Mực nước sông Sở Thượng (giáp ranh tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam và tỉnh Prey Veng, Campuchia) chảy qua địa phận các xã Thường Lạc, Thường Thới Hậu A của huyện Hồng Ngự bắt đầu lên cao. Men theo bờ sông, những luồng gió lạnh khẽ lướt vào da thịt, lạnh buốt làm chúng tôi nhớ lại những mùa nước nổi đã qua.

Ngư dân miền Tây mưu sinh mùa nước nổi

Phong Trúc | 26/09/2023, 11:15

Mực nước sông Sở Thượng (giáp ranh tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam và tỉnh Prey Veng, Campuchia) chảy qua địa phận các xã Thường Lạc, Thường Thới Hậu A của huyện Hồng Ngự bắt đầu lên cao. Men theo bờ sông, những luồng gió lạnh khẽ lướt vào da thịt, lạnh buốt làm chúng tôi nhớ lại những mùa nước nổi đã qua.

Người dân Hồng Ngự quen gọi đó là “gió nước lên”, nhưng với tôi, vẫn thích cách gọi mùa nước tràn bờ hay mùa nước nổi.

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu, người dân các xã Thường Lạc, Thường Thới Hậu A bắt đầu “mở đồng” đón mùa nước nổi. Niềm vui vụ lúa trúng mùa được giá vẫn còn rạo rực thì câu thông báo ngắn gọn “Mở đồng đón nước” của UBND xã Thường Thới Hậu A làm cho niềm vui ấy tăng lên gấp bội. Giờ cả cánh đồng được bao phủ một màu trắng xóa, nước mênh mông.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A cho biết: “Mùa nước nổi, xã thông báo mở cống cho nước vào đồng, ngoài tác dụng rửa đất, tiêu diệt mầm bệnh sau vụ mùa còn mang phù sa về cho đất thêm màu mỡ. Đây cũng là lúc sản vật mùa nước nổi như cá tôm theo con nước lên đồng sinh trưởng, góp phần tạo sinh kế, thu nhập cho người dân địa phương”.

Theo bà con, mùa nước nổi nơi đây thường bắt đầu vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Bởi thế, từ bao đời người dân đã đúc kết thành kinh nghiệm “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”. Dân xứ Hồng Ngự cũng chẳng biết những kinh nghiệm ấy có tự bao giờ, do ai đúc kết. Và họ bắt đầu quen dần với tập quán mưu sinh gắn liền mùa nước. Hễ sắp đến mùa nước nổi, người dân xứ này lại vui mừng, họ mua sắm ngư cụ để hành nghề. Sau mùa nước, người ta có thể thu nhập hơn chục triệu đồng, thậm chí cao hơn nếu ai đó siêng năng.

1(1).jpg
Vào mùa nước nổi, người dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp ra đồng giăng lưới bắt cá

Chị Trương Thị Diệp ngụ ấp 1, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cười tươi: “Tui từng trải qua 20 mùa nước trên cánh đồng Thường Lạc. Có nhiều cách kiếm sống ở đồng mỗi khi nước tràn bờ, người thì giăng lưới, đặt dớn, đặt lờ, lợp…, còn tôi thì chuyên đặt dớn. Mấy hôm trước, tôi thấy nước về, lòng cũng rộn ràng. Bữa nay thăm dớn, dính được nhiều cá, mắc mê. Tôi có cả thảy 20 miệng dớn, hôm nay thu được 50kg. Cá này mang ra chợ bán chắc được hơn 1 triệu đồng. Vậy đó, năm nào tới tháng 7 cũng mong ngóng nước về. Năm nào trễ là nhớ đồng không chịu nổi”.

Mùa nước tràn bờ ở Hồng Ngự có lẽ giống với tính cách con người nơi đây, dồn dập, hào phóng và đâu đó là chút phiêu lưu. Đang vui vẻ, bỗng chị Diệp trầm giọng: “Không ít người nói mùa này là mùa làm ăn, mùa vui, mùa đẹp nhất, thật ra chỉ đúng một phần. Những người đón mùa nước lên để mưu sinh như chúng tôi thì vui, vì có thêm việc làm, tạo thu nhập. Còn những ai chưa kịp thu hoạch lúa chín ngoài đồng hoặc những chủ vườn cây ăn trái, hoa màu… cùng chung tâm trạng là lo sợ đê chống tràn bị vỡ”.

Theo một lão nông có thâm niên trong việc mưu sinh mùa nước nổi ở vùng biên giới Hồng Ngự, năm nay nước về sớm nên cá linh cũng có sớm. Cá linh non là đặc sản trứ danh vào mùa nước nổi của miền Tây Nam Bộ.

Đang loay hoay thu mua cá của bà con, bất chợt chị Tư Hà, chủ vựa cá ở ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A ngước nhìn thấy tôi, tưởng là khách nên chị mời: “Mua cá linh non đi mấy chú, cá tươi rói, làm lẩu là hết sảy”.

Theo người dân vùng biên, mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ là mùa nước hiền hòa, mỗi lần đón nước về, bao nguồn lợi thủy sản lại đi theo mùa nước, tạo ra nhiều sinh kế cho người dân. Với hàng trăm hộ dân ở các địa phương đầu nguồn ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, mỗi mùa nước về, họ mang theo nhiều hy vọng về một cuộc sống ấm no hơn.

Khoảng 25 năm nay, khi bước vào tháng 7 âm lịch là anh Nguyễn Văn Năm ở xã Thường Thới Hậu A mang theo ngư cụ, bơi xuồng men theo dòng kênh Trà Đư và cánh đồng Thường Lạc để đặt dớn, giăng câu, giăng lưới bắt cá tôm. Vừa đặt xong mấy miệng dớn dưới kênh Trà Đư, anh Năm bảo: “Tôi và mọi người trong xóm thấy nước bắt đầu lên, lòng mừng như mở hội. Dù mới bắt đầu mùa nước nổi nên cá tôm chưa có nhiều, nhưng cả nhà tôi ai cũng phấn khởi. Ngoài có thêm thu nhập từ việc bán cá, gia đình tôi còn có cá ăn, tiết kiệm được chi phí sinh hoạt hằng ngày”.

Trên cánh đồng nước trắng xóa, những xuồng lưới, xuồng câu dừng dưới bóng cây cao tránh nắng. Anh Lê Văn Khang ngụ ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A hớn hở: “Hôm trước nghe thông báo mở cống xả nước vào đồng, tôi cùng mấy anh em trong xóm bắt đầu kiểm tra, sửa chữa lại chiếc xuồng của gia đình để vào mùa đánh bắt mới. Mùa này, kiếm cá ngon lành”. Bằng kinh nghiệm mưu sinh mùa nước nổi nhiều năm, trung bình mỗi ngày những thợ lưới như anh Khang có thu nhập khoảng 500.000 đồng.

2.jpg
Ngư dân thăm dớn trên đồng nước mênh mông

Nhiều năm nay, người dân huyện Hồng Ngự nói riêng, tỉnh Đồng Tháp nói chung đã thích nghi, tận dụng được lợi thế của mùa nước nổi để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ngoài việc đánh bắt sản vật thiên nhiên, người dân còn thực hiện hiệu quả nhiều mô hình sinh kế. Trong đó, phải kể đến 60 nông dân ở xã Thường Phước 1 góp tiền đầu tư ngư cụ… để đăng, bao vùng nuôi trữ cá đồng.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hồng Ngự thông tin: “Người dân địa phương xin phép chính quyền, lựa chọn vùng trũng để dẫn dụ cá, tôm về rồi dùng lưới bao ví lại. Khu vực đó, người hành nghề câu, giăng lưới, đặt dớn, đặt lợp không được vào khai thác. Nhờ vậy, cá tôm lớn tự nhiên, đến cuối mùa nước là bà con thu hoạch. Mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao bởi chủ động thời gian, điều tiết được lượng cá cung ứng cho thị trường”.

Chạng vạng tối, trên cánh đồng Thường Lạc lại râm ran tiếng bạn xuồng í ới gọi nhau bắt đầu chuyến làm ăn. Anh Lê Văn Khang ngụ ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A tươi cười: “Ngày đầu đón con nước tràn bờ, tôi vui mừng lắm, trong tâm tôi luôn ngóng chờ một mùa nước bội thu và cứ thế chúng tôi lại hy vọng”.

Khuất xa những dãy núi, mặt trời chìm dần xuống cánh đồng mênh mông nước. Đèn ở xóm dân cư vùng biên giới huyện Hồng Ngự bắt đầu rực sáng một vùng. Theo dòng nước đổ từ thượng nguồn sông Tiền xuôi về Tây Đô - Cần Thơ, ta có thể cảm nhận được sự kỳ vĩ của dòng sông Mê Kông hào sảng, hiền hòa bao đời trên vùng châu thổ Cửu Long mỗi khi mùa nước nổi về.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân miền Tây mưu sinh mùa nước nổi