Có mặt tại Indonesia ngày 6.1, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh phải tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải, thương mại, đầu tư, giáo dục và văn hóa giữa quốc gia Nam Á này và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngoại trưởng Ấn Độ kêu gọi hợp tác sâu sắc hơn với ASEAN

Cẩm Bình | 07/01/2018, 14:20

Có mặt tại Indonesia ngày 6.1, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh phải tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải, thương mại, đầu tư, giáo dục và văn hóa giữa quốc gia Nam Á này và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngoại trưởng Swaraj đang có chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia và Singapore, trong nỗ lực phát triển các mối quan hệ nhiều mặt theo khuôn khổ chính sách “Hành động hướng Đông” (Act East) của Ấn Độ.

Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn Mạng lưới các tổ chức nghiên cứu Ấn Độ - ASEAN lần thứ 5 tại Indonesia vào ngày 6.1, bà Swaraj nhấn mạnh phải tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải, thương mại, đầu tư, giáo dục và văn hóa giữa Ấn Độ và ASEAN. Theo bà: “Đây là những dấu ấn quan trọng trong cam kết của chúng tôi với Đông Nam Á, trong việc tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa chúng ta trên lĩnh vực thương mại, kết nối và văn hóa”.

Bà Swaraj cho biết cả Ấn Độ và các nước ASEAN đều là những quốc gia hàng hải, đều có lịch sử thương mại hàng hải giàu có và vinh quang. Do đó, hai bên phải khơi lại những liên kết này và cùng trở thành nhân tố “cầm lái” cho sự trỗi dậy của châu Á.

Hội nghị bàn tròn Mạng lưới các tổ chức nghiên cứu Ấn Độ - ASEAN lần thứ 5 - Ảnh: Indian Express

“Là một quốc gia trưởng thành có trách nhiệm, một trong những lợi ích của Ấn Độ là phát triển một kiến trúc khu vực dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là chia sẻ an ninh và chia sẻ thịnh vượng. Điều này đã được Thủ tướng Narendra Modi trong tầm nhìn của ông về Tăng trưởng và An ninh cho mọi người trong khu vực (SAGAR), trong đó thừa nhận vai trò trung tâm của biển và đại dương bao quanh các nước chúng ta trong tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ởmột môi trường hòa bình và ổn định”, bà Swaraj cho hay.

Bà khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng đượcxem là một tuyến hàng hải kết nối, vì vậy những vùng biển này không những phải kết nối tốt hơn mà còn phải đảm bảo không bị ngăn chặn bởi các mối đe dọa truyền thống lẫn phi truyền thống. Theo bà, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), rất cần thiết.

Trên cơ sở này, Ngoại trưởng Ấn Độ kêu gọi hợp tác nhiều hơn trong phát triển “kinh tế xanh lam” (sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển cho phát triển kinh tế), xây dựng khả năng tuần tra ngoài khơi, dịch vụ thủy văn và chia sẻ thông tin để nâng cao nhận thức về hàng hải.

Cũng theo Ngoại trưởng, hội nhập kinh tế sâu sắc hơn với khu vực ASEAN là một khía cạnh quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” của chính quyền New Delhi. Ấn Độ muốn thúc đẩy đối thoại giữa doanh nghiệp và các hiệp hội thương mại hai bên, qua đó tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư song phương.

Ngoài ra, bà Swaraj cũng mời các học giả, nhà nghiên cứu và nhóm chuyên gia có mặt tại Hội nghị bàn tròn đưa ra những ý tưởng mới để Cộng đồng kinh tế ASEAN và Ấn Độ có thể hợp tác sâu hơn cũng như có thể xác định những cơ hội hợp tác trong đầu tư, thương mại và dịch vụ.

Tại Indonesia, bà cũng gặp gỡ với ông Lim Jock Hoi, tân Tổng thư ký ASEAN, để bàn về những nỗ lực tăng hợp tác hai bên theo khuôn khổ “Hành động hướng Đông”.

Cẩm Bình (theo The Hindu, Outlook India)
Bài liên quan
Tesla có thể tiến vào thị trường Ấn Độ
Đài CNN đưa tin tỷ phú Elon Musk dự kiến sang Ấn Độ vào tuần tới. Ông sẽ nhân chuyến thăm công bố kế hoạch xây nhà máy Tesla ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoại trưởng Ấn Độ kêu gọi hợp tác sâu sắc hơn với ASEAN