Người lao động có con mắc COVID-19 sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong thời gian chăm con nếu con dưới 7 tuổi và là F0 có xác nhận của cơ sở y tế.
Theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động bị ốm đau hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền, sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Chế độ này hiện được áp dụng để chi trả cho người lao động bị mắc COVID-19 và nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc COVID-19.
Thời gian nghỉ được giải quyết chế độ ốm đau sẽ xác định theo thời gian được ghi trên giấy ra viện của con. Thời gian nghỉ để chăm con dưới 3 tuổi là tối đa 20 ngày/năm; dưới 7 tuổi tối đa 15 ngày/năm. Người lao động được hưởng 75% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian này.
Về hồ sơ hưởng, theo quy định tại Luật BHXH năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Bộ Y tế đã có các Công văn số 1492/KCB-PHCN&GĐ ngày 19.11.2021, Công văn số 238/BYT-KCB ngày 14.1.2022, theo đó, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Cụ thể, hồ sơ đề nghị hưởng (đối với người lao động là F0 hoặc chăm con dưới 7 tuổi là F0) gồm giấy tờ sau:
Đối với người lao động là F0 điều trị nội trú: Giấy ra viện.
Đối với người lao động là F0 điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Về thời gian hưởng, tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, mỗi lần khám, người bệnh được cấp một Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày.
Về mức hưởng, tại khoản 1 Điều 28 Luật BHXH năm 2014 quy định, trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) cho biết, toàn ngành sẵn sàng mọi nguồn lực nhằm tạo thuận lợi cho người lao động bị nhiễm COVID-19 (F0) điều trị tại nhà được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo BHXH Việt Nam, do số lượng người mắc mới COVID-19 điều trị tại nhà gia tăng, dẫn đến số người có nhu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (chế độ ốm đau, chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau) tăng lên.
Theo các quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận này do cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện, trong khi đa số người lao động điều trị COVID-19 tại nhà chỉ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly do chính quyền địa phương hoặc trạm y tế xã, phường, thị trấn cấp, đồng nghĩa các giấy tờ này không đạt tiêu chuẩn để làm cơ sở đề nghị hưởng BHXH.
Ngành BHXH Việt Nam khẳng định, toàn ngành luôn nhất quán mục tiêu đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) lên hàng đầu. Lúc người lao động cần sự hỗ trợ, nguồn chia sẻ từ Quỹ BHXH (do người lao động đóng góp) cần nhanh chóng chi trả để hỗ trợ người lao động tháo gỡ khó khăn trước mắt.
Hiện nay, nhiều địa phương có số bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà rất lớn và họ đang gặp khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Trước tình hình trên BHXH Việt Nam khẳng định, toàn ngành sẵn sàng cải cách hành chính, rút gọn quy trình và chuẩn bị nguồn kinh phí, nhân lực để tiếp nhận và giải quyết sớm nhất chế độ BHXH cho người lao động thuộc diện F0 ngay khi có hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế về các loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Trong thời gian này, BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động chưa có tài khoản cá nhân nên mở tài khoản để khi hướng dẫn được ban hành, người lao động là F0 có đầy đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ chuyển thẳng tiền hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau vào tài khoản cho họ.