Amirouche Hammar (43 tuổi) có thể là “bệnh nhân số 0” của Pháp. Ông trình diện để cung cấp thông tin sau khi bệnh viện nơi công dân Pháp này từng đến khám xét nghiệm lại những mẫu bệnh phẩm cúm cũ và tìm thấy 1 trường hợp dương tính với coronavirus vào ngày 27.12.2019.
Ngực đau dữ dội, sốt, ho, khó thở, Hammar thời điểm đó nghi ngờ bản thân bị cúm, nhưng thấy triệu chứng khác lạ nên quyết định đến Bệnh viện Avicenne.
“Lúc 5 giờ sáng tôi lái xe đến bệnh viện. Tôi nói muốn gặp bác sĩ ngay lập tức vì tôi đau ngực ảnh hưởng việc hô hấp”, Hammar kể lại.
Bác sĩ cảm thấy bối rối rồi cuối cùng chẩn đoán là nhiễm trùng phổi. Sau vài ngày ở bệnh viện thì ông về nhà, hồi phục mà chẳng hề biết mình mắc COVID-19.
Trung Quốc ngày 31.12.2019 mới thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về bệnh viêm phổi kỳ lạ. Đến ngày 13.1.2020 mới có ca nhiễm ở nước ngoài, Pháp ghi nhận ca đầu tiên vào ngày 24.1.
Tuy nhiên Bệnh viện Avicenne quyết định xét nghiệm lại và phát hiện 1 mẫu dương tính. Bác sĩ Yves Cohen làm việc tại đây cho biết mỗi mẫu được tái kiểm tra vài lần nhằm tránh sai sót.
Hiện chưa rõ làm sao Hammar – người không có mối liên hệ trực tiếp gì với quốc gia bùng phát dịch là Trung Quốc – lại mắc COVID-19. Vợ của ông làm việc tại một siêu thị gần sân bay Charles de Gaulle nơi nhiều hành khách đến mua sắm, nguồn tin bác sĩ tiết lộ bà từng làm việc tại một chợ hải sản với nhiều đồng nghiệp gốc Hoa.
Bác sĩ Cohen bày tỏ lo ngại vợ của Hammar là trường hợp ca nhiễm không triệu chứng, đồng thời đánh giá Hammar chưa chắc là “bệnh nhân số 0” vì còn khả năng có ca nhiễm sớm hơn ở vùng khác (chỉ có thể phát hiện nếu xét nghiệm lại mẫu bệnh phẩm cúm).
Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Avicenne Olivier Bouchaud nhận định trường hợp trên xác định những gì giới khoa học nghi ngờ: COVID-19 đã lây lan lặng lẽ trong cộng đồng. Chuyên gia Stephen Griffin thuộc Viện Nghiên cứu y dược Đại học Leeds xem đây là một phát hiện quan trọng, nhưng cho rằng nên giải thích vấn đề một cách cẩn trọng.
Theo người đứng đầu Cơ quan Y tế công Thụy Điển Anders Tegnell: “Không có lây lan bên ngoài Vũ Hán cho đến khi chúng ta ghi nhận dịch bệnh ở châu Âu sau đó. Nhưng tôi nghĩ ta có thể tìm thấy vài ca nhiễm từ số người từng đến Vũ Hán trong tháng 11 - 12 năm ngoái. Điều này không có gì kỳ lạ cả”.
Cẩm Bình (theo Daily Mail)