Nga và Trung Quốc mới đây đã đưa ra một loạt chỉ trích về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tối hậu thư cho Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, dọa ngừng vĩnh viễn ngân sách nếu cơ quan này không cam kết "cải thiện đáng kể" trong 30 ngày tới.
Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 19.5 nói rằng: “Có những cơ hội để cải thiện tổ chức và cũng như trước đây, chúng tôi đã sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong công việc này”.
"Tuy nhiên, chúng tôi phản đối việc phá hoại tất cả vì lợi ích chính trị hoặc địa chính trị của một nước, ý tôi là Mỹ, hoặc thậm chí là một nhóm quốc gia do Mỹ dẫn đầu. Chúng tôi cũng kiên quyết phản đối chính trị hóa mọi thứ liên quan đến sự lây lan COVID-19. WHO không thể trở thành quả bóng chuyền qua chuyền lại", ông Ryabkov cho hay.
Bình luận của quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra ít giờ sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng lá thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tới người đứng đầu WHO nhằm bôi nhọ nỗ lực chống COVID-19 của Trung Quốc cũng như trốn tránh trách nhiệm đối với phản ứng thiếu sót của chính Washington.
“Mỹ đang cố gắng tìm cách biến Bắc Kinh thành chủ đề để trốn tránh trách nhiệm và mặc cả nghĩa vụ quốc tế với WHO. Đây là một tính toán sai lầm và Mỹ đã chọn sai mục tiêu”, ông Triệu nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ đồng ý với một cuộc điều tra chiến dịch đối phó toàn cầu với đại dịch, nhưng không thực hiện ngay lập tức.
Về phần mình, Tổng giám đốc WHO Tedros hôm 19.5 cho biết ông sẽ tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19 dù Tổng thống Trump đe dọa cắt nguồn tài trợ.
“Chúng tôi muốn có trách nhiệm hơn bất cứ ai. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp sự lãnh đạo chiến lược để điều phối các phản ứng toàn cầu”, ông Tedros phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Y tế thế giới (WHA).
Cũng tại cuộc họp WHA cùng ngày, tất cả 194 quốc gia thành viên của WHO đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi điều gia đánh giá "công bằng, độc lập và toàn diện" về phản ứng của quốc tế với đại dịch COVID-19 bao gồm cả việc xem xét những hành động của WHO, cũng như các mốc thời gian hành động của tổ chức này liên quan đến COVID-19.
Tuy nhiên, nghị quyết không ràng buộc và đề cập cụ thể đến quốc gia nào, đồng thời kêu gọi các nước cam kết đảm bảo "sự tiếp cận minh bạch, công bằng và kịp thời" với mọi phương pháp điều trị hoặc vắc xin chống COVID-19.
Hoàng Vũ (theo AFP, Daily Mail, Reuters)