Một nghiên cứu quy mô lớn dựa trên dữ liệu của gần 100.000 người tham gia đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nhiều người không hồi phục sức khỏe hoàn toàn nhiều tháng sau khi nhiễm COVID-19.
Nghiên cứu của Scotland cho thấy từ 6 - 18 tháng sau khi nhiễm COVID-19, cứ 20 người thì có 1 người vẫn chưa hồi phục sức khỏe và 42% cho biết đã hồi phục một phần. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng dường như cung cấp một số khả năng bảo vệ khỏi COVID-19 kéo dài.
David Putrino, Giám đốc đổi mới phục hồi chức năng của Hệ thống Y tế Mount Sinai tại New York (Mỹ) cho biết: "Đây là một nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta nên cực kỳ quan tâm đến số lượng ca nhiễm COVID-19 cấp tính".
Bà Jill Pell, Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Glasgow (Scotland), người đứng đầu cuộc nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng nghiên cứu này tiết lộ tác động trên diện rộng của COVID-19 kéo dài với cuộc sống của con người. "Có rất nhiều tác động khác nhau của COVID-19 kéo dài đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống", bà Jill cho biết.
Nghiên cứu Long-CISS (Nghiên cứu về COVID-19 của Scotland) được đăng trên tạp chí Nature Communications hôm 12.10. Hơn 33.000 người nhiễm COVID-19 và 62.957 người chưa bao giờ bị nhiễm bệnh đã tham gia nghiên cứu này.
Theo ước tính của chính phủ, từ 7 - 23 triệu người Mỹ, trong đó có 1 triệu người không còn khả năng lao động đang phải chịu những tác động của COVID-19 kéo dài. Những con số này dự kiến sẽ tăng lên khi COVID-19 trở thành một căn bệnh đặc hữu.
Các nghiên cứu trước đây đã bị thách thức bởi tính chất không đặc hiệu của các triệu chứng của COVID-19 kéo dài, trong đó có khó thở và mệt mỏi, đây cũng là những triệu chứng phổ biến. Nghiên cứu của Scotland bao gồm một nhóm đối chứng để có thể xác định các triệu chứng nào có liên quan đến COVID-19.
"Những người nhiễm COVID-19 có khả năng mắc 24 trong số 26 triệu chứng của COVID-19 kéo dài được nghiên cứu cao hơn đáng kể so với những người chưa bao giờ mắc bệnh. Ví dụ, những người nhiễm COVID-19 có nguy cơ khó thở cao gấp 3 lần", bà Jill nói.
Ông Putrino chỉ ra rằng từ 16 - 31% người trong nhóm đối chứng cũng bị các triệu chứng tương tự - một con số tương tự như tỷ lệ âm tính giả của xét nghiệm PCR, cho thấy một số người trong nhóm đối chứng có thể đã bị nhiễm COVID-19. Bà Jill đồng ý rằng có thể một số người có kết quả xét nghiệm âm tính có thể đã bị nhiễm bệnh, điều này phục vụ cho việc củng cố các phát hiện rộng hơn của nghiên cứu.
Các triệu chứng của COVID-19 kéo dài rất đa dạng. Trong nghiên cứu của Scotland, các triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất bao gồm khó thở, đánh trống ngực, đau ngực và sương mù não hoặc giảm trí lực. Các triệu chứng tồi tệ nhất xuất hiện ở những người nhiễm COVID-19 bệnh nặng phải nhập viện.
Ông Putrino nói: "Những người mắc bệnh nặng có nhiều khả năng bị di chứng lâu dài hơn. Song điều đáng sợ là có một tỷ lệ nhỏ các trường hợp bệnh nhẹ sẽ phát triển các triệu chứng của COVID-19 kéo dài. Điều này cũng là một mối quan tâm lớn về sức khoẻ cộng đồng".
Putrino cũng cảnh báo chống lại giả định rằng những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng không liên quan đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài.
"Chúng tôi đã thấy nhiều bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng bị mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài. Nó ít phổ biến hơn về mặt thống kê so với những người nhiễm COVID-19 có triệu chứng", Putrino nói thêm.
Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài cao hơn ở phụ nữ, người lớn tuổi và những người sống trong các cộng đồng khó khăn về kinh tế.
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association, gần 2/3 số người có các triệu chứng COVID-19 kéo dài trong 2 năm đầu tiên của đại dịch là phụ nữ. Bên cạnh đó, những người đã từng bị các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, chẳng hạn như bệnh hô hấp và trầm cảm, cũng dễ mắc COVID-19 kéo dài.
Theo Putrino, trong số những vấn đề cần được nghiên cứu nhiều hơn là mức độ bảo vệ do vắc xin COVID-19 mang lại. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc tiêm phòng làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài, nhưng không nhiều như người ta vẫn nghĩ trước đây.
"Đó là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta cần tìm hiểu tiếp theo", Putrino nói.
Theo bà Jill, các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch cho các nghiên cứu bổ sung. Nghiên cứu hiện tại đã theo dõi những bệnh nhân COVID-19 ở thời điểm 6, 12 và 18 tháng sau khi nhiễm bệnh. Trong số đó, 13% đã báo cáo có một số cải thiện về mặt sức khỏe.
"Chúng tôi đang cố gắng xem xét chi tiết hơn những thay đổi trong các triệu chứng theo thời gian và những yếu tố nào liên quan đến chúng", bà Jill nói.
Ngày 12.10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng COVID-19 kéo dài đang tác động tới cuộc sống và sinh kế của hàng chục triệu người trên thế giới.
Vì vậy, ông Ghebreyesus đã kêu gọi những nỗ lực bền vững để giúp những người vẫn đang phải chống chọi với COVID-19 kéo dài. Theo ông, các nước cần ngay lập tức khởi động và duy trì nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng "rất nghiêm trọng" này.
COVID-19 đã lây nhiễm hơn 600 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 6,5 triệu người trên toàn thế giới. WHO ước tính 10 - 20% những người sau khi đã khỏi bệnh vẫn bị các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức. Trong đó, phụ nữ bị tình trạng này nhiều hơn nam giới.