Thông tin bộ VH-TT-DL đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh với những quy định xếp hạng cho đạo diễn, diễn viên đang gây xôn xao giới nghệ sĩ, dù quy định này chỉ dành cho các đơn vị công lập.

Nghệ sĩ cần bao nhiêu ‘bằng’ để ‘thăng hạng’ danh hiệu?

Một Thế Giới | 09/09/2015, 08:50

Thông tin bộ VH-TT-DL đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh với những quy định xếp hạng cho đạo diễn, diễn viên đang gây xôn xao giới nghệ sĩ, dù quy định này chỉ dành cho các đơn vị công lập.

Choáng không đỡ nổi

Theo điều 2 - chương I của dự thảo, đạo diễn (ĐD) và diễn viên (DV) sẽ được xếp theo bốn thứ hạng, thấp nhất là hạng IV, cao hất là hạng I. Ngoài tiêu chí về chuyên môn, kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp, huy chương, giải thưởng trong nước và quốc tế ... nghệ sĩ (NS) còn phải có chứng chỉ ngoại ngữ, trình độ học, chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...

Chương II với những tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (từ điều 4 đến điều 11) gồm nhiều quy định đang gây bức xúc cho người trong cuộc: ĐD muốn được thăng hạng phải có thâm niên (ĐD hạng II lên hạng I phải có sáu năm, ĐD hạng III lên hạng II phải có chín năm...). Các ĐD phải mất 18 năm để được thăng từ hạng IV đến hạng I. Ngoài quy định thời gian, ĐD, DV còn lệ thuộc rất nhiều vào số lượng huy chương, giải thưởng... Ví dụ, để được tăng từ hạng II lên hạng I, ĐD phải có ít nhất hai giải vàng quốc gia (hoặc quốc tế), hoặc một giải vàng quốc gia (hoặc quốc tế) và hai giải bạc quốc gia (hoặc quốc tế); phải có thời gian giữ chức danh ĐD hạng II tối thiểu đủ sáu năm (điều 4).Tương tự, để thăng hạng từ chức danh DV hạng III lên chức danh DV hạng II phải có thời gian giữ chức danh DV hạng III tối thiểu đủ tám năm (tốt nghiệp đại học khi được tuyển dụng) và chín năm (tốt nghiệp cao đẳng khi được tuyển dụng); có ít nhất một giải vàng quốc gia (hoặc quốc tế) hoặc hai giải bạc quốc gia (hoặc quốc tế) (điều 9 - chương II).

Quy định về nhiệm vụ của ĐD, DV ở từng thứ hạng cũng gây nhiều hoang mang cho các NS. Theo chương II, nhiệm vụ của ĐD hạng I là chủ trì dàn dựng các chương trình, tác phẩm sân khấu và điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quy mô lớn, hoành tráng; phát hiện khuynh hướng nghệ thuật mới, xác định khuynh hướng nghệ thuật của chuyên ngành; xác định và chỉ đạo tính thống nhất về phong cách nghệ thuật của đơn vị; chủ trì tổ chức đánh giá, phân tích, xử lý kịch bản... DV hạng I thì nhiệm vụ được ghi rõ là "đảm nhận những vai diễn chính, có diễn xuất nội tâm đa chiều, phức tạp của các chương trình, tác phẩm sân khấu và điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quy mô lớn, hoành tráng; thể hiện ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật có những sáng tạo độc đáo cho những nhân vật chính". Còn các DV từ hạng IV đến hạng II thì chỉ "đảm nhận vai diễn được giao"...

“Công chức hóa” nghệ sĩ?

Thực tế, ở lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, gần như không có quốc gia nào đưa ra đánh giá, xếp loại dựa trên những tiêu chí mang tính định lượng như bằng cấp, học lực, trình độ ngoại ngữ... Bởi, bên cạnh sự rèn luyện và đào tạo, sáng tạo nghệ thuật còn phụ thuộc rất nhiều vào tư chất thiên bẩm của từng cá nhân. Tự thân sự yêu mến của khán giả, của người làm nghề (thông qua các giải thưởng được người làm nghề thừa nhận và lượng vé bán ra) đã là thước đo đánh giá NS đó. Việc phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thứ hạng như dự thảo sẽ "bó" NS vào một khuôn khổ mà trong đó, những NS thứ hạng thấp sẽ khó có cơ hội để chứng tỏ sức sáng tạo đột phá.

Trong mục, Nhiệm vụ của ĐD hạng I, II, III, IV, dự thảo đề nghị các ĐD phải "Theo dõi hiệu quả xã hội của tác phẩm, chương trình sau khi đưa ra rộng rãi công chúng nhằm tiếp tục nâng cao, hoàn thiện tác phẩm". Điều này hoàn toàn không khả thi khi áp dụng cho ĐD điện ảnh, vì một bộ phim sau khi làm xong và ra rạp thì cho dù nhận được những lời khen chê ĐD cũng không còn cơ hội để sửa chữa hay nâng cao, hoàn thiện tác phẩm.

"Gay" nhất là mục Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định ĐD hạng I phải “có trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24.1.2014 của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam". Để đạt được đến trình độ này nghĩa là điểm thi TOEIC tương đương 450, tức là thuộc loại khá. Thực tếcho thấy ĐDVN thuộc các đơn vị công lập - đối tượng áp dụng dự thảo này - đa số đã có tuổi, khả năng tiếp thu ngoại ngữ có hạn thì việc sở hữu trình độ Anh văn thuộc loại khá là điều rất khó.

Sự thiếu khả thi và mơ hồ của dự thảo còn thể hiện ở quy định của mục Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, theo đó đòi hỏi ĐD hạng I phải "nắm vững các thành tựu khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật ở trong và ngoài nước liên quan đến nghiệp vụ", ĐD hạng II phải "có khả năng đề xuất và nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao hiệu quả công tác nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh" ĐD là người chịu trách nhiệm cho hồn cốt - nội dung phim là chính, còn những gì thuộc về yếu tố kỹ thuật đã có bộ phận khác như quay phim, ánh sáng... đảm nhận, nên bắt ĐD phải nắm bắt các thành tựu khoa học kỹ thuật hay ứng dụng tiến bộ khoa học là điều bất hợp lý.

Cũng theo dự thảo, DV hạng I "đảm nhận những vai diễn chính, có diễn xuất nội tâm đa chiều, phức tạp của các tác phẩm sân khấu và điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quy mô lớn, hoành tráng; thể hiện ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật có những sáng tạo độc đáo cho những nhân vật chính". Còn các DV từ hạng IV đến hạng II thì chỉ "đảm nhận vai diễn được giao" khiến nhiều người đặt câu hỏi đây là nhiệm vụ "cần” để được xem xét xếp hạng hay là nhiệm vụ của từng thứ hạng? Nếu là nhiệm vụ "cần có" để đủ tiêu chuẩn xem xét xếp hạng thì cứ phải đóng vai chính, vai có nội tâm đa chiều, phức tạp thì mới đủ để xem xét thăng hạng? Những NS lớn tuổi, chỉ đóng vai phụ nhưng lại giữ vai trò làm bệ phóng cho lớp trẻ đành phải đứng ngoài cuộc chơi? Chưa kể, nghệ thuật không dễ đo chính xác một vai diễn như thế nào là đa chiều, có nội tâm phức tạp.

Cách xếp hạng và quy định này có thể sẽ là một trong những nguyên nhân tạo ra sự phân biệt hay đặc quyền cho một nhóm ĐD, DV nào đó, đồng thời triệt tiêu cơ hội của những người trẻ là nỗi lo có thực của những người quan tâm. Những người trẻ dù có tài năng cũng khó có cơ hội để bộc lộ vì chỉ được làm việc theo phân công hoặc làm người "phụ việc" cho những ĐD có thể hơn về tuổi tác, thâm niên... nhưng chưa chắc đã hơn người trẻ về khả năng sáng tạo.

Lối mòn

Không hiểu vì lẽ gì việc xếp hạng ĐD, DV lại đi vào lối mòn lấy huy chương, giải thưởng làm tiêu chí đánh giá tài năng và sự cống hiến của người NS vốn đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Chưa kể quy định này lại bỏ sót nhiều tài năng được công chúng yêu mến và đạt được thành công nhất định trong nghề nhưng lại chưa qua trường lớp đào tạo. Ở lĩnh vực sân khấu, liệu những cô đào chánh nổi tiếng của các đoàn cải lương miền Tây như Ngọc Đợi (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu), Trần Thị Thu Vân (Đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang)... sẽ được xếp thứ bậc nào khi họ đã có rất nhiều huy chương, giải thưởng của các cuộc thi chuyên nghiệp nhưng lại không đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo là phải tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật.

Cá biệt, như trường hợp của NSƯT Thanh Nam, nếu xếp hạng DV, ông sẽ được xếp vào hạng mấy? Hay ĐD - NSND Doãn Hoàng Giang, nếu xếp hạng ĐD, ông ở thứ bậc nào khi chưa hề qua trường lớp ĐD nào nhưng lại được xem là một trong những ĐD đắt sô nhất Việt Nam? Dự thảo cũng có quy định về đặc cách (điều 12 chương II) nhưng những người được phong danh hiệu NSND, NSƯT hoặc được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cũng chỉ được thăng hạng trên liền kề với hạng hiện giữ. Trong khi áp theo tiêu chuẩn về trình độ đào tạo thì cả hai NS trên đều không đủ.

DV Ngọc Đợi không giấu được nỗi thất vọng: "Nếu quy định này được áp dụng, tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là bỏ đoàn nhà nước ra chạy sô bên ngoài. Bao nhiêu năm phấn đấu cho nghề nghiệp với những thành tích được khán giả và người làm nghề công nhận, nhưng được xếp hạng còn thua cả những DV mới tốt nghiệp trung cấp thì tôi chẳng có lý do gì để ở lại", ở đoàn cải lương Cao Văn Lầu, sẽ không chỉ có duy nhất trường hợp của DV Ngọc Đợi mà theo trưởng đoàn, NSƯT Khưu Minh Chiến, "Nếu xếp hạng thì tôi cũng thuộc hàng "ngoại hạng" vì hơn 40 năm theo nghề, tôi không có lấy một mảnh bằng làm vốn, chỉ có niềm đam mê và khát vọng được sống với cải lương. Những NS cải lương vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về lương bổng theo những quy định dựa trên bằng cấp trước đây. Nói xếp hạng ĐD, DV để có thể tăng thu nhập, nhưng thực tế ở không ít đơn vị nghệ thuật công lập, người NS càng dễ cảm thấy bị tổn thương hơn".

Thực tế từng chứng minh không ít người trẻ nhanh chóng khẳng định mình và được khán giả công nhận bằng chính tác phẩm, vai diễn của họ. Không khó để điểm danh những tên tuổi trẻ khá thành công như: ĐD Đỗ Đức Thịnh, Bùi Quốc Bảo, Nguyễn Khắc Duy, DV La Thành, Quang Tuấn, Ninh Dương Lan Ngọc... Quan sát từ đời sống nghệ thuật hiện nay không khó để nhận ra sự khập khiễng giữa các quy định và cách làm của giới làm nghề. Rất hiếm việc các ĐD, nhà sản xuất căn cứ vào thứ bậc hay danh hiệu để mời DV mà đa phần sẽ dựa vào khả năng hợp vai, độ "hot", sự nghiêm túc trong bảo đảm lịch tập luyện, biểu diễn … "Chọn DV theo hạng I, II, III để dựng vở theo tôi là hết sức ngớ ngẩn!", ĐD Chánh Trực phát biểu.

Cứ "chiếu" theo quy định thì đến bao giờ lớp trẻ mới có cơ hội để khẳng định thực lực của mình? Mỗi mùa hội diễn, liên hoan, sân khấu luôn đặt trong tình trạng báo động với sự già nua, cũ kỹ, cách xếp hệ DV dựa theo thâm niên, thành tích. Và vì vậy, tư tưởng ăn thua đủ ở liên hoan, hội diễn của một bộ phận NS cũng lớn hơn; hội diễn vì thế kém hơn, nhưng mục đích không phải để sân khấu triển mà chỉ để NS kiếm huy chương cho đủ chỉ tiêu việc phong tặng danh hiệu lẫn xếp thứ hạng nghề nghiệp. Liệu sẽ có hay không "Những NS chân chính, được công chúng yêu thương thì chỉ ở hạng II III... trong khi những ĐD hạng I (đa phần sẽ là những “NS công chức" và "NS lãnh đạo” lại nằm ngoài "bộ nhớ” của công chúng?" - như suy nghĩ của ĐD Chánh Trực.

ĐD, NSƯT Hoa Hạ bức xúc: "Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng và những yếu tố bất ngờ, việc ép khuôn và xếp hạng sẽ giết chết sự sáng tạo của NS và những tài năng trẻ. Đừng lãng phí tiền bạc để lập thêm ban bệ xét tuyển, xếp hạng và "công chức hóa" người NS. Khi hoạt động nghệ thuật đang hướng đến con đường xã hội hóa, quyền lựa chọn, "chấm điểm” thuộc về công chúng thì xếp hạng ĐD, DV với những quy định theo khuôn mẫu nghe có vẻ đang đi ngược xu thế của sự phát triển chung".

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của SK Idecaf bày tỏ: "Không thể chủ quan đánh giá, xếp hạng ĐD, DV theo thâm niên hoặc số huy chương, giải thưởng. Giá trị một tác phẩm, tài năng của ĐD, DV phải do chính công chúng đánh giá. Ở tất cả các nước trên thế giới, tiêu chí đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, tài năng của ĐD, DV luôn dựa trên sự đón nhận của công chúng, bằng doanh thu và sức sống của tác phẩm… Chuyện xếp loại diễn viên theo thứ tự A, B, C đã có cách đây từ mấy chục năm trước khi nghệ thuật còn ở giai đoạn bao cấp. Nhưng giờ chúng ta đang ở giai đoạn kinh tế thị trường, hãy để thị trường và khán giả đánh giá".

Chuyện nhiều gương mặt trong làng nghệ thuật được khán giả yêu mến và giới làm nghề ngả nón thán phục dù không qua trường lớp hay có bằng cấp không hề hiếm trong thị trường giải trí Việt lẫn các nước trên thế giới. Và họ, dù là công chức hay không, tài năng vẫn cần được xác nhận và tưởng thưởng xứng đáng. Làm thế nào để việc phân loại xếp hạng này không tạo ra những bất cập lẫn bất công, là một câu hỏi không dễ trả lời.

Theo Phụ nữ thành phố

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ cần bao nhiêu ‘bằng’ để ‘thăng hạng’ danh hiệu?