Ở ngoại ô làng Yahidne là phần còn lại của một ngôi trường nhỏ bị phá hủy trong những tuần đầu Nga tiến hành chiến dịch quân sự.
Trường được bao quanh bởi hàng thông cao, nhiều cửa sổ lớp học đã vỡ. Đây là một trong nhiều công trình trên địa bàn Yahidne bị tàn phá bởi chiến tranh.
Nhưng ngôi làng này cùng không ít làng khác đang dần quay lại cuộc sống bình thường vài tháng sau khi quân đội Nga rút khỏi vùng Chernihiv. Người dân đang sửa chữa nhà cửa, âm thanh của công cụ xây dựng vang lên khắp nơi. Tình nguyện viên từ khắp Ukraine lẫn từ nước ngoài đến giúp đỡ vì còn rất nhiều việc phải làm trước lúc mùa đông đến.
Trong số tình nguyện viên có Denys Ovcharenko và Denys Huschyk đến từ Kyiv. Họ tham gia một nhóm xây dựng mang tên Dobrobat – kết hợp giữa “dobro” nghĩa là “lòng tốt” với “bat” nghĩa là “tiểu đoàn”.
Dobrobat dự định sửa chữa phần mái của 21 ngôi nhà. Thành viên nhóm có giáo viên, vận động viên, lập trình viên, nhân viên quay phim, người viết nội dung. Khoảng 80% thành viên không có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng.
Hai cha con người cộng hòa Czech Michal và Daniel Kahle chọn đến thị trấn Makarivcũng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Anh Daniel cho biết: “Chúng tôi muốn làm điều gì đó có ý nghĩa thay vì chỉ là khách du lịch”.
Michal và Daniel Kahle tham gia phong trào Building Ukraine Together lập ra năm 2014 giúp khôi phục công trình hư hại tại miền đông Ukraine. Trong nhiều ngày họ cùng những người trẻ tuổi đến từ khắp nơi ở Ukraine xây lại sở cứu hỏa Makariv nơi bị trúng đạn pháo ngày 12.3.
“Đây là một cuộc chiến lâu dài. Chúng tôi không thể tạm dừng cuộc sống của mình, ngồi ở nhà và đợi chiến tranh kết thúc”, Tetyana Symkovych - điều phối viên Building Ukraine Together - chia sẻ.
Nhiều người làm tình nguyện viên vì muốn bản thân trở nên có ích, nhưng đây không phải lý do duy nhất khiến Yulia Kapustienko góp sức xây lại sở cứu hỏa Makariv: “Tôi nhìn thấy thi thể và các ngôi nhà cháy. Giờ đây khi nhìn một ngôi nhà bình thường tôi sẽ tự động tưởng tượng nó sẽ ra sao nếu bị tên lửa đánh trúng. Không thể xóa bỏ điều này khỏi tâm trí, nhưng tôi cũng cố gắng vượt qua quá khứ. Tôi phải làm gì đó có trách nhiệm”.
Kapustienko từng ở thành phố cảng Mariupol bị bao vây trong 2 tháng. Cô gái 23 tuổi đến từ thành phố Horlivka này có trải nghiệm đầu tiên về chiến tranh vào năm 2014, nỗi đau mất mát ở quê nhà khiến cô khóc suốt 3 năm.
Lần này Kapustienko hành xử khác. Cô chia sẻ: “Bây giờ tôi biết cần phải làm gì đó”.