Cơ quan giám sát y tế quốc gia Nga (Rospotrebnadzor) tuyên bố không có lý do gì để hoảng sợ trước đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới.

Nga: Chẳng có lý do gì phải sợ bệnh đậu mùa khỉ, người sinh trước 1980 đã được tiêm vắc xin

Sơn Vân | 24/05/2022, 21:51

Cơ quan giám sát y tế quốc gia Nga (Rospotrebnadzor) tuyên bố không có lý do gì để hoảng sợ trước đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới.

Anna Popova, người đứng đầu Rospotrebnadzor, nói với Đài Russian KP hôm 24.5 rằng căn bệnh này đã được nhân loại biết đến rất nhiều.

Anna Popova nói đến nay không có ca bệnh đậu mùa khỉ nào “nhập khẩu” vào Nga, đồng thời cho biết thêm rằng nước này có hệ thống xét nghiệm với khả năng phát hiện vi rút trong mẫu bệnh phẩm trong vòng vài giờ.

Nhà chức trách Nga đã đưa ra các biện pháp kiểm soát vệ sinh và thông báo cho các nhân viên y tế về tình hình, bà nói thêm.

Điều quan trọng là phải cảnh giác”, Anna Popova nói khi bà kêu gọi các bác sĩ chú ý đến các triệu chứng nhất định có thể là dấu hiệu của căn bệnh này.

Người đứng đầu Rospotrebnadzor khuyên những người đã đến các khu vực có nguy cơ và cảm thấy bị bệnh sau đó nên thông báo cho các bác sĩ về chuyến đi của họ.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức. Phát ban thường bắt đầu trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Tuy nhiên, Rospotrebnadzor cho rằng “không có lý do gì để hoảng sợ” hoặc “đặc biệt nâng cao nhận thức”, Anna Popova nói với đài Russian KP.

Theo Anna Popova, các quốc gia châu Âu đến nay đã phải đối mặt với biến thể ít nguy hiểm nhất của vi rút đậu mùa khỉ. “Nó ít gây bệnh hơn. Nó gây ra một căn bệnh nhẹ hơn”, bà nói.

Người đứng đầu Rospotrebnadzor cũng nói rằng vi rút này không có nhiều đột biến so với hai chủng trước đây. 

Có hai chủng vi rút đậu mùa khỉ: Chủng Tây Phi nhẹ hơn, đang lưu hành ở châu Âu và Bắc Mỹ, có tỷ lệ tử vong được ghi nhận là khoảng 1%; chủng Congo gây bệnh nặng hơn với tỷ lệ tử vong lên đến 10%.

Chúng tôi không thấy đột biến”, Anna Popova tuyên bố và nói thêm rằng các ấn phẩm khoa học cho thấy vi rút không khác gì so với trước khi bùng phát bệnh.

Theo Anna Popova, những người Nga sinh trước năm 1980 cũng không nên đặc biệt lo lắng về căn bệnh này, giải thích rằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa là bắt buộc ở Liên Xô trước năm đó và việc này cũng có thể mang lại hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

nga-chang-co-ly-do-gi-phai-do-benh-dau-mua-khi.jpg
Nga tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không đáng sợ, vi rút chưa đột biến - Ảnh: Internet

Bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở gần 20 quốc gia trong vài tuần qua, trên khắp châu Âu, Úc và Mỹ.

Bỉ đã trở thành nước đầu tiên bắt buộc cách ly bệnh nhân đậu mùa khỉ 3 tuần sau khi phát hiện 3 trường hợp trên lãnh thổ của mình.

Phát hiện một người mắc bệnh đậu mùa khỉ khoảng 2 tuần trước, Mỹ đã đặt mua vắc xin đậu mùa Jynneos từ hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch).

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh (BARDA) –  cơ quan chính phủ phụ trách đối phó với đại dịch và khủng hoảng sinh học của Mỹ, ký hợp đồng với Bavarian Nordic để mua vắc xin Jynneos đông khô.

Hợp đồng có giá trị ban đầu 119 triệu USD, nhưng tổng giá trị có thể tăng thêm 180 triệu USD (lên tới 299 triệu USD) nếu Mỹ muốn mua thêm. Khi đó, số vắc xin mà Mỹ nhận được sẽ là khoảng 13 triệu liều.

Jynneos được tạo ra để điều trị bệnh đậu mùa, nhưng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận sử dụng để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2019. Việc chuyển Jynneos sang dạng đông khô sẽ giúp kéo dài hạn sử dụng.

Bavarian Nordic đã làm việc với Mỹ kể từ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2003, cung cấp gần 30 triệu liều vắc xin Jynneos.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ hôm 20.5 khi số ca tăng lên. Các quan chức Anh và Mỹ cũng như một số quốc gia khác khẳng định vi rút này có nguy cơ thấp với công chúng.

Hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ đều bình phục sau h2 hoặc 4 tuần. Theo WHO, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến khoảng 3-6%.

Tuy nhiên, một sự kiện mô phỏng được tiến hành tại Hội nghị An ninh Munich năm 2021 đã mô tả vụ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ giả định có thể dẫn đến 270 triệu người tử vong trên toàn cầu.

Hôm 24.5, WHO cho biết đã có 131 người mắc bệnh đậu mùa khỉ và 106 trường hợp nghi ngờ khác kể từ khi ca đầu tiên được báo cáo ngày 7.5 bên ngoài các quốc gia nơi bệnh thường lây lan.

Theo WHO, tuy đợt bùng phát bệnh là bất thường nhưng vẫn ở mức "có thể kiểm soát được".

WHO đang triệu tập thêm các cuộc họp để hỗ trợ các quốc gia thành viên với nhiều lời khuyên hơn về cách giải quyết tình hình.

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhiễm vi rút thường nhẹ, phổ biến ở các vùng Tây và Trung Phi. Nó lây lan chủ yếu thông qua tiếp xúc gần và cho đến khi bùng phát gần đây, hiếm khi được nhìn thấy ở các khu vực khác trên thế giới. Phần lớn các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ vừa qua được báo cáo ở châu Âu.

Chúng tôi khuyến khích tất cả các bạn tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ để xem mức độ lây truyền như thế nào và biết nó đang đi đến đâu”, Sylvie Briand, Giám đốc Quản lý Nguy cơ lây nhiễm của WHO, nói.

Bà cho biết không rõ các vụ việc là "phần nổi của tảng băng chìm" hay đỉnh điểm về sự lây truyền đã qua đi.

Phát biểu trước Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ở thành phố Geneve (Thụy Sĩ), Sylvie Briand nhắc lại quan điểm của WHO rằng không có khả năng vi rút đã đột biến nhưng nói sự lây truyền có thể được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong hành vi của con người, đặc biệt là khi nhiều người quay trở lại xã hội hóa khi các hạn chế trong đại dịch được dỡ bỏ trên toàn thế giới.

Nhiều nhưng không phải tất cả các ca bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở nam giới quan hệ tình dục đồng tính và Sylvie Briand nói rằng điều đặc biệt quan trọng là phải cố gắng ngăn chặn lây truyền qua đường tình dục.

Trong khi nói sự bùng phát là không bình thường, Sylvie Briand nhấn mạnh rằng nó "có thể kiểm soát được". Ngoài ra, bà nói còn có các loại vắc xin và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ, kêu gọi các biện pháp ngăn chặn thích hợp, nghiên cứu thêm và hợp tác toàn cầu. Bà nói: “Chúng ta đừng chuyện bé xé ra to”.

Bài liên quan
Bệnh đậu mùa khỉ lan ra gần 20 quốc gia, đã có nước bắt buộc cách ly 3 tuần
Bỉ là nước đầu tiên bắt buộc bệnh nhân đậu mùa khỉ phải cách ly trong 3 tuần để ngăn chặn sự lây truyền khi số ca gia tăng khắp châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga: Chẳng có lý do gì phải sợ bệnh đậu mùa khỉ, người sinh trước 1980 đã được tiêm vắc xin