Việc dành ưu ái cho riêng công ty Hoa Sen sử dụng nguồn nước trong khi nhân dân không có nước tưới tiêu là một điều không thể chấp nhận được. Tài nguyên nước là tài sản quốc gia, là nguồn sống của con người không thể trở thành tài sản của riêng một tổ chức hoặc cá nhân nào.

Người dân Đạ M'ri có thể yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý hình sự Cty Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ

MTG | 02/07/2015, 13:07

Việc dành ưu ái cho riêng công ty Hoa Sen sử dụng nguồn nước trong khi nhân dân không có nước tưới tiêu là một điều không thể chấp nhận được. Tài nguyên nước là tài sản quốc gia, là nguồn sống của con người không thể trở thành tài sản của riêng một tổ chức hoặc cá nhân nào.

Sau khi báo điện tử Một Thế Giới có loạt bài phản ánh những bức xúc của người dân xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng về việc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen trong quá trình thực hiện dự án khu du lịch tại đây đã tự ý cắt nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân, chặn đường đi lại của họ, thì dư luận, trong đó có nhiều cơ quan báo chí, đã lên tiếng đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, Công ty Hoa Sen chẳng những không tiếp thu mà còn có hành vi phản ứng, bao biện. Xung quanh vụ việc này, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Duy Minh - Trưởng văn phòng luật sư Duy Minh; thành viên Ban Chủ nhiệm, Trưởng ban Khen thưởng và kỷ luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Thưa ông, hàng chục hộ dân ở xã Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng phản ánh việc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (sau đây gọi là Công ty Hoa Sen) do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch về xã Đạ M’ri đầu tư xây dựng khu du lịch, trong quá trình triển khai dự án lại tự ý đào hố chặn đường lên rẫy (sau đó nói là làm đường mới cho dân đi lại nhưng lại xây dựng bậc tam cấp không cho xe chở hoa màu và phân bón đi lại). Ý kiến của ông về vụ việc này?

-Luật sư Nguyễn Duy Minh: Việc này theo tôi được biết: Con đường dân sinh ấy đã hình thành và người dân sử dụng từ lâu. Có những trường hợp người dân phải bỏ đất ra để làm đường. Như hộ bà Phan Thị Bích Phúc có 1 thửa đất rộng hơn 10 ngàn mét vuông nhưng khi cấp giấy, Ủy ban nhân dân huyện tách làm 2 thửa số 31 và 33 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp tháng 06.2012), chừa một con đường được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với chiều ngang 4m (đường đất). Như vậy việc Công ty Hoa Sen tự ý đào hố chặn đường lên rẫy của bà con là hoàn toàn sai trái.

Hơn nữa cũng theo thông tin đại chúng là vào đầu tháng 6.2015, theo yêu cầu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Ban An toàn giao thông tỉnh Lâm Đồng đã làm việc tại Ủy ban nhân xã Đạ M’Ri, trong đó yêu cầu chính quyền đã có xác nhận là có con đường dân sinh nói trên. Như vậy cả về pháp lý và đạo lý việc đào hố chặn đường lên rẫy của bà con nông dân là không thể chấp nhận được.
                
Một đoạn con đường cũ ngay sát suối B2 đã bị đào thành hố gây cản trở đường lên rẫy của người dân. Ảnh: Nghĩa Phạm
-Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn nước của các hộ dân tại đây đã được chính quyền cấp phép cho dẫn nước từ suối B2 về phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt, nhưng khi chính quyền chưa có văn bản chính thức thông báo việc ngưng cho người dân dẫn nước từ con suối B2 thì phía Công ty Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch lại phá bỏ đường ống nước mà người dân ở đây đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thi công phục vụ tưới tiêu cho ruộng vườn của họ nhưng lại không có một thông báo nào cho người dân. Như vậy đúng hay sai?

Ở đây cần phải xác định 2 vấn đề: Việc đầu tư hàng trăm triệu đồng và hệ thống tưới tiêu này có được phép hay không? Khi bà con đầu tư vào đây thì có ý kiến gì của chính quyền sở tại?

Cho dù là có được chính quyền cho phép hay không cho phép thì thực tế bà con đã sử dụng hệ thống tưới tiêu này một thời gian dài. Nếu được phép của chính quyền sở tại thì tài sản này của bà con là hợp pháp và được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp việc lắp đặt này không xin phép chính quyền thì chính quyền đã có quyết định gì về việc này (chẳng hạn quyết định đình chỉ thi công, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế...)? Việc này chỉ có chính quyền với các quyết định hành chính dựa trên các quy định của pháp luật để thực hiện. Không ai có thể đứng trên các cơ quan nhà nước hoặc làm thay cơ quan nhà nước việc này.

Trong trường hợp Công ty Hoa Sen thấy việc đầu tư của các hộ dân là sai trái thì có thể phản ánh đến các cơ quan nhà nước để thực hiện những việc như tôi đã nói ở trên. Trong trường hợp Công ty Hoa Sen thấy hành vi đó xâm hại đến lợi ích công ty thì có thể khởi kiện yêu cầu tòa án và các cơ quan pháp luật giải quyết. Tôi nghĩ một công ty lớn hoạt động trên thương trường cần hành động một cách chuyên nghiệp, đúng pháp luật.

Nói về nguồn nước thì cũng cần nói thêm là: Theo luật tài nguyên nước năm 2012 thì tại điều 6 có quy định như sau:

“Điều 6. Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các hoạt động sau đây:

a) Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án; tổng hợp, tiếp thu, giải trình và gửi kèm theo hồ sơ của dự án khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư;

b) Công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án và những ảnh hưởng có thể gây ra trước khi triển khai thực hiện;

c) Kinh phí thực hiện hoạt động quy định tại khoản này do tổ chức, cá nhân đầu tư dự án chi trả.”

Ở đây tôi không có đủ tài liệu để có thể xác định công ty Hoa Sen có thực hiện đúng các quy định trên hay chưa. Tuy nhiên việc dành ưu ái cho riêng công ty Hoa Sen sử dụng nguồn nước trong khi nhân dân không có nước tưới tiêu là một điều không thể chấp nhận được.

Tài nguyên nước là tài sản quốc gia, là nguồn sống của con người không thể trở thành tài sản của riêng một tổ chức hoặc cá nhân nào.
                
Đường ống dẫn nước của các hộ dân đã bị Công ty Hoa Sen phá bỏ. Ảnh: Nghĩa Phạm
-Theo các hộ dân, việc Công ty Hoa Sen phá bỏ đường ống dẫn nước, công an và chính quyền xã đã có lập biên bản nhưng chưa thấy xử lý. Hành vi này vi phạm pháp luật gì?

Như tôi đã nói ở trên, cần phải xác định tài sản này được đầu tư hợp pháp hay không hợp pháp. Nhưng không ai được đứng trên pháp luật để xử lý công việc của mình. Nếu có căn cứ cho rằng các tài sản này là hợp pháp thì những người có quyền lợi hợp pháp có quyền yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý việc phá hoại tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp khi các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có thể ban hành quyết định để truy cứu trách nhiệm hình sự của những người trực tiếp và gián tiếp gây ra hành vi trên.

Trong trường hợp việc xây dựng đầu tư trên là không đúng thì thẩm quyền xử lý việc này thuộc về phía chính quyền địa phương.

Trong vụ việc này khi chính quyền đã vào cuộc lập biên bản việc phá bỏ đường ống nước thì cũng cần có kết luận rõ ràng và công khai cho nhân dân biết việc này có xử lý hay không xử lý và các căn cứ pháp luật cho việc xử lý đó. Tránh gây nên dư luận hoặc suy nghĩ không đúng trong nhân dân.

-Vậy ai phải chịu trách nhiệm về hành vi này, thưa ông?

Nếu cơ quan tố tụng xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì những người trực tiếp thực hiện hành vi trên và kể cả những người không trực tiếp (người chỉ huy, xúi giục...) cũng phải chịu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ của hành vi theo quy định của Bộ luật Hình sự.

-Như vậy, hành vi trên phải chăng chứng tỏ Công ty Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch hội đồng quản trị đang thay mặt chính quyền làm mọi việc mà lẽ ra là việc của chính quyền?

Nếu đúng như phản ánh thì việc phá dỡ đường ống của bà con của Công ty Hoa Sen là không đúng.

-Người dân có thể khởi kiện Công ty Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch về hành vi cản trở giao thông, tự ý phá bỏ đường ống dẫn nước của mình không, thưa ông? Và hành vi này vi phạm khoản nào, điểm nào trong Bộ luật Hình sự?

Như tôi đã nói ở trên, nếu người dân cho rằng Công ty Hoa Sen xâm phạm lợi ích và gây thiệt hại cho mình về tài sản thì khởi kiện ra tòa án để giải quyết.

Trong trường hợp người dân cho rằng Công ty Hoa Sen có hành vi hủy hoại tài sản thì yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý về hình sự về hành vi trên.

Đoàn Quý (thực hiện)

Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 quy định:

“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Bộ luật Hình sự năm 2009:Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
9 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Đạ M'ri có thể yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý hình sự Cty Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ