Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định đảm bảo đủ vốn cho vay với lãi suất hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Kiều hối về TP.HCM tăng mạnh
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong 9 tháng năm 2021, lượng kiều hối đổ về thành phố đạt 5,1 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là con số tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Ông Minh cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM chưa thống kê được số lượng kiều hối này chảy vào những lĩnh vực nào trong nền kinh tế, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng, có khả năng một phần lớn lượng kiều hối được các kiều bào ở nước ngoài gửi về để hỗ trợ cho người thân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Một phần kiều hối cũng chảy vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.
Thị trường kiều hối chính trong 9 tháng năm nay chủ yếu vẫn là Mỹ, Australia, Canada, châu Âu... Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, người Việt Nam ở nước ngoài trong 2 năm qua gặp khó khăn trong việc đi du lịch, về nước nên nguồn tích lũy có thể cao hơn trước.
Ông Minh dự kiến trong năm 2021, lượng kiều hối đổ về TP.HCM sẽ cao hơn so với năm 2020 (6,1 tỉ USD) từ 10 - 20%.
Không lo thiếu vốn cho các hoạt động kinh doanh
Nhận định về tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM, ông Minh thông tin, tính chung 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 6,4% trong khi mục tiêu cho cả năm nay là 12%. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm, tín dụng còn có thể tăng trưởng hơn 5%, thậm chí có thể tăng thêm nếu cần.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, nhu cầu vốn cuối năm tăng cao nhưng sẽ không có tình trạng thiếu vốn. Ngành ngân hàng cam kết bảo đảm đủ vốn để cho vay với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp thách thức khi tái sản xuất, kinh doanh để hấp thụ vốn. Vì vậy, ngành ngân hàng sẽ phải ngồi lại cùng các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn.
Liên quan đến lãi suất, hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Còn lãi suất ngắn hạn đối với các lĩnh vực thông thường khác ở mức trên dưới 6%/năm; cho vay trung và dài hạn dao động từ 8,5 – 9%/năm.
Ông Minh nhận định từ nay đến cuối năm, mức lãi suất này có thể tiếp tục được duy trì, khó có cơ hội giảm thêm. Nguyên nhân là bởi muốn giảm lãi suất cho vay thì phải tiếp tục giảm lãi suất huy động, trong khi lãi suất này đã ở mức rất thấp trong nhiều năm qua.
Do vậy, nhằm chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, TP.HCM sẽ tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỉ đồng trong quý 4/2021.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố. Trong điều kiện đó, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh việc tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn theo chủ trương và định hướng của ngân hàng trung ương và UBND TP.HCM trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh trong tỉnh hình mới.
Kết quả, từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã triển khai hỗ trợ 406.410 khách hàng với tổng dư nợ 470.195 tỉ đồng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19; Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN) của các ngân hàng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn là 127.193 tỉ đồng, miễn giảm lãi suất 7.251 tỉ đồng, cho vay mới 334.000 tỉ đồng.
Cũng liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tiếp tục duy trì sự chỉ đạo sát sao các ngân hàng thương mại triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ. Cơ quan này cần phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức, các hội, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách để hỗ trợ tháo gỡ, đặc biệt là khó khăn về vốn để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM hướng dẫn, hỗ trợ. Mục tiêu là không để doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn mà không thể tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. TP.HCM phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021, mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức phải tổ chức ít nhất một hội nghị kết nối (hoặc lễ ký kết hợp đồng) giữa ngân hàng và doanh nghiệp.