TSMC đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip thế hệ tiếp theo từ ngày 29.12, đảm bảo Đài Loan vẫn là trụ cột của công nghệ quan trọng mà chính phủ các nước muốn có.

TSMC bắt đầu sản xuất chip thế hệ tiếp theo mà nhiều nước tranh giành

Sơn Vân | 29/12/2022, 15:40

TSMC đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip thế hệ tiếp theo từ ngày 29.12, đảm bảo Đài Loan vẫn là trụ cột của công nghệ quan trọng mà chính phủ các nước muốn có.

Có trụ sở tại thành phố Tân Túc (Đài Loan), TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và nhà cung cấp chip chính cho Apple.

Hôm 29.12, TSMC đã bắt đầu sản xuất số lượng lớn chip theo quy trình 3 nanomet tiên tiến tại thành phố Đài Nam, miền nam đảo Đài Loan. Qua đó, TSMC tiếp bước Samsung Electronics trong việc sản xuất loại chip dự kiến sẽ kiểm soát dòng thiết bị tiên tiến tiếp theo từ iPhone 15, máy chủ internet cho đến siêu máy tính.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế và sự không chắc chắn về tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ với nền kinh tế Trung Quốc.

TSMC năm nay đã giảm kế hoạch chi tiêu vốn ít nhất 10% xuống còn 36 tỉ USD và một số nhà phân tích cảnh báo rằng công ty Đài Loan có thể tiếp tục thu hẹp quy mô đầu tư vào năm 2023.

Hôm 29.12, Mark Liu - Chủ tịch TSMC bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn với nhu cầu chip, đồng thời hứa sẽ tạo ra chip 2 nanomet trong tương lai tại thành phố Tân Trúc và Đài Trung.

Ông Mark Liu cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn sẽ phát triển nhanh chóng trong thập kỷ tới và Đài Loan chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu về chip 3 nanomet là rất mạnh”.

Đài Loan là nơi chiếm hơn 90% năng lực sản xuất các chip hàng đầu thế giới. Các nhà hoạch định chính sách và khách hàng toàn cầu đang ngày càng lo lắng về sự phụ thuộc công nghệ vào Đài Loan và thúc đẩy TSMC chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Hôm 16.12, TSMC thông báo sẽ cung cấp chip 4 nanomet tại nhà máy mới ở bang Arizona (Mỹ) từ năm 2024 và chip 3 nanomet tại nhà máy thứ hai ở Mỹ vào 2026. TSMC cũng đang tăng cường công suất sản xuất chip tại Nhật Bản và tìm địa điểm xây nhà máy ở các quốc gia, chẳng hạn như Đức.

Việc TSMC đa dạng hóa sản xuất ở nước ngoài đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Đài Loan rằng điều này sẽ làm suy yếu tầm quan trọng chiến lược của đảo này trong dài hạn. Thế nhưng, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói hồi đầu tuần rằng việc TSMC chuyển sang xây dựng nhà máy ở Mỹ hay quốc gia khác là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của Đài Loan ở nước ngoài, chứ không phải là mối đe dọa với ngành công nghiệp địa phương. Kế hoạch sản xuất chip 2 nanomet của TSMC là minh chứng công ty Đài Loan tiếp tục giữ công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất ở quê nhà.

Mark Liu cho hay: “Việc sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet là thành quả của sự hợp tác kéo dài hàng thập kỷ với chuỗi cung ứng địa phương”.

Samsung đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn 3 nanomet vào tháng 6 trong một nỗ lực khó khăn để bắt kịp TSMC trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất chip theo hợp đồng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với các thiết bị hiệu suất cao tiêu thụ ít điện năng hơn.

TSMC cho biết các chip sản xuất theo quy trình 3 nanomet của họ mang lại hiệu suất tốt hơn so với chip 5 nanomet, trong khi dùng ít năng lượng hơn khoảng 35%.

Mark Liu nói công nghệ 3 nanomet sẽ giúp tạo ra các sản phẩm cuối với giá trị thị trường là 1,5 ngàn tỉ USD trong vòng 5 năm.

Apple đang sử dụng quy trình 4 nanomet của TSMC trong chip A16 Bionic cho iPhone 14 Pro nhưng có thể chuyển sang 3 nanomet ngay đầu năm 2023.

Một báo cáo vào tháng 8 cho rằng M2‌ Pro sẽ là chip đầu tiên dựa trên quy trình 3 nanomet. Chip ‌M2‌ Pro dự kiến sẽ ra mắt đầu tiên trong MacBook Pro 14 inch và 16 inch được cập nhật vào đầu năm 2023 hay có thể là các mẫu Mac Studio và ‌Mac mini‌ mới.

Apple Silicon thế hệ thứ ba gồm chip M3 và A17 Bionic (cho dòng iPhone 15) sẽ dựa trên quy trình 3 nanomet nâng cao của TSMC. Apple Silicon là loại vi xử lý do chính Apple thiết kế dựa trên nền tảng ARM.

Sự thống trị ngày càng tăng của TSMC trong lĩnh vực sản xuất chip cao cấp diễn ra vào thời điểm Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, nhằm kiềm chế đối thủ của họ.

tsmc-bat-dau-san-xuat-chip-the-he-moi-ma-nhieu-nuoc-tranh-gianh..jpg
TSMC đã bắt đầu sản xuất số lượng lớn chip 3 nanomet tiên tiến tại thành phố Đài Nam từ ngày 29.12 - Ảnh: Internet

Samsung có động thái trái ngược TSMC và Micron

Hôm 26.12, tờ Seoul Economic Daily (Hàn Quốc) đưa tin Samsung Electronics lên kế hoạch tăng công suất sản xuất chip tại nhà máy bán dẫn lớn nhất của mình vào năm 2023 bất chấp dự báo về suy thoái kinh tế.

Động thái này trái ngược với việc các đối thủ thu hẹp quy mô đầu tư trong bối cảnh nhu cầu giảm và dư thừa chip. Các nhà phân tích cho rằng, sự kiên trì với kế hoạch đầu tư có thể sẽ giúp Samsung Electronics chiếm thị phần chip nhớ và hỗ trợ giá cổ phiếu khi nhu cầu phục hồi.

Samsung Electronics có kế hoạch mở rộng nhà máy P3 của mình tại thành phố Pyeongtaek, Hàn Quốc, bằng cách bổ sung công suất tấm wafer (đĩa bán dẫn) 12 inch cho chip nhớ DRAM, tờ Seoul Economic Daily đưa tin, trích dẫn các nguồn giấu tên trong ngành.

Samsung Electronics cũng sẽ mở rộng nhà máy với việc nâng công suất chip 4 nanomet, sẽ được sản xuất theo hợp đồng đúc theo thiết kế của khách hàng.

P3 là nhà máy sản xuất chip lớn nhất của Samsung Electronics. P3 bắt đầu sản xuất chip nhớ NAND flash tiên tiến trong năm nay.

Tờ Seoul Economic Daily cho biết Samsung Electronics đang có kế hoạch bổ sung ít nhất 10 máy quang khắc chip bằng tia siêu cực tím vào năm tới.

Hồi tháng 10, Samsung Electronics cho biết không xem xét việc cắt giảm sản lượng chip để đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn, bất chấp xu hướng giảm quy mô sản lượng của toàn ngành.

Han Jin-man, Phó chủ tịch điều hành mảng kinh doanh bộ nhớ của Samsung Electronics, nói: “Chúng tôi dự định sẽ ủng hộ các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu của mình”.

Ngược lại, Micron Technology Inc (Mỹ), đối thủ chip nhớ của Samsung Electronics, tuần trước thông báo sẽ điều chỉnh giảm các khoản đầu tư vào năm tài chính 2023 xuống còn từ 7 tỉ đến 7,5 tỉ USD, so với mức 12 tỉ USD trong năm tài chính 2022. Micron Technology Inc cũng sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư theo kế hoạch trong năm tài chính 2024.

Vào tháng 10, TSMC cắt giảm ít nhất 10% ngân sách đầu tư hàng năm cho 2022 và đưa ra lưu ý thận trọng hơn bình thường với nhu cầu chip sắp tới.

"Suy thoái ngành công nghiệp chip sẽ gây thêm khó khăn cho các công ty chip cấp 2 trở xuống, đồng thời có tác động tích cực đến việc kiểm soát thị trường của các công ty hàng đầu như Samsung Electronics", Greg Roh, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Hyundai Motor Securities, cho biết trong một báo cáo hôm 26.12.

Bài liên quan
Đưa YMTC và 21 hãng chip AI vào danh sách đen, Mỹ 'bóp nghẹt' tham vọng công nghệ của Trung Quốc
Theo các nhà phân tích, chính phủ Mỹ đã giáng một đòn mới vào tham vọng bán dẫn của Trung Quốc bằng cách đưa 21 công ty sản xuất chip AI (trí tuệ nhân tạo) tiên tiến và hãng chip nhớ số 1 nước này vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TSMC bắt đầu sản xuất chip thế hệ tiếp theo mà nhiều nước tranh giành