Vào sáng 14.4, buổi giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM với Sở Y tế, Tài chính, Lao động - thương binh và Xã hội (TP.HCM) đã bị hủy vì không có mặt đầy đủ lãnh đạo các sở.

Nghĩ từ quyết định hủy buổi giám sát của Ban Văn hoá-Xã hội HĐND Thành phố

Vũ Trung Kiên | 17/04/2022, 14:31

Vào sáng 14.4, buổi giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM với Sở Y tế, Tài chính, Lao động - thương binh và Xã hội (TP.HCM) đã bị hủy vì không có mặt đầy đủ lãnh đạo các sở.

Đây là buổi giám sát của HĐND TP.HCM về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.

Sở Y tế TP.HCM sau đó đã gửi thư xin lỗi đến trưởng đoàn giám sát. Từ câu chuyện cụ thể này đặt ra nhiều suy nghĩ về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử cũng như cách thức vận hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện nay.

thanhvien.jpg
Các thành viên của đoàn giám sát đợi hơn 30 phút nhưng lãnh đạo Sở Tài chính và Sở Y tế vẫn chưa có mặt - Ảnh: Thanh Niên

Về lý thuyết thì ở Việt Nam người dân làm chủ thông qua rất nhiều các thiết chế, trong đó có cả thông qua các cơ quan hành chính Nhà nước. Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết, còn trong thực tế cứ có quyền lực thì sẽ có tha hóa và quyền lực càng cao thì nguy cơ tha hóa càng lớn. Vì vậy, để ngăn ngừa, hạn chế việc lạm quyền của các cơ quan Nhà nước được giao quyền, cần có các cơ chế để giám sát.

Ở Việt Nam, vì tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị đều hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và đa phần các vị trí lãnh đạo của các cơ quan trong hệ thống chính trị là đảng viên nên có cơ chế giám sát của Đảng. Cũng vậy, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cũng có cơ chế giám sát, cụ thể là thực hiện theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, người dân cũng có quyền giám sát.

Thế nhưng, vì HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương nên giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của HĐND các cấp.

Theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. HĐND sẽ thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương. Thông qua giám sát, HĐND phát hiện những bất cập, hạn chế trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước để đưa ra kiến nghị nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đã ban hành. Việc giám sát về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 của đoàn giám sát nêu trên là rất cần thiết trong lúc này.

Việc lãnh đạo một số sở không có mặt, theo chúng tôi có lẽ cũng không hẳn là lãnh đạo các sở này “coi thường” đoàn giám sát mà có thể là d lâu nay, các hoạt động giám sát kiểu này thường diễn ra theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” và đánh giá cao là chủ yếu. Chỉ cần ai đó sử dụng công cụ tìm kiếm Google gõ bất kỳ một vụ giám sát nào sẽ đọc thấy những nội dung hầu như không thể thiếu kiểu như thay mặt đoàn giám sát, đồng chí đánh giá cao cách làm sáng tạo A, B, C của đơn vị. Thông thường phải khen trước dài lê thê rồi sau đó mới đến “tuy nhiên”. Lạ là bởi đoàn giám sát có chăng chỉ làm việc 1 buổi, một ngày thì làm sao đánh giá cao được. Nếu có đánh giá cao là đánh giá những nội dung “theo báo cáo” của đơn vị được giám sát chứ làm sao có đủ thông tin để mà đánh giá cao. Vậy nên mới có những câu chuyện không biết nên cười hay nên khóc là đoàn giám sát, kiểm tra nào đó vừa đánh giá cao ít ngày thì lại có vài vị lãnh đạo ở đơn vị đó “gia nhập đội Juventus”.

Nếu cuộc giám sát, kiểm tra nào cũng “đánh giá cao” thì thử hỏi còn cần giám sát, kiểm tra để làm gì? Vì mục đích chính của giám sát là để phát hiện các bất cập và khuyến nghị, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung, thực thi đúng, phù hợp.

Sở Y tế sau vụ việc này đã rất nhanh chóng nhận sai và có thư xin lỗi gửi trưởng đoàn giám sát. Ít nhất đó là một việc làm đúng nguyên tắc và cũng là có trách nhiệm trong lúc này. Đã nhận sai chắc chắn sẽ biết cách để sửa sai, để không lặp lại sai lầm đồng thời cũng là lời nhắc nhở chung cho các cơ quan, đơn vị khác đối với những câu chuyện tương tự.

Trong câu chuyện này, người rất đáng khen ngợi và cần được ủng hộ chính là ông trưởng đoàn giám sát. Khi quyết định dừng buổi giám sát vì những lý do nêu trên, chắc chắn trưởng đoàn sẽ nhận được những tín hiệu không vui từ phía các đơn vị. Tuy nhiên việc nước, việc dân không phải là chỗ để lúc nào cũng “dĩ hòa vi quý”. Trong lúc này, rất cần những thái độ trách nhiệm và dứt khoát như vậy.

Lâu nay, dư luận vẫn râm ran rằng Đảng chỉ tay, HĐND giơ tay, Nhà nước ra tay, MTTQ và các đoàn thể vỗ tay, Nhân dân…mà thôi, nói tiếp sợ “phạm húy”.

Vậy thì, trong câu chuyện này, với quyết định dừng buổi giám sát của trưởng đoàn với lý do không có mặt đầy đủ lãnh đạo các cơ quan được giám sát thật sự mang lại nhiều hiệu ứng tốt đẹp cho xã hội, cho đất nước, nhất là cho vai trò giám sát của HĐND các cấp.

Bài liên quan
TP.HCM tăng cường giám sát tình hình giao thông dịp nghỉ lễ 30.4-1.5
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30.4-1.5, Sở GTVT TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ từ quyết định hủy buổi giám sát của Ban Văn hoá-Xã hội HĐND Thành phố