Có thể thấy hiện nay tại TP.HCM không ít dự án bất động sản chậm tiến độ hay “trùm mền” nhiều năm khiến không ít người mua nhà lâm vào cảnh tiền đã đóng mà nhà thì chẳng thấy đâu.

Người mua nhà cần tỉnh táo đọc thật kỹ hợp đồng, tránh bị thiệt!

Phan Diệu | 08/04/2016, 15:00

Có thể thấy hiện nay tại TP.HCM không ít dự án bất động sản chậm tiến độ hay “trùm mền” nhiều năm khiến không ít người mua nhà lâm vào cảnh tiền đã đóng mà nhà thì chẳng thấy đâu.

Dải cổ ngóng nhà

Sau nhiều năm chờ đợi, hàng trăm khách mua căn hộ PetroVietnam Landmark (quận 2) do Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư vẫn chưa được giao nhà. Dự án PetroVietnam Landmark được khởi công từ năm 2009, sau 5 năm, 4 block của dự án này vẫn nằm trong tình trạng “trùm mền” dài hạn.

Lý giải sự chậm trễ trên, chủ đầu nói rằng do có một số yếu tố khách quan của thị trường nên dự án gặp nhiều khó khăn, mặc dù nhiều khách hàng đã đóng tiền gần như đầy đủ giá trị căn hộ.

Mới đây, chủ đầu tư này có thông báo là khởi động lại dự án nhưng chỉ thi công 2 trên tổng số 4 block. Đó là thông tin từ chủ đầu tư, còn khi nào hàng trăm khách hàng có nhà để ở thì phải tiếp tục chờ.

Hay như chuyện của dự án căn hộ Green Building (quận 9) do Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 8 (CIC8) làm chủ đầu tư. Dự án có vị trí đẹp, chỉ cách xa lộ Hà Nội tầm 200m, thế nhưng đây là nỗi lo lắng của không ít người mua nhà.

Được biết, dự án có giá bán từ 11 triệu đồng/m2 và rất nhiều khách hàng đã nộp tiền 70-95% giá trị căn nhà. Tháng 10.2015, 1 trong 3 block đã được chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng, còn 2 block còn lại đang thi công dở dang và nay thì dừng thi công. Đáng chú ý, dù 1 block đã giao nhà cho khách nhưng khu tầng trệt và tầng lửng của khối nhà này vẫn chưa được hoàn thiện.

Cũng chậm trễ như hai dự án trên, dự án chung cư Gia Phú Land (quận Thủ Đức) là sự ám ảnh của không ít khách hàng. Theo cam kết của chủ đầu tư, khách hàng sẽ được nhận nhà chậm nhất là trước Tết năm 2013, thế nhưng đến nay dự án chỉ là một khối bê tông bị bỏ hoang chưa được hoàn thiện.

Bức xúc vì quá thời hạn mà vẫn chưa được nhận nhà, không ít khách hàng đã liên hệ công ty để thanh lý hợp đồng nhưng công ty vẫn không chịu trả đủ số tiền đã đóng, do đó, khách hàng quyết điịnh kiện chủ đầu tư ra tòa. Lúc khởi kiện, khách hàng ngã ngửa khi biết chỉ một căn hộ nhưng chủ đầu tư lại bán cho nhiều người khác nhau.

Hiện tại, dù khách hàng đã được TAND quận Thủ Đức xử thắng kiện, nhưng việc thi hành án vẫn chưa được thực hiện.

Chung cảnh ngộ, nhiều khách hàng mua căn hộ tại chung cư Đại Thành của Công ty TNHH Xây dựng Đại Thành (quận Tân Phú) được chủ đầu tư cam kết sẽ được bàn giao nhà vào quý 2/2012, thế nhưng đến nay dự án vẫn “đắp chiếu ngủ yên” trong khi đa số khách hàng đã đóng 70-90% giá trị căn hộ. Lý giải về việc giao nhà chậm, chủ đầu tư nói do... thiếu kinh phí xây dựng.

Tại quận 7, dự án BMC Hưng Long được chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại cam kết bàn giao căn hộ cho khách hàng chậm nhất vào cuối tháng 12.2009. Cam kết chỉ là lời nói, bởi đến nay dự án vẫn còn dở dang và đã ngừng thi công.

Người mua luôn chịu thiệt

Trước tình trạng nhiều dự án “đắp mền” trong khi người mua cứ ngắc ngoải chờ nhà, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói rằng các dự án chậm tiến độ mà báo chí đã nêu trên đa phần là các dự án đưa ra thị trường ở thời điểm thị trường bất động sản đóng băng. Đây không phải là những dự án thực hiện theo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới.

“Khi mua nhà, người mua nên chọn các chủ đầu tư có uy tín và thương hiệu. Đồng thời, dự án phải đầy đủ thủ tục pháp lý, bởi thực tế có nhiều trường hợp chậm giao nhà do chủ đầu tư chưa hoàn thành đúng thủ tục. Mặt khác, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra năng lực của chủ đầu tư bằng cách đến công trình của các dự án để biết công trường có đang đắp chiếu, trùm mền hay đang thi công”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, trường hợp chủ đầu tư chậm giao nhà thì việc đầu tiên là nỗ lực hòa giải để đưa ra giải pháp cho cả hai bên. Nếu không có tiếng nói chung thì nhanh chóng khởi kiện ra tòa để được bảo vệ, tòa án luôn ưu tiên những người khởi kiện trước.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Trường (Văn phòng luật sư Trường, Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định trên thực tế có rất nhiều dự án chậm tiến độ nhưng người mua nhà luôn là đối tượng bị thiệt bởi lẽ tất cả các hợp đồng mua bán nhà dự án đều do chủ đầu tư soạn. Vì vậy, thông thường các điều khoản trong hợp đồng đa phần đều có lợi cho chủ đầu tư.

“Nếu như người mua nhà không đóng tiền đúng hạn thì chủ đầu tư có thể hủy hợp đồng bất cứ lúc nào. Thế nhưng, nếu chủ đầu tư không giao nhà đúng hạn thì đa phần chỉ phải trả tiền theo lãi suất. Còn khoản phạt thường không quy định hoặc quy định rất ít.

Trong một số trường hợp, nếu chủ đầu tư chậm giao nhà thì người mua có thể kiện ra tòa, tuy nhiên đây không phải là điều dễ dàng. Thứ nhất là tốn tiền, thứ hai là chủ đầu tư không hợp tác khiến vụ kiện kéo dài, thêm tòa giải quyết chậm nữa… Cứ thế, năm này qua năm nọ, người mua nhà vẫn không nhận được quyền lợi của mình. Chưa kể, nhiều người phải vay tiền mua nhà nên còn có áp lực trả nợ. Trăm ngàn lý do đều là người mua chịu thiệt”, ông Trường nói.

Theo luật sư Trường, hiện tại, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản quy định tương đối tốt, chẳng hạn một dự án phải có sự bảo lãnh của ngân hàng, hay Sở xây dựng thẩm định dự án bán cho người mua… Quy định là vậy, nhưng trên thực tế nếu chủ đầu tư giao nhà không đúng hạn thì người mua vẫn thiệt hại về cả vật chất lẫn tinh thần.

Do đó, khi ký hợp đồng mua bán, người mua nhà nên cố gắng đọc thật kỹ hợp đồng. Đồng thời, phải tỉnh táo xem hợp đồng, tức là hợp đồng có công bằng hay không. Hợp đồng phạt người mua nhà như thế nào thì phạt chủ đầu tư như thế. Như vậy, khi xảy ra trường hợp đáng tiếc thì người mua nhà sẽ đỡ bị thiệt thòi.

Phan Diệu
Bài liên quan
Sóc Trăng thông báo đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển phục vụ các dự án
Tỉnh Sóc Trăng vừa có thông báo đến các tỉnh, thành phố về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của tỉnh phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chính phủ thông qua đề nghị sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17.5.2024 thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 252 Luật Đất đai như đề nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người mua nhà cần tỉnh táo đọc thật kỹ hợp đồng, tránh bị thiệt!