Thu ngân sách từ dầu thô đã chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục khi giá dầu liên tục tăng phi mã trong thời gian qua.

Ngân sách hưởng lợi từ giá dầu tăng, nhưng còn nền kinh tế và người dân thì sao?

Tuyết Nhung | 10/03/2022, 13:07

Thu ngân sách từ dầu thô đã chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục khi giá dầu liên tục tăng phi mã trong thời gian qua.

Ngân sách hưởng lợi từ giá dầu tăng vọt

Bộ Tài chính cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 323.8 nghìn tỉ đồng, bằng 22.9% dự toán, tăng 10.8% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ dầu thô ước tính đạt xấp xỉ 8.1 nghìn tỉ đồng, bằng 28.6% dự toán, tăng 57.2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách từ dầu thô tăng cao chủ yếu là do giá dầu bình quân 2 tháng đạt khoảng 83 USD/thùng (tăng 23 USD/thùng so dự toán và tăng 59.7% so cùng kỳ năm 2021); sản lượng ước 1.3 triệu tấn, bằng 18.6% kế hoạch (bằng 91.1% so với cùng kỳ năm 2021).

gia-dau(1).jpg
Giá dầu thô liên tục tăng cao thời gian gần đây - Ảnh: Internet

Riêng trong tháng 2, giá dầu thế giới đã đồng loạt tăng phi mã, vượt 100 USD/thùng. Trong phiên giao dịch sáng 7.3, giá dầu Brent có thời điểm tăng lên tới 139.13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7.2008. Còn giá dầu WTI có lúc tăng vọt lên mức 130.5 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7.2008.

Hiện giá dầu thế giới đã hạ nhiệt, song vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Sáng nay (10.3), theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1.73% so với phiên trước đó, lên 110,6 USD/thùng. Còn giá dầu thô Brent giao tháng 4 giảm còn 111.1 USD/thùng.

Nhờ mức tăng giá liên tục trong hơn 1 tháng qua mà thu ngân sách từ dầu thô trong tháng 2 đã đạt tới 4.9 nghìn tỉ đồng, một mức tăng ấn tượng so với cùng thời điểm những năm trở lại đây.

Năm 2021, thu ngân sách từ dầu thô khoảng 35.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 2.6% tổng thu ngân sách. Bình quân giá dầu thanh toán năm ngoái đạt gần 68 USD/thùng, cao hơn khoảng 23 USD so với giá dự toán. Vì vậy, khi giá dầu thô tăng cao thì ngân sách nhà nước sẽ được lợi.

Đối với Việt Nam, giá dầu tăng vọt là "tin tốt" cho thu ngân sách từ dầu thô. Bởi vì, nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng sẽ kéo theo nguồn thu từ các loại thuế phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước tăng theo.

Cần đánh giá tác động toàn diện

Song, giá xăng dầu tăng lại có nhiều tác động tiêu cực khác tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính cần hạ mức thu các loại thuế từ xăng dầu để đảm bảo quyền lợi cho người dân, cân đối và kiểm soát được thị trường xăng dầu trong nước.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3.52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Không chỉ tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Với nền kinh tế, khi giá xăng dầu tăng 10% thì GDP giảm khoảng 0.5%. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát. Điều này vừa dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, vừa làm thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Cũng theo ông Lâm, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0.36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1.5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Xét trong bối cảnh nguồn thu ngân sách ngày càng khó khăn thì việc tăng được nguồn thu từ dầu thô được xem là tin tốt, nhưng nguồn thu này không được cho là bền vững. Vì vậy, xét trong tổng thể một nền kinh tế, cơ quan quản lý giá là Bộ Tài chính cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện về tác động của nguồn thu này đến cả nền kinh tế và người dân. Và trước mắt giảm thuế với xăng dầu là việc làm cần thiết.

Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đặt chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế lên trên, nếu giá xăng dầu quá cao sẽ tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế.

Trong kỳ điều hành giá xăng, dầu gần đây nhất (ngày 1.3), liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục tăng giá xăng, dầu. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít, giá bán không cao hơn 26.077 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 547 đồng/lít, giá bán không cao hơn 26.834 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hỏa là 19.978 đồng một lít, tăng 469 đồng; dầu diesel là 21.310 đồng một lít, tăng 509 đồng; dầu mazut là 18.468 đồng một kg, tăng 536 đồng.

Bộ Tài chính mới đây đã xin ý kiến đối với hồ sơ dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31.12.2022.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể: Giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng (trừ etanol), giảm 500 đồng/lít/kg đối với dầu diesel, dầu hỏa, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.

Tuy nhiên, phản hồi trước đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương lại đề nghị giảm 50% số thuế, thay vì chỉ giảm 500-1.000 đồng/lít. Theo Bộ này, đà tăng dầu thô trên thế giới sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đặc biệt đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11.3 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít/kg.
Bài liên quan
HSBC: Dầu thô thất thế, du lịch 'lên ngôi'
Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển hướng sang ngành du lịch nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Sự chuyển hướng này là do tình hình sản xuất dầu thô sụt giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
11 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân sách hưởng lợi từ giá dầu tăng, nhưng còn nền kinh tế và người dân thì sao?