Tập đoàn công nghiệp nhà nước Nga tuyên bố ngành hàng không nước này phấn đấu đạt mục tiêu tự chủ, sử dụng linh kiện nội địa sản xuất 1.000 máy bay vào năm 2030, chấm dứt phụ thuộc vào Boeing và Airbus.
Tuyên bố từ Rostec là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy ngành hàng không Nga xem cuộc đối đầu với phương Tây là chia rẽ lâu dài.
Vì cuộc chiến tại Ukraine, phương Tây áp đặt hàng loạt trừng phạt nặng nề khiến máy bay của các hãng hàng không Nga không thể đến hầu hết khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu cũng không thể bán máy bay, linh kiện hay hỗ trợ kỹ thuật cho đối tác Nga. Tìm nguồn cung phụ tùng ngoài phương Tây không khả thi vì chính phủ các nước lo ngại hứng chịu trừng phạt gián tiếp nếu bán hàng cho Nga.
Tuy nhiên, Rostec lại xem đây là cơ hội xây dựng ngành hàng không quốc gia tự chủ: “Máy bay nước ngoài sẽ bị loại bỏ. Chúng tôi tin quá trình này không thể đảo ngược và máy bay Boeing, Airbus sẽ không bao giờ được giao”.
Phần lớn máy bay chở khách mà các hãng hàng không Nga sử dụng là hàng phương Tây, thậm chí Sukhoi Superjet do Nga sản xuất cũng dùng nhiều phụ tùng nước ngoài. Công nghệ dùng trên máy bay thế hệ mới như A320neo, A350, Boeing 737 MAX và Boeing 787 cần cập nhật liên tục.
Đầu tháng 8 vừa qua, hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ các hãng hàng không Nga phải tiến hành tháo một số máy bay lấy phụ tùng để dùng cho số máy bay còn lại.
Nhà phân tích Richard Aboulafia thuộc công ty tư vấn AeroDynamic Advisory (Mỹ) đánh giá mục tiêu sản xuất 1.000 máy bay vào năm 2030 khó lòng thực hiện được: “Ngay cả lúc mua được sản phẩm bán dẫn cùng linh kiện quan trọng khác từ phương Tây, họ vẫn gặp khó trong sản xuất chỉ vài chiếc máy bay”.