Ông Nagendra Yadav cởi trần làm việc trong một nhà xưởng in vải ngột ngạt gần trung tâm công nghiệp Ahmedabad của Ấn Độ suốt nhiều năm, nhưng cái nóng mùa hè năm nay khiến ông tuyệt vọng.

Cuộc sống nóng như lò lửa tại Ấn Độ

Cẩm Bình | 11/06/2022, 10:25

Ông Nagendra Yadav cởi trần làm việc trong một nhà xưởng in vải ngột ngạt gần trung tâm công nghiệp Ahmedabad của Ấn Độ suốt nhiều năm, nhưng cái nóng mùa hè năm nay khiến ông tuyệt vọng.

Nhiệt độ tháng 5 trong khu vực xưởng ông làm khoảng 40 độ C suốt hơn hai tuần, nắng nóng khiến thời gian nghỉ ngơi ít đi, ông Yadav nhận xét nhà xưởng mình làm việc không hề có quạt hay điều hòa nay biến thành lò lửa.

“Sức chịu đựng của chúng tôi bị thử thách mỗi ngày. Văn phòng chủ nhà xưởng có mày điều hòa, còn phía dưới nơi chúng tôi làm việc thậm chí không có cả quạt. Ca làm việc kéo dài 12 tiếng. Một số người đã đổ bệnh, nghỉ một ngày, mất lương nhưng sau đó vẫn quay trở lại. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, ông Yadav nói với hãng tin Reuters.

Nhiều thành phố Ấn Độ mùa hè năm nay ghi nhận nhiệt độ trung bình cao, phá vỡ kỷ lục tồn tại hàng thế kỷ. Chính quyền các địa phương phải ban hành cảnh báo về nắng nóng bất thường.

Giới khoa học từng khuyến cáo trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu ấm lên khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khả năng xảy ra đợt nắng nóng tương tự ở Nam Á cao hơn gấp 30 lần.

Theo báo cáo tổ chức Năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL) công bố tháng trước, tại Ấn Độ có gần 323 triệu người thuộc nhóm nguy cơ cao do nắng nóng cực đoan và thiếu thiết bị làm mát.

Hàng triệu người lao động như ông Yadav đang phải vất vả làm việc trong lán trại, nhà xưởng chật chội hoặc tòa nhà cũ nát với hệ thống thông gió kém, không có quạt hay máy làm mát.

Suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra khiến các nhà sản xuất ít đầu tư lắp đặt thiết bị làm mát, trong khi lao động phải tăng ca để đạt chỉ tiêu. Sức khỏe của lao động bị đặt trong tình trạng nguy hiểm trước nắng nóng.

Công đoàn Công nghiệp trung ương Ấn Độ (Citu) cho biết nhiều công nhân còn gặp thêm khó khăn khi nắng nóng dẫn đến cắt điện ở một số trung tâm công nghiệp.

“Khi hoạt động sản xuất ở một nhà máy dừng lại và giờ làm việc giảm, tiền lương sẽ bị cắt giảm. Người lao động mệt mỏi, bệnh tật nhưng không có tiền”, theo Tổng thư ký Citu ở bang Gujarat Arun Mehta.

nhaindia.jpg
Nắng nóng khiến nhiều nhà xưởng không có thiết bị làm mát trở nên ngột ngạt hơn - Ảnh: Reuters

Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Ấn Độ (NDMA) xác định 23 trên tổng số 28 bang, cùng với khoảng 100 thành phố và quận có nguy cơ phải chịu nắng nóng khắc nghiệt.

19 bang bắt đầu xây dựng kế hoạch đối phó. Tiến sĩ Anup Kumar Srivastava - nhà khoa học làm cố vấn cho NDMA - cho biết cơ quan đã ban hành hướng dẫn giúp đỡ người lao động từ đảm bảo nước uống và cơ sở y tế cho đến thay đổi giờ làm việc.

“Mùa hè sẽ không thay đổi. Điều quan trọng là cần chuẩn bị và quản lý hiệu quả tình huống nhiệt độ tăng cao”, theo tiến sĩ Srivastava.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động cùng công đoàn chỉ trích hầu hết hướng dẫn đều vô nghĩa vì người lao động đã làm từ lâu, thiếu lực lượng thanh tra giám sát các nhà xưởng.

Mahesh Gajera - điều phối viên chương trình Aajeevika Bureau chuyên hỗ trợ lao động nhập cư - cho biết: “Chúng tôi liên tục nêu vấn đề thiếu chỗ nghỉ ngơi, máy làm mát, thời gian nghỉ trưa cho công nhân. Quan chức lao động và chính quyền địa phương lại nói rằng kế hoạch đối phó nhiệt độ cao chỉ mang tính khuyến nghị chứ không bắt buộc thực hiện. Công nhân nhà máy đang vật lộn với công việc trong khi máy móc làm tăng nhiệt độ bên trong xưởng”.

Một nghiên cứu năm 2018 của Viện Chính sách năng lượng (Đại học Chicago, Mỹ) chỉ ra thời tiết nắng nóng không chỉ khiến người lao động Ấn Độ làm việc kém hiệu quả mà còn làm tăng nguy cơ họ nghỉ việc. Nhiệt độ trung bình trong 10 ngày tăng 1 độ C làm tăng xác suất lao động nghỉ việc lên 5%.

Ông Yadav nằm trong nhóm người lao động ủng hộ triển khai biện pháp làm mát: “Trước đây chúng tôi chỉ thỉnh thoảng đề xuất những chuyện này, nhưng bây giờ chúng tôi muốn thay đổi sẽ sớm xảy ra. Chúng tôi muốn có chỗ máy mẻ để ngồi nghỉ và ăn trưa, chúng tôi muốn có quạt”.

Trong mùa hè nóng nực, máy điều hòa được dùng nhiều dẫn đến nhu cầu điện tăng vọt. Nhiều bang ưu tiên khu dân cư nên áp dụng thời gian cắt điện lâu hơn với cơ sơ công nghiệp. Không ít doanh nghiệp gặp khó vì không có sẵn khí đốt tự nhiên, máy phát điện chạy bằng diesel lại bị cấm để tránh làm ô nhiễm không khí.

Tình hình như vậy thúc đẩy Jashan Kahlon - giám đốc điều hành đơn vị sản xuất phụ tùng ô tô Kahlon International ở bang Punjab - xem xét dùng năng lượng khác: “Chúng tôi đang đề nghị một khoản trợ cấp năng lượng mặt trời để doanh nghiệp sản xuất nhỏ có thể thoát phụ thuộc nhiệt điện than”.

Thiết kế nhà xưởng cũng đem lại hiệu quả làm mát. Doanh nhân Chander Shekhar Goel khi xây dựng cơ sở sản xuất mới ở bang Haryana vài năm trước đã tính đến chuyện này nên sử dụng vật liệu chống nóng và cách âm.

Một số tổ chức công nghiệp cũng đang thảo luận biện pháp thay đổi giờ làm việc, có ý kiến cho rằng bắt đầu làm việc sớm hơn giúp lao động thoải mái hơn vào buổi chiều oi ả.

Bài liên quan
Nga phản ứng về việc người Ấn Độ bị lôi kéo tham gia chiến sự tại Ukraine
Cái chết của Binil Babu, một thợ điện 32 tuổi từ bang Kerala, Ấn Độ, khi phục vụ cho quân đội Nga tại chiến trường Ukraine, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc tuyển dụng người nước ngoài vào lực lượng vũ trang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc sống nóng như lò lửa tại Ấn Độ