Hôm 24.5, một quan chức cấp cao của WHO nói không có bằng chứng cho thấy vi rút đậu mùa khỉ đã đột biến, lưu ý rằng căn bệnh truyền nhiễm này đã từng lưu hành ở Tây và Trung Phi có xu hướng không thay đổi.

WHO: Không có bằng chứng vi rút đậu mùa khỉ đột biến, không cần tiêm vắc xin đại trà

Sơn Vân | 24/05/2022, 08:28

Hôm 24.5, một quan chức cấp cao của WHO nói không có bằng chứng cho thấy vi rút đậu mùa khỉ đã đột biến, lưu ý rằng căn bệnh truyền nhiễm này đã từng lưu hành ở Tây và Trung Phi có xu hướng không thay đổi.

Rosamund Lewis, trưởng ban thư ký về bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói trong một cuộc họp báo rằng các đột biến có xu hướng thấp hơn với loại vi rút này, dù việc giải trình tự bộ gen các ca bệnh sẽ giúp cung cấp thông tin hiểu biết về đợt bùng phát hiện tại.

Các chuyên gia y tế đang theo dõi có các đột biến liên quan có thể giúp vi rút đậu mùa khỉ dễ lây truyền hoặc gây bệnh trở nên trầm trọng hơn không.

Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, cho biết có hơn 100 trường hợp nghi ngờ và đã được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ trong một đợt bùng phát gần đây ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Bà nói: “Đây là một tình huống có thể tránh khỏi, đặc biệt là ở châu Âu. Nhưng chúng tôi không thể không chú tâm với những gì đang xảy ra ở châu Phi, những quốc gia có dịch bệnh lưu hành".

Theo WHO, các đợt bùng phát dịch này không điển hình, xảy ra ở các quốc gia nơi vi rút đậu mùa khỉ không lưu hành thường xuyên. Các nhà khoa học đang tìm cách tìm hiểu nguồn gốc của các ca bệnh đậu mùa khỉ và liệu vi rút có đang biến đổi hay không.

WHO đang yêu cầu các phòng khám da liễu và chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như các phòng khám sức khỏe tình dục, cảnh giác với các trường hợp có thể xảy ra.

Nhiều nhưng không phải tất cả những người được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là nam giới có quan hệ tình dục đồng tính (MSM).

Các quan chức cho biết vẫn còn quá sớm để nói lý do tại sao, nhưng nhóm nhân khẩu học này có thể muốn tìm kiếm lời khuyên y tế hoặc tiếp cận với kiểm tra sức khỏe tình dục.

Bệnh đậu mùa khỉ thường không dễ lây lan giữa người với người, nhưng nó có thể lây truyền qua tiếp xúc gần gũi giữa người với người hoặc tiếp xúc với các vật dụng mà bệnh nhân đậu mùa khỉ sử dụng, chẳng hạn như quần áo, giường hoặc đồ dùng.

Andy Seale, cố vấn chiến lược tại Cơ quan chương trình HIV, viêm gan và STI (nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục) toàn cầu thuộc WHO, cho biết: “Chúng tôi biết rằng MSM nếu phát hiện phát ban bất thường, họ có thể muốn giải quyết nó nhanh chóng. Việc họ chủ động đối phó với các triệu chứng bất thường có thể là một phần của câu chuyện. Điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tuần và ngày tới".

Van Kerkhove cho rằng nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ sẽ được phát hiện là do giám sát mở rộng.

Khi được hỏi liệu những phát hiện ban đầu có thể thúc đẩy sự phân biệt đối xử hay không, Andy Seale trả lời: "Có nhiều cách chúng tôi có thể làm việc với cộng đồng để học hỏi kinh nghiệm hàng thập kỷ về giải quyết kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV. Chúng tôi muốn áp dụng những bài học kinh nghiệm đó vào lần này".

Trong một cuộc họp báo hôm 23.5, các quan chức y tế Mỹ cho biết một người mắc bệnh đậu mùa khỉ ở bang Massachusetts đã được ghi nhận và họ xác định thêm 4 trường hợp nghi ngờ khác, 1 ở thành phố New York và bang Florida, 2 tại bang Utah.

Tất cả đều là những người đàn ông có tiền sử du lịch quốc tế, phù hợp với các kiểu phơi nhiễm từng từng thấy ở những nơi khác.

who-khong-bang-chung-vi-rut-dau-mua-khi-da-dot-bien-chua-can-tiem-vac-xin-dai-tra.jpg
WHO cho rằng không có bằng chứng vi rút đậu mùa khỉ đột biến và không cần thiết tiêm vắc xin đại trà phòng bệnh này - Ảnh: Internet

WHO: Không cần thiết phải tiêm vắc xin đại trà phòng bệnh đậu mùa khỉ

WHO không tin rằng dịch đậu mùa khỉ bùng phát bên ngoài châu Phi dẫn đến cần phải tiêm vắc xin hàng loạt vì các biện pháp như vệ sinh tốt và hành vi tình dục an toàn sẽ giúp kiểm soát sự lây lan của nó.

Richard Pebody, người đứng đầu nhóm mầm bệnh có mức độ đe dọa cao tại WHO khu vực châu Âu, nói với Reuters rằng nguồn cung cấp vắc xin và thuốc kháng vi rút ngay lập tức tương đối hạn chế.

Bình luận của ông được đưa ra khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đang trong quá trình tung ra một số liều vắc xin Jynneos để sử dụng cho các ca bệnh đậu mùa khỉ.

Các quan chức CDC cho biết có hơn 1.000 liều vắc xin, được phê duyệt tại Mỹ vào năm 2019, trong kho dự trữ quốc gia và dự kiến ​​mức đó sẽ tăng lên rất nhanh trong những tuần tới.

Do hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất, Jynneos được phê duyệt ở Mỹ để sử dụng phòng chống bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ ở người lớn có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên.

Các quan chức nói với các phóng viên rằng có hơn 100 triệu liều vắc xin đậu mùa cũ hơn, ACAM2000, có một số tác dụng phụ đáng kể. ACAM2000 trước đây được sản xuất bởi Sanofi và bây giờ do Savingent BioSolutions sản xuất.

CDC cho biết: “Chúng tôi đang hy vọng tối đa hóa việc phân phối vắc xin cho những người mà chúng tôi biết sẽ được hưởng lợi từ nó. Đó là những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ, nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người tiếp xúc cá nhân rất gần và đặc biệt là những người có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng".

Hôm 24.5, chính phủ Đức cho biết đang đánh giá các lựa chọn tiêm vắc xin, trong khi Anh đã cung cấp chúng cho một số nhân viên y tế.

Các cơ quan y tế công cộng ở châu Âu và Bắc Mỹ đang điều tra hơn 100 trường hợp nghi ngờ và được xác nhận nhiễm vi rút đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát vi rút tồi tệ nhất bên ngoài châu Phi.

Richard Pebody cho biết các biện pháp chính để kiểm soát sự bùng phát là theo dõi tiếp xúc và cách ly, lưu ý rằng đây không phải là một loại vi rút lây lan rất dễ dàng và đến nay chưa gây ra bệnh nghiêm trọng. Ông nói thêm, vắc xin được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ có thể có một số tác dụng phụ đáng kể.

Hầu hết quốc gia đều cho biết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly trong 21 ngày để ngăn chặn sự lây truyền vi rút.

Bỉ là nước đầu tiên bắt buộc bệnh nhân đậu mùa khỉ phải cách ly trong 21 ngày.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) khuyến cáo những người đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên tự cách ly 21 ngày.

Ngoài cách ly 21 ngày, những bệnh nhân hoặc ai có khả năng mắc bệnh đậu mùa khỉ được yêu cầu tránh tiếp xúc với người bị ức chế miễn dịch, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi.

UKHSA cho biết những đối tượng này cũng nên được tiêm vắc xin đậu mùa, lý tưởng là trong vòng 4 ngày và tối đa là 14 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ.

CDC khuyên bệnh nhân đậu mùa khỉ nên cách ly cho đến khi hết vảy nến.

Richard Pebody nói hầu hết các trường hợp được xác nhận đều không liên quan đến việc đi du lịch tới châu Phi, điều này cho thấy có thể có một lượng lớn ca bệnh chưa được phát hiện. Một số cơ quan y tế nghi ngờ có một số mức độ lây lan trong cộng đồng.

"Vì vậy, chúng tôi chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng trôi", ông nói.

Với tốc độ bùng phát và sự thiếu rõ ràng xung quanh điều gì đang thúc đẩy căn bệnh này, đã có nhiều lo lắng rằng các sự kiện và bữa tiệc lớn vào mùa hè này sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều.

“Tôi không nói mọi người không có thời gian vui vẻ, đừng đến tham dự những sự kiện này. Điều quan trọng hơn là mọi người làm gì tại các bữa tiệc. Đó là hành vi tình dục an toàn, vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên - tất cả những điều này sẽ giúp hạn chế sự lây truyền của loại vi rút này”, Richard Pebody cho hay.

Triệu chứng đậu mùa khỉ

Theo WHO, đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với sự kết hợp của sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.

Theo WHO, triệu chứng sau cùng (sưng hạch bạch huyết) thường giúp các bác sĩ phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với bệnh thủy đậu hoặc đậu mùa.

Một khi bạn bị sốt, đặc điểm chính của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, có xu hướng phát triển từ 1 đến 3 ngày sau đó, thường bắt đầu trên mặt, sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Các tổn thương sẽ trải qua một quá trình từ dát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi lên), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch), sau đó là mụn mủ (tổn thương chứa đầy mủ) và cuối cùng đóng vảy (tổn thương đóng vảy) trước khi rơi ra.

Tính đến ngày 23.5, hơn 100 ca bệnh đậu mủa khỉ đã được báo cáo cho WHO gần 20 quốc gia, trong đó có Bỉ, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Ý, Đan Mạch, Áo, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Israel, Argentina, Mỹ, Canada, Úc.

Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh có số ca bệnh đậu mùa khỉ cao nhất đến nay, mỗi nơi ghi nhận từ 21 đến 30 trường hợp.

Chưa có trường hợp tử vong nào do đậu mùa khỉ được báo cáo.

Các cơ quan y tế ở Vương quốc Anh Anh và Pháp cho biết đậu mùa khỉ thường là "bệnh nhẹ tự khỏi". Bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần.

Có hai chủng vi rút đậu mùa khỉ: Chủng Tây Phi nhẹ hơn, đang lưu hành ở châu Âu và Bắc Mỹ, có tỷ lệ tử vong được ghi nhận là khoảng 1%; chủng Congo gây bệnh nặng hơn với tỷ lệ tử vong lên đến 10%.

David Heymann, quan chức của WHO - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nói với Reuters: "Điều dường như đang xảy ra bây giờ là bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào người dân qua hình thức tình dục, bộ phận sinh dục và đang lan truyền như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Điều này đã làm tăng khả năng lây lan của nó trên toàn thế giới".

Bài liên quan
Bệnh đậu mùa khỉ có lây qua quan hệ tình dục, uống thuốc gì điều trị và phòng ngừa thế nào?
Một số chuyên gia ở Anh đã sớm kết luận rằng bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua quan hệ tình dục. Sự thật ra sao?

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO: Không có bằng chứng vi rút đậu mùa khỉ đột biến, không cần tiêm vắc xin đại trà