Cuộc thăm dò đầu tuần qua của Viện nghiên cứu New Social Answers được báo Bild đăng tải cho thấy có gần 1/6 người Đức buộc phải bỏ bữa thường xuyên để có đủ tiền trang trải cuộc sống.

1/6 người Đức thường xuyên bỏ bữa để tiết kiệm tiền

Cẩm Bình | 12/06/2022, 09:57

Cuộc thăm dò đầu tuần qua của Viện nghiên cứu New Social Answers được báo Bild đăng tải cho thấy có gần 1/6 người Đức buộc phải bỏ bữa thường xuyên để có đủ tiền trang trải cuộc sống.

Cũng theo kết quả thăm dò, 13% khác lo sợ sẽ rơi vào cảnh tương tự nếu giá lương thực tiếp tục tăng. Nhóm bị lạm phát ảnh hưởng nặng nề nhất là hộ gia đình có thu nhập thấp, dưới 1.000 euro/tháng (khoảng 1.052 USD). Khoảng 32% trong số này thường xuyên bỏ bữa vì lý do tài chính.

42% người được hỏi cho biết họ phải nấu nướng tiết kiệm hơn - bỏ đi vài nguyên liệu hoặc món tráng miệng - do khó khăn về tài chính. 41% cho biết họ phụ thuộc vào ưu đãi hoặc giảm giá đặc biệt từ siêu thị để nhận được nhiều lợi ích nhất có thể.

germany-inflation.jpg
Lạm phát khiến cuộc sống người dân Đức trở nên khó khăn - Ảnh: Getty Images

Chủ tịch Hiệp hội Các vấn đề xã hội Đức Adolf Bauer - người từng khuyến cáo Berlin không tham gia kế hoạch cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) - cảm thấy lo lắng trước kết quả thăm dò. Trước đó ông từng dự đoán loạt trừng phạt kinh tế với Moscow sẽ khiến giá năng lượng, thực phẩm, chỗ ở tăng vọt, gây thiệt hại cho người dân Đức nhiều hơn là cho Nga.

Chủ tịch nhóm vận động chính sách Hiệp hội Xã hội Đức Verena Bentele nhận xét kết quả thăm dò phản ánh mối quan ngại của chính tổ chức này: “Nhiều thành viên nói với chúng tôi rằng họ chỉ có thể mua mì ống và bánh mì nướng”. Bà đã lên tiếng kêu gọi chính phủ bỏ thuế giá trị gia tăng với thực phẩm tươi sống và hỗ trợ tài chính cho người khó khăn nhiều hơn.

Giá cả thực phẩm cùng nhiên liệu tại Đức vài tháng gần đây tăng phi mã vì loạt trừng phạt mà phương Tây áp đặt cho than đá, dầu mỏ lẫn khí đốt Nga, làm trầm trọng thêm lạm phát gây ra bởi những biện pháp chống dịch COVID-19 vốn tác động xấu đến kinh tế mà chính phủ áp dụng. Tệ hơn nữa, trừng phạt EU áp đặt lên phân bón Nga và Belarus dự kiến khiến Đức mất 3 triệu tấn sản lượng thu hoạch trong năm tới.

Phần còn lại của châu Âu cũng rơi vào cảnh tương tự. 4,6 triệu trên tổng số 13 triệu tấn lương thực mà EU nhập năm ngoái là từ Nga và Belarus. Một cuộc thăm dò công bố tháng trước cho kết quả 1/4 người Anh cũng bỏ bữa do lạm phát ngày càng tồi tệ và nguy cơ thiếu lương thực.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đều đưa ra dự báo thảm khốc về nạn đói do gián đoạn nguồn cung vì biện pháp đóng cửa chống dịch, lạm phát, trừng phạt, xung đột quân sự khiến Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu - không thể thu hoạch và bán nông sản như thông thường. Liên Hợp Quốc cũng không ít lần cảnh báo nguy cơ hàng triệu người rơi vào cảnh đói nếu khủng hoảng lương thực toàn cầu thêm trầm trọng.

Bài liên quan
Hai quân nhân Ukraine bị đâm tại Đức
Đài CNN đưa tin vào tối 27.4 có hai quân nhân Ukraine bị đâm thiệt mạng ở trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Murnau miền nam nước Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
1/6 người Đức thường xuyên bỏ bữa để tiết kiệm tiền