Nga không có kế hoạch giới thiệu một hệ thống kiểm soát Internet, giống như ở Trung Quốc, Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dùng mạng xã hội tại Nga.
"Tất nhiên, sẽ không có quy định nào giống như ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, những quy định về tường lửa không mang lại kết quả mà nó nhắm đến như mục đích khi bắt đầu. Hơn nữa, chúng tôi không nỗ lực hướng tới quy định như vậy. Sẽ không có tường lửa ở đây", hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Medvedev khi bình luận về dự luật kiểm soát Internet của Nga.
Thủ tướng Nga nói thêm rằng cách điều tiết Internet lý tưởng sẽ thông qua sự chấp thuận của một công ước quốc tế. "Tuy nhiên, đây không phải là cách Internet xuất hiện. Phần lớn các quy định về Internet trên thế giới hiện nay đều do Mỹ ban hành. Tất nhiên, tôi đề cập đến điều này không phải vì chúng tôi có quan hệ xấu với Mỹ. Internet hiện được sử dụng bởi hàng tỉngười phần lớn được kiểm duyệt bởi một quốc gia. Điều này không chotốt lắm", ông Medvedev nói.
Người đứng đầu chính phủ Nga lưu ý rằng trong tương lai, các công ước quốc tế sẽ điều chỉnh một số quy định về công nghệ Internet quan trọng. "Cho đến nay, không có chuyện đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần bảo vệ lợi ích của mình, không phải vì chúng tôi muốn cô lập Internet, mà vì chúng tôi không muốn bị cô lập, đó cũng là một khả năng", ông Medvedev kết luận.
Bình luận của Thủ tướng Nga được đưa ra sau khi nàng nghìn người đã xuống đường ở thủ đô Moscow và hai thành phố khác vào hôm 10.3 để biểu tình chống lại các dự luật hạn chế về Internet. Đây là một trong số những cuộc biểu tình lớn nhất ở Nga trong nhiều năm trở lại đây.
Được biết, các nhà lập pháp Nga tháng trước đã ủng hộ dự luật kiểm soát Internet nghiêm ngặt. Một trong những hạng mục quan trọng của biện pháp này là khả năng ngăn chặn những tác động từ nước ngoài đối với mạng Internet của Nga.
Việc thông qua dự luật Internet là một trong những động thái để hướng tới mục tiêu xây dựng mạng nội địa của Nga, do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất. Các biện pháp được nêu trong dự luật bao gồm Nga xây dựng phiên bản riêng của hệ thống địa chỉ mạng, được gọi là DNS, do đó, nó có thể hoạt động nếu liên kết đến các máy chủ quốc tế này bị cắt.
Dự luật này là một phần trong nỗ lực của các quan chức Nga trong việc tăng cường sự quản lý của chính phủ đối với mạng Internet, bằng việc thiết lập một hệ thống kiểm duyệt được cho là giống như ở Trung Quốc nhằm hạn chế sự tiếp cận của người dùng trong nước với các trang mạng mà chính quyền cho là có "nội dung độc hại".
Nhật Huyền (theo TASS)