Ngày 8.12, Hàn Quốc đã thông qua luật bỏ cách tính tuổi truyền thống, chỉ còn áp dụng cách tính tiêu chuẩn quốc tế. Với cách tính này, nhiều người dân Hàn Quốc sẽ trẻ ra 1-2 tuổi.
Theo cách tính tuổi truyền thống của Hàn Quốc, con người đã 1 tuổi ngay khi chào đời và họ sẽ bước sang tuổi mới vào ngày 1.1 hàng năm bất kể ngày sinh nhật thực sự là khi nào. Hệ thống tuổi trên được sử dụng rộng rãi tại quốc gia Đông Á này, mặc dù các hồ sơ chính thức thường tuân theo tiêu chuẩn quốc tế bắt đầu từ 0 tuổi.
Bên cạnh đó, nước này cũng có cách tính tuổi riêng dành cho việc xác định người thực hiện nghĩa vụ quân sự hay độ tuổi hợp pháp được hút thuốc và sử dụng đồ uống có cồn.
Kể từ đầu những năm 1960, Hàn Quốc áp dụng cách tính theo tiêu chuẩn quốc tế, nghĩa là 0 tuổi lúc sinh ra và thêm 1 tuổi vào ngày sinh hàng năm.
Luật mới thông qua quy định chỉ áp dụng phương pháp này, giúp hạn chế sự phức tạp trong cách tính tuổi, ít nhất là trên các giấy tờ chính thức. Luật bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6.2023.
"Việc sửa đổi nhằm mục đích giảm chi phí kinh tế xã hội không cần thiết vì các tranh chấp pháp lý và xã hội cũng như sự nhầm lẫn vẫn tồn tại do các cách tính tuổi khác nhau", ông Yoo Sang-bum của đảng Nhân dân cầm quyền chia sẻ.
Jeong Da-eun, một nhân viên văn phòng 29 tuổi, rất vui về sự thay đổi này và cho biết cô luôn phải suy nghĩ kỹ khi được hỏi về tuổi của mình. "Có ai lại không hào hứng với việc trẻ hơn 1 -2 tuổi cơ chứ?", Jeong Da-eun nói.
Làn sóng ủng hộ loại bỏ cách tính tuổi cũ đã được dư luận ủng hộ mạnh mẽ hơn kể từ tháng 1 năm nay, sau khi giới chức y tế Hàn Quốc sử dụng lẫn lộn hai hệ thống tuổi để tính tuổi đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19 và cấp hộ chiếu vắc xin. Kết quả, một số người chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin nhưng vẫn bị yêu cầu xuất trình bằng chứng tiêm chủng.