vũ trụ cồng kềnh, đắt tiền trước đây.

Mạng lưới Starshield không liên quan tới Starlink, gồm hơn 5.500 vệ tinh trong không gian nhằm cung cấp internet cho người tiêu dùng, công ty và cơ quan chính phủ, theo các nguồn tin của Reuters.

Theo Reuters, Ukraine hồi tháng 2 cáo buộc quân đội Nga đang sử dụng hệ thống internet vệ tinh Starlink ở các vùng của Ukraine mà họ kiểm soát. Ukraine từng sử dụng Starlink để liên lạc quân sự trong suốt cuộc xung đột với Nga.

Liên quan tới vấn đề này, Dmitry Peskov (người phát ngôn Điện Kremlin) cho biết Starlink không phải là hệ thống được Nga chứng nhận. Do đó, Starlink không thể và không được cung cấp chính thức ở Nga cũng như không thể được sử dụng chính thức dưới bất kỳ hình thức nào, theo Dmitry Peskov.

Theo Dmitry Peskov, “vì lẽ đó chúng ta không nên can thiệp vào cuộc thảo luận giữa Ukraine và doanh nhân Musk”.

Trước đó, Cơ quan Tình báo quân sự Ukraine cho biết các thiết bị đầu cuối Starlink đang được sử dụng bởi các đơn vị như Lữ đoàn tấn công đường không số 83 của Nga, lực lượng đang chiến đấu gần các thị trấn Klishchiivka và Andriivka ở khu vực phía đông Donetsk.

Cùng với cáo buộc nêu trên, tờ Kyiv Independent đưa tin Cơ quan Tình báo quân sự Ukraine đã công bố một đoạn ghi âm một cuộc điện thoại bị chặn, trong đó các binh sĩ Nga được cho là đang thảo luận về việc thiết lập thành công thiết bị đầu cuối của hệ thống internet vệ tinh Starlink.

Andrii Yusov, người phát ngôn Cơ quan Tình báo quân sự Ukraine, nói với kênh RBC-Ukraine rằng việc sử dụng hệ thống Starlink của Nga đang tăng lên ở cấp độ hệ thống.

Theo Andrii Yusov, “không ai tuyên bố rằng Starlink đã chính thức được bán” cho Nga và nước này có thể có được các thiết bị đầu cuối của hệ thống Starlink thông qua buôn lậu và qua nước thứ ba.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Elon Musk viết: “Theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, chưa có hệ thống Starlink nào được bán trực tiếp hoặc gián tiếp cho Nga”.

Theo ông chủ X, đã có một số báo cáo sai sự thật cho rằng SpaceX đang bán thiết bị đầu cuối của hệ Starlink cho Nga, nhưng điều này không đúng.

Trong một tuyên bố tiếp theo, tỉ phú 52 tuổi người Mỹ nói rằng Starlink sẽ không kết nối với các thiết bị ở Nga.

SpaceX tuyên bố sẽ vô hiệu hóa các thiết bị đầu cuối Starlink "nếu chúng bị một bên sử dụng trái phép".

Sau khi chiến sự với Nga bùng phát hồi tháng 2.2022, hệ thống Starlink giúp Ukraine duy trì kết nối internet và hoạt động bình thường, cho phép binh sĩ nước này liên lạc dễ dàng hơn trên tiền tuyến, phần nào hỗ trợ hoạt động của vũ khí và máy bay không người lái (UAV).

Giới chuyên gia phương Tây nhận định Nga tìm cách cắt kết nối của thiết bị Starlink song chưa thành công.

Theo tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ hồi đầu năm 2023, Nga đang thử nghiệm hệ thống tác chiến điện tử Tobol để cản trở tín hiệu Starlink. Tình báo Mỹ thừa nhận hệ thống Tobol tiên tiến hơn so với hiểu biết trước đây của phương Tây.

Tài liệu này cho hay Nga thử nghiệm hệ thống Tobol-1 tại Ukraine trong 25 ngày vào tháng 9.2022. Quân đội Ukraine từng báo cáo hệ thống Starlink bị gián đoạn vào tháng 10.2022, song không rõ sự cố này do tổ hợp Tobol-1 hay hệ thống gây nhiễu khác của Nga gây ra.

Bài liên quan
'SpaceX là thách thức chưa từng có với tham vọng thống trị vũ trụ của Trung Quốc'
Tham vọng trở thành cường quốc thống trị vũ trụ vào năm 2045 của Trung Quốc đối mặt với những thách thức chưa từng có, đặc biệt là từ công ty SpaceX (Mỹ) do Elon Musk điều hành, theo bài bình luận chính thức trên tờ China Space News.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao
12 giờ trước Tài chính và đầu tư
Thủ tướng yêu cầu tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là đối với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga cảnh báo: Nhờ SpaceX làm gián điệp khiến vệ tinh của Mỹ trở thành mục tiêu hợp lệ