Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) tuần trước đã thông báo kế hoạch phát triển tên lửa 2 tầng Amur, với tầng 1 có thể quay trở lại Trái đất giống tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX.
Amur có nhiều điểm tương đồng về thiết kế so với Falcon 9. Tuy nhiên, tên lửa mới của Nga sẽ nhỏ hơn đáng kể khi chỉ cao 55m với khả năng nâng tải trọng 10,5 tấn lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO). Theo bảng thông số kỹ thuật từ SpaceX, tên lửa Falcon 9 cao 70m và có thể chuyển tối đa 22,8 tấn.
Tầng 1 của tên lửa Amur sẽ có 5 động cơ so với 9 động cơ của Falcon 9, theo thông báo của Roscosmos. Trong khi các động cơ Merlin của Falcon 9 được cung cấp năng lượng bằng oxy lỏng và dầu hỏa, thì động cơ của Amur - hiện vẫn chưa được chế tạo - sẽ sử dụng nhiên liệu methane thay cho dầu hỏa. Tuy nhiên, động cơ Raptor thế hệ tiếp theo của SpaceX cũng cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ Starship bằng nhiên liệu methane.
Tên lửa tái sử dụng Amur sẽ được phóng từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur của Nga. Các quan chức của Roscosmos cho biết địa điểm thu hồi tầng 1 của tên lửa vẫn chưa được xác định. Cơ quan này hiện không có kế hoạch hạ cánh tên lửa trên các bệ nổi, như cách SpaceX đang làm với hai “tàu bay không người lái” của mình, nhưng lựa chọn này vẫn sẽ được cân nhắc trong tương lai. Nguyên nhân là do biển Okhotsk gần bãi phóng nổi tiếng là vùng biển động.
Các quan chức Roscosmos cho biết dự án Amur được phát triển với nguồn vốn không quá 70 tỉ rúp (tương đương 900 triệu USD). Tên lửa dự kiến bay lần đầu tiên vào năm 2026 với chi phí mỗi lần phóng là 22 triệu USD. Để so sánh, một nhiệm vụ không gian với tên lửa Falcon 9 hoàn toàn mới hiện có giá 60 triệu USD, trong khi với tên lửa đã qua sử dụng thì chi phí khoảng 50 triệu USD.
“Nếu tất cả các chỉ số chính của tên lửa Amur được thực hiện, chúng tôi có kế hoạch sử dụng nó cho phần lớn các vụ phóng thương mại hạng nhẹ và hạng trung”, Alexander Bloshenko, giám đốc điều hành các chương trình dài hạn và khoa học của Roscosmos cho biết.
Tuy nhiên, dòng thời gian phát triển của Amur có thể khiến việc hoàn thành mục tiêu này trở nên khó khăn, ngay cả khi mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. SpaceX hiện đã bay thử các nguyên mẫu của Starship, một phương tiện khổng lồ có thể tái sử dụng hoàn toàn mà CEO Elon Musk tin rằng có thể cách mạng hóa tàu bay vũ trụ với chi phí phóng “siêu thấp”.
“Đó là một bước đi đúng nhưng họ nên hướng tới khả năng tái sử dụng hoàn toàn vào năm 2026. Tên lửa lớn hơn cũng sẽ có ý nghĩa đối với lợi ích kinh tế. Mục tiêu phải là giảm thiểu chi phí cho mỗi tấn hàng hóa lên quỹ đạo”, ông Elon Musk cho biết trên Twitter vào tuần trước khi đề cập đến dự án Amur của Roscosmos.