Rác thải gia đình trở thành mối bận tâm lớn của cư dân Thượng Hải – một trong những thành phố lớn nhất thế giới với dân số khoảng 23 triệu người. Từ ngày 1.7 họ phải phân loại rác theo chương trình bắt buộc phức tạp.
Trung Quốc 6 năm nay thực hiện chiến dịch chống ô nhiễm bằng nỗ lực làm sạch không khí, đất, nước; nâng cấp nền công nghiệp nặng và sử dụng hiệu quả tài nguyên, kể cả rác thải.
Cải thiện tỷ lệ tái chế rác là một phần quan trọng trong chiến dịch. Nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc đều đang tìm cách xử lý lượng rác khổng lồ do chính họ tạo ra.
Ngày 28.6, Phó chánh văn phòng chính quyền TP.Thượng Hải Hoàng Dung đặt mục tiêu đến năm sau có hơn 70% số quận trực thuộc thành phố này tuân thủ các quy định phân loại rác mới. Ông cam kết hệ thống phân loại được áp dụng làm quen ban đầu sẽ không quá phức tạp.
Tuy nhiên cư dân Thượng Hải lại không thấy đơn giản khi mọi chất thải – từ tờ hóa đơn đến thức ăn thừa, bã trà – đều cần phân loại. Một cụ già 68 tuổi chia sẻ: “Thực sự rắc rối. Túi nhựa bỏ vào một thùng rác riêng và nếu chúng còn bẩn thì phải rửa sạch trước, như vậy thì tay bạn bị bẩn. Rất mất vệ sinh”.
Mặc dù giới chức thành phố thuê hơn 1.000 nhân viên hướng dẫn cũng như tổ chức đến 13.000 buổi tập huấn, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện đầy những yêu cầu hỏi cách phân loại vài loại rác như pin, tóc, thịt dính trên xương, hạt cùng vỏ trái cây. Chính quyền địa phương phải xây dựng một ứng dụng để giải quyết thắc mắc.
Thượng Hải muốn đốt hoặc tái chế tất cả rác thải. Họ kỳ vọng vào năm 2020, tỷ lệ đốt rác khô và xử lý rác thải ướt đạt 27.800 tấn/ ngày – khoảng 80% tổng lượng rác thải của thành phố. Ngoài ban hành quy định phân loại phức tạp thì quan chức tại đây cũng chuẩn bị hạn chế công ty thực phẩm cung cấp sản phẩm nhựa dùng một lần (bắt đầu từ ngày 1.7).
Trung Quốc đề ra hệ thống phân loại rác từ năm 2000, Thượng Hải nằm trong số 8 thành phố thí điểm. Năm 2017 nước này mới ban hành hướng dẫn thực hiện quy mô toàn quốc.
Nhưng mới đây Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) cảnh báo kế hoạch cần thêm thời gian xây dựng cơ sở, cải thiện ưu đãi, chuẩn hóa phí. Thách thức lớn nhất đến từ nông thôn – nơi không chỉ có rác thải sinh hoạt mà còn rác nông nghiệp như phân bón hay thuốc trừ sâu. Đô thị như Thượng Hải cũng gặp khó: thiếu xe tải và không gian phục vụ xử lý.
Cẩm Bình (theo Channel News Asia)