Sau một thời gian bị giảm doanh số bán vũ khí cho các nước khác, Nga ‘ve vãn’ khách hàng quen thuộc của Mỹ để bán vũ khí, theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

Nga ‘ve vãn’ khách hàng 'ruột' của Mỹ để bán vũ khí

Trần Trí | 06/04/2017, 15:30

Sau một thời gian bị giảm doanh số bán vũ khí cho các nước khác, Nga ‘ve vãn’ khách hàng quen thuộc của Mỹ để bán vũ khí, theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

          

Cách đây 3 năm, Nga sáp nhập bán đảo Crimea từng thuộc Ukraine. Nước này là nguồn cung cấp lớn phụ tùng, linh kiện cho những nhà sản xuất vũ khí Nga nên họ đã ngừng cung ứng linh kiện để phản đối. Đó là lý do doanh số vũ khí bán cho nước ngoài của Nga bị giảm.

Nhưng theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) chuyên theo dõi hoạt động mua bán vũ khí, năm 2016, doanh số xuất khẩu vũ khí Nga tăng 16%, đạt 6,4 tỉ USD.

Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng khách hàng đã đặt mua số vũ khí trị giá 56 tỉ USD, một số tiền kỷ lục cho xứ bạch dương. 

Doug Berenson, Giám đốc Công ty tư vấn kỹ nghệ quốc phòng Avascent (Mỹ) nói: “Tôi nghĩ họ sẽ cải thiện được theo thời gian, khi họ cố gắng tranh thủ lợi ích từ những quan hệ họ đang có được”.

Nga từng có một thời gian dài là nước xuất khẩu vũ khí lớn thuộc hàng thứ hai thế giới (sau Mỹ) nhưng cũng từng “bóp kèn qua mặt” Mỹ hồi năm 2013, trước khi bị giảm doanh số.

Dĩ nhiên nỗ lực của Moscow không thoát khỏi sự soi mói của các hãng sản xuất vũ khí Mỹ, một phần vì trong vài thương vụ, Nga đang đàm phán với UAE, AI Cập và Philippines. Những nước này đều là khách hàng “mối” mua nhiều vũ khí Mỹ, dù vài nước trong đó cũng mua vũ khí Nga.

Trong khi xuất khẩu vũ khí của Nga bị giảm thì doanh số của Mỹ lại tăng đáng kể hồi năm 2014 và đã đạt số tiền 9,9 tỉ USD vào năm 2016.

Remy Nathan, Phó chủ tịch mảng giao dịch quốc tế của Tổ chức thương mại Aerospace Industries Association (đại diện cho các hãng vũ khí Mỹ) nói: “Nếu một trong các đối tác của chúng tôi như UAE... bắt đầu xoay qua Nga, điều này có nghĩa Nga có cơ hội để xây dựng tầm ảnh hưởng và chúng tôi không còn cơ hội nữa”.

Cùng lúc, Nga cũng quyết liệt tăng bán vũ khí cho các nước trước đây là khách hàng của họ, như Indonesia vốn sắp đạt được một thỏa thuận mua chiến đấu cơ của một công ty nhà nước Nga. Belarus, Iran và Nicaragua cũng là nhóm quốc gia hồi năm 2016 đã nhập vũ khí Nga nhiều hơn so với năm trước.

Philippines thì đang thương lượng một hợp đồng để có thể lần đầu tiên nhập vũ khí Nga. Hợp đồng này sẽ rất “khác lạ” vì Philippines từng là thuộc địa Mỹ và quân đội được xây dựng theo mô hình Mỹ.

Cuộc đàm phán diễn ra vào thời điểm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có quan hệ lạnh lẽo với Mỹ, có những tuyên bố xúc phạm cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và tiến hành chiến dịch bài trừ ma túy mà phe đối lập chỉ trích là cảnh sát đã giết người phi pháp.

Ông Duterte nói rằng ông muốn tăng cường quan hệ với Nga và với Tổng thống Vladimir Putin, một người hùng trong mắt ông.

Các quan chức Philippines đã đàm phán với Tập đoàn Kalashnikov - đơn vị bán loại súng AK nổi tiếng - để mua súng cho quân đội Philippines.

Đại sứ Carlos Sorreta của Philippines ở Moscow nói rằng quân đội nước ông bị vướng bởi sự hạn chế xuất khẩu vũ khí vì Mỹ cấm bán vũ khí cho các nước vi phạm nhân quyền.

Mỹ duy trì một đoàn cố vấn quân sự ở Philippines để giúp nước này chống quân nổi dậy theo đạo Hồi. Nhưng ông Sorreta nói rằng Mỹ chỉ giúp ngăn chặn chứ không cho tiêu diệt đối thủ này trong khi “chiến lược của Nga rất khác”.

Phó đô đốc Nga Eduard Mikhailov (phải) hướng dẫn Tổng thống Philippines Duterte (thứ hai từ trái qua) thăm một chiến hạm cập cảng Philippines

Nga hiện đang làm việc để có thể hoàn tất hợp đồng bán số vũ khí trị giá 3,5 tỉ USD gồm chiến đấu cơ cho Ai Cập. Loạt hợp đồng này được đưa ra thảo luận vào lúc quan hệ giữa Cairo và Washington lạnh đi sau vụ đảo chính quân sự năm 2013, vốn đã đưa cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah Al Sisi lên làm Tổng thống Ai Cập.

Trước đây, Mỹ luôn vượt qua Nga khi bán vũ khí cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập trong hơn 10 năm, theo SIPRI.

Nhưng Mỹ miễn cưỡng bán một số phương tiện quân sự như chiến đấu cơ F-35 Joint Strike Fighter có thể tránh radar cho các nước vùng Vịnh, nhằm bảo đảm cho Israel chiếm ưu thế ở khu vực này.

Hồi tháng 2, các quan chức Nga đạt được một hợp đồng với UAE để cùng phát triển một phiên bản chiến đấu cơ hiện đại, tức có thể ngang ngửa với chiếc F-35.

UAE và các nước khác đang lo ngại phải đối phó tầm ảnh hưởng của Iran, sau khi Mỹ cùng các cường quốc khác đã đạt được một thỏa thuận để giải trừ chương trình hạt nhân của Iran hồi năm 2015.

Riad Kahwaji, nhà lập pháp kiêm Tổng giám đốc Viện Phân tích quân sự vùng Vịnh và Cận Đông (ở Dubai) nói: “Nhiều năm nay, các nước này không muốn làm Mỹ phật lòng và họ đã nhận lại được gì? Mỹ ngưng cấp vũ khí, đạn dược khi họ cần.

Qua hợp đồng với UAE, Nga đã phát một tín hiệu rõ ràng: Moscow đang muốn giành lại thị trường xuất khẩu vũ khí bằng cách "ve vãn" các khách hàng lớn của Mỹ.

Các hợp đồng sẽ giúp Nga có nguồn thu ngoại tệ bằng USD, vào lúc giá dầu giảm và đồng rúp mất giá nặng nên đã gây sức ép lên nền kinh tế Nga.

Vũ khí Nga thường rẻ hơn vũ khí Mỹ nên càng có sức hút với một số khách hàng. Nhà phân tích Mikhail Barabanov của tổ chức nghiên cứu quốc phòng CAST ở Moscow nói: “Khi có sự cạnh tranh trực tiếp giữa hai bên bán là Mỹ và Nga thì giá vũ khí Mỹ luôn cao hơn”.  

Theo SIPRI, từ năm 2012 đến 2016, những vụ xuất khẩu vũ khí quy ước tăng 8,4% so với giai đoạn từ năm 2007-2011.

Mỹ và Nga chiếm hơn một nửa số vũ khí xuất khẩu (33% và 22%) đứng hai vị trí đầu trong top 5 các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, trên Trung Quốc (tăng từ 3.8% lên 6%). Pháp xếp hạng tư với mức tăng 6% và Đức hạng năm với mức 5,6%.

Các hãng sản xuất vũ khí Mỹ bán cho hơn 100 quốc gia, trong đó các nước Trung Đông như Ả Rập Saudi, Israel, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường chính của vũ khí Mỹ.

Ả Rập Saudi cũng là thị trường béo bở nhất của Anh. Gần một nửa trong tổng số vũ khí Anh được bán cho Ả Rập Saudi. 

Aude Fleurant, Giám đốc chương trình chi mua vũ khí của SIPRI cho biết: Mỹ cung cấp vũ khí cho ít nhất 100 quốc gia trên thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia xuất khẩu nào. Chiến đấu cơ hiện đại, tên lửa hành trình cùng các loại vũ khí chính xác và hệ thống tên lửa phòng thủ, phòng không chiếm số lượng đáng kể trong lô hàng xuất khẩu của Mỹ.

Nga bán cho 50 quốc gia với các khách hàng quen thuộc ở châu Á - Thái Bình Dương. Khoảng 70% vũ khí xuất khẩu Nga đến Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria.

Trung Quốc chú ý xuất khẩu vũ khí cho Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Các nước Bắc Phi như Algeria cũng là những thị trường quan trọng của Trung Quốc.

Qatar có tỷ lệ nhập khẩu vũ khí 245%, nhưng Iran đang bị cấm vận vũ khí chỉ nhận 1,2% số vũ khí chuyển giao đến khu vực Trung Đông. Iran đã nhận hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga trong đợt nhập khẩu vũ khí lớn đầu tiên của nước này kể từ năm 2007. 

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã phàn nàn rằng: "Chúng tôi chỉ chi chút tiền để mua vũ khí so với các nước láng giềng Ả Rập của Iran". 

Nhà nghiên cứu cấp cao Pieter Wezeman của SIPRI nói: "Trong 5 năm qua, hầu hết các nước ở Trung Đông đã hướng về Mỹ và châu Âu trong cuộc theo đuổi khả năng quân sự của họ. Nhu cầu trang bị vũ khí cao ở Trung Đông trái ngược với chuyện giá dầu giảm. Dù vậy, các nước này tiếp tục đặt mua nhiều vũ khí hơn trong năm 2016, xem chúng là công cụ cần để đối phó xung đột và căng thẳng khu vực". 

Ả Rập Saudi đang can thiệp quân sự vào Yemen khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng. Nước này là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn hàng thứ nhì thế giới (tăng 212%) sau Ấn Độ.

Châu Á là khu vực nhập vũ khí nhiều nhất, khi Ấn Độ vượt qua hai đối thủ Trung Quốc và Pakistan, chiếm 13% tổng số vũ khí nhập khẩu. Ấn Độ chủ yếu mua vũ khí Nga trong khi Ả Rập Saudi dựa vào vũ khí Mỹ. 

Nhà nghiên cứu cấp cao Wezeman nói rằng do không có công cụ kiểm soát mua bán vũ khí toàn cầu nên các nước châu Á tiếp tục phát triển kho vũ khí. Ông cũng nêu bật việc Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu vũ khí 212%, lọt vào nhóm 10 nước nhập khẩu nhiều nhất dù trước đó Việt Nam xếp hạng 29.

Ông Wezeman nói: "Trong khi Trung Quốc đang ngày có khả năng thay thế số vũ khí nhập khẩu bằng sản phẩm nội địa thì Ấn Độ vẫn lệ thuộc công nghệ vũ khí của nhiều nhà cung cấp gồm Nga, Mỹ, các nước châu Âu, Israel và Hàn Quốc". 

Kim Hương (theo The Wall Street Journal)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga ‘ve vãn’ khách hàng 'ruột' của Mỹ để bán vũ khí