Theo hãng tin Reuters, Moderna đang thử nghiệm vắc xin tiềm năng chống lại bệnh đậu mùa khỉ trong các thử nghiệm tiền lâm sàng sau khi bệnh này lây lan ở Mỹ và châu Âu.
Moderna đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị cung cấp thêm thông tin chi tiết về vắc xin đậu mùa khỉ.
Moderna từng thành công với vắc xin COVID-19 được cho hiệu quả nhất thị trường nên nhiều người hy vọng công nghệ sinh học Mỹ cũng làm được điều tương tự với vắc xin đậu mùa khỉ.
Hôm 24.5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có 131 người mắc bệnh đậu mùa khỉ và 106 trường hợp nghi ngờ khác kể từ khi ca đầu tiên được báo cáo vào ngày 7.5 bên ngoài các quốc gia châu Phi, nơi bệnh thường lây lan.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đang trong quá trình tung ra một số liều vắc xin Jynneos để sử dụng cho các ca bệnh đậu mùa khỉ.
Các quan chức CDC cho biết có hơn 1.000 liều vắc xin, được phê duyệt tại Mỹ vào năm 2019, trong kho dự trữ quốc gia và dự kiến mức đó sẽ tăng lên rất nhanh trong những tuần tới.
Do hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất, Jynneos được phê duyệt ở Mỹ để sử dụng phòng chống bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ ở người lớn có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên.
Các quan chức nói với các phóng viên rằng có hơn 100 triệu liều vắc xin đậu mùa cũ hơn, ACAM2000, có một số tác dụng phụ đáng kể. ACAM2000 trước đây được sản xuất bởi Sanofi và bây giờ do Savingent BioSolutions sản xuất.
CDC thông báo: “Chúng tôi đang hy vọng tối đa hóa việc phân phối vắc xin cho những người mà chúng tôi biết sẽ được hưởng lợi từ nó. Đó là những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ, nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người tiếp xúc cá nhân rất gần và đặc biệt là những người có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng".
Tuần trước, Bavarian Nordic cho biết đã ký hợp đồng với một quốc gia châu Âu không được tiết lộ để cung cấp Jynneos đối phó với các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Hôm 21.5, chính phủ Đức cho biết đang đánh giá các lựa chọn tiêm vắc xin, trong khi Anh đã cung cấp chúng cho một số nhân viên y tế.
Ngày 24.5, Cơ quan y tế Pháp (HAS) khuyến nghị bắt đầu một chiến dịch tiêm vắc xin có mục tiêu để chống lại bệnh đậu mùa khỉ.
HAS khuyến cáo rằng ngay sau khi phát hiện một ca bệnh đậu mùa khỉ, nên tiêm vắc xin cho những người lớn đã tiếp xúc với bệnh nhân này và những ai có nguy cơ mắc bệnh.
Các nhân viên y tế đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ mà không có sự bảo vệ cá nhân cũng sẽ phải nhận một liều vắc xin, HAS nói thêm.
Theo WHO, dữ liệu cho thấy vắc xin được sử dụng để diệt trừ bệnh đậu mùa có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ lên đến 85%.
Đức đặt mua 40.000 liều vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ
Đức đã đặt hàng 40.000 liều vắc xin từ Bavaria Nordic để sẵn sàng tiêm cho những người tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ nếu dịch bùng phát trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng các quan chức đang cân nhắc các biện pháp phòng ngừa khác.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 24.5, Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach nói rằng các biện pháp như cách ly ít nhất 21 ngày được khuyến nghị cho những người mắc bệnh đậu mùa khỉ là đủ để ngăn chặn dịch bùng phát.
Ông Karl Lauterbach cho biết: “Nếu tình trạng lây nhiễm lan rộng hơn nữa, chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm vắc xin. Điều đó chưa được khuyến cáo vào thời điểm này nhưng có thể trở nên cần thiết”, đề cập đến chiến lược tiêm vắc xin cho người tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ.
Karl Lauterbach cho rằng việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có thể kiềm chế được và không báo hiệu sự bắt đầu của một đại dịch mới, đồng thời nói can thiệp sớm có thể ngăn chặn mầm bệnh trong cộng đồng.
Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm của Đức, nói đến nay đã ghi nhận 5 ca bệnh đậu mùa khỉ ở Đức, tất cả đều là nam giới.
Một quan chức WHO hôm 23.5 cũng đưa ra hướng dẫn tương tự, nói rằng không cần tiêm vắc xin hàng loạt để phòng bệnh đậu mùa khỉ vì các biện pháp như vệ sinh và hành vi tình dục an toàn sẽ giúp kiểm soát sự lây lan.
Richard Pebody, người đứng đầu nhóm mầm bệnh có mức độ đe dọa cao tại WHO khu vực châu Âu, nói với Reuters rằng nguồn cung cấp vắc xin và thuốc kháng vi rút ngay lập tức tương đối hạn chế.
Richard Pebody cho biết các biện pháp chính để kiểm soát sự bùng phát là theo dõi tiếp xúc và cách ly, lưu ý rằng đây không phải là một loại vi rút lây lan rất dễ dàng và đến nay chưa gây ra bệnh nghiêm trọng. Ông nói thêm, vắc xin được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ có thể có một số tác dụng phụ đáng kể.
Rosamund Lewis, trưởng ban thư ký về bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO, nói trong một cuộc họp báo rằng các đột biến có xu hướng thấp hơn với loại vi rút này, dù việc giải trình tự bộ gen các ca bệnh sẽ giúp cung cấp thông tin hiểu biết về đợt bùng phát hiện tại.
Theo WHO, các đợt bùng phát dịch này không điển hình, xảy ra ở các quốc gia nơi vi rút đậu mùa khỉ không lưu hành thường xuyên. Các nhà khoa học đang tìm cách tìm hiểu nguồn gốc của các ca bệnh đậu mùa khỉ và liệu vi rút có đang biến đổi hay không.
WHO đang yêu cầu các phòng khám da liễu và chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như các phòng khám sức khỏe tình dục, cảnh giác với các trường hợp có thể xảy ra.
WHO đã ghi nhận hơn 250 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận và nghi ngờ, với mức độ lây lan theo địa lý là điều bất thường với căn bệnh thường lưu hành ở các khu vực Tây và Trung Phi nhưng hiếm gặp ở những nơi khác.
Nhiều nhưng không phải tất cả ca bệnh đậu mùa khỉ là ở nam giới quan hệ tình dục đồng tính, với WHO nhắm mục tiêu cụ thể là lây truyền qua đường tình dục.
Các quan chức cho biết vẫn còn quá sớm để nói lý do tại sao, nhưng nhóm nhân khẩu học này có thể muốn tìm kiếm lời khuyên y tế hoặc tiếp cận với kiểm tra sức khỏe tình dục.
Bệnh đậu mùa khỉ thường không dễ lây lan giữa người với người, nhưng nó có thể lây truyền qua tiếp xúc gần gũi giữa người với người hoặc tiếp xúc với các vật dụng mà bệnh nhân đậu mùa khỉ sử dụng, chẳng hạn như quần áo, giường hoặc đồ dùng.