Người nộm Starman bay chỉ cách sao Hỏa gần 8 triệu km trong hành trình vũ trụ kéo dài hàng chục triệu năm.
Người nộm mặc đồ phi hành gia “lái” xe điện Tesla Roadster của nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của SpaceX Elon Musk. Bộ đôi được phóng vào tháng 2.2018 trên chuyến bay đầu tiên của tên lửa Falcon Heavy và vừa đạt cột mốc quan trọng trên hành trình xuyên qua vũ trụ.
“Starman, được nhìn thấy lần cuối rời khỏi Trái đất, bay tới gần sao Hỏa lần đầu tiên, với khoảng cách 0,05 đơn vị thiên văn hay chưa tới 8 triệu km”, SpaceX công bố thông qua Twitter hôm 7.10. Một đơn vị thiên văn là khoảng cách trung bình giữa Trái đất và Mặt trời, tương đương 150 triệu km.
Starman và Roadster mất 557 ngày để quay một vòng quanh Mặt trời, theo trang web theo dõi whereisroadster.com. Tính đến hôm nay, chiếc xe và hình nộm đã bay gần 2,1 tỉ km trong không gian - đủ xa để chạy qua tất cả các con đường trên Trái đất hơn 57 lần.
Bộ đôi này sẽ bay thêm nhiều km trong không gian trước khi kết thúc hoạt động. Chiếc Roadster cuối cùng sẽ rơi xuống sao Kim hoặc Trái đất trong vài chục triệu năm tới, theo một nghiên cứu mô hình quỹ đạo năm 2018 xác định. Nhưng khả năng xảy ra va chạm với Trái đất hoặc sao Kim trong một triệu năm tới chỉ lần lượt là 6% và 2,5%.
Việc cất cánh bằng tên lửa mới là rất rủi ro, điều này giải thích tại sao SpaceX quyết định dùng Starman và Roadster như một trọng tải giả trong chuyến bay đầu tiên của Falcon Heavy. Tất nhiên, tiếp thị có thể là một lý do khác khi Elon Musk cũng điều hành Tesla, hãng sản xuất ô tô điện hàng đầu.
Tên lửa Falcon Heavy từ đó đã thực hiện thêm hai nhiệm vụ nữa, cả hai đều là hoạt động khai thác bay. Tên lửa đẩy đưa vệ tinh liên lạc Arabsat-6A lên không gian vào tháng 4.2019 và vận chuyển hai chục khối hàng lên quỹ đạo hai tháng sau đó cho nhiều khách hàng khác nhau.