Ngày 11.6. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức ký thông qua luật về việc không thi hành các quyết định của Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR) ở Nga.
Ngày 11.6, cổng thông tin pháp lý chính thức của LB Nga đã công bố các tài liệu liên quan về việc Tổng thống Vladimir Putin đã ký thông qua luật về việc không thi hành các quyết định của Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR) ở Nga.
Trước đó, ngày 7.6, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) thông qua dự luật loại bỏ quyền tài phán của ECHR đối với Nga.
ECHR là một bộ phận của Hội đồng Nhân quyền châu Âu.
Ngày 15.3, Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng Nhân quyền châu Âu tuyên bố trục xuất Nga khỏi cơ quan này như động thái đáp trả lại chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine từ hôm 24.2.
Thực tế, Nga đã bị đình chỉ tư cách thành viên tại Hội đồng nhân quyền châu Âu hôm 25.2, tức chỉ một ngày sau khi xảy ra xung đột ở nước láng giềng.
Đáp lại, ngày 16.3, Nga tuyên bố tự rời khỏi Hội đồng Nhân quyền châu Âu, với lý do các nước phương Tây đã phá hoại cơ quan giám sát nhân quyền châu Âu. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho hay, việc Moscow rời tổ chức này mang tới cơ hội khôi phục án tử hình, điều bị cấm theo quy định của Hội đồng châu Âu.
Việc Nga rút khỏi Hội đồng Nhân quyền châu Âu cũng đồng nghĩa, Công ước châu Âu về nhân quyền sẽ không còn áp dụng với nước Nga, người Nga cũng sẽ không thể khiếu nại chính phủ lên Tòa án Nhân quyền châu Âu nữa.
Hội đồng châu Âu thành lập năm 1949. Nga gia nhập năm 1996 và là quốc gia thứ hai, sau Hy Lạp rời khỏi cơ quan này.