Người Việt sống ở làng nổi tại Biển Hồ (hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, ở Campuchia) phần lớn là người nghèo. Họ chọn sống trên mặt nước bởi không có tiền mua đất, xây nhà, cũng không phải trả tiền nước sinh hoạt. Đói thì cất vó, buông câu là có cá ăn, còn dư đem ra chợ bán lấy tiền. Cứ như vậy, từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ ăn, ngủ, sinh hoạt, kiếm ăn trên mặt nước. 

Người Việt ở Campuchia bị buộc rời khỏi Biển Hồ: Khó khăn chồng chất khó khăn

Một Thế Giới | 05/12/2015, 06:43

Người Việt sống ở làng nổi tại Biển Hồ (hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, ở Campuchia) phần lớn là người nghèo. Họ chọn sống trên mặt nước bởi không có tiền mua đất, xây nhà, cũng không phải trả tiền nước sinh hoạt. Đói thì cất vó, buông câu là có cá ăn, còn dư đem ra chợ bán lấy tiền. Cứ như vậy, từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ ăn, ngủ, sinh hoạt, kiếm ăn trên mặt nước. 

Đã nghèo còn mắc cái eo
Cũng giống con cá ở Biển Hồ, nước với họ là sự sống. Tuy nhiên, dưới áp lực cải tạo môi trường, mới đây chính quyền Campuchia quyết định di dời những hộ dân nơi đây. Những con người đã quá quen với sông nước nay đột ngột bị đưa lên bờ liệu có tồn tại được?
Cuối tháng 10 vừa qua, chính quyền tỉnh Kompong Chhnang đã di dời hơn 1.400 hộ gia đình (trong đó có hơn 900 hộ là người Việt) sống tại làng nổi trên Biển Hồ, chuyển họ đến địa điểm mới cách đó 3km. Đây là một phần của kế hoạch 5 năm (2015-2019) để làm đẹp bờ sông, cải thiện hình ảnh Kompong Chhnang và thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Ông Sun Sovannarith - Phó thống đốc tỉnh, phụ trách việc di dời cho biết đến nay có khoảng 90% các hộ dân đồng ý di dời. Họ sẽ sống tại khu vực tạm 2i năm, đến khi chính quyền tỉnh tìm ra khu đất cho họ định cư lâu dài. 
Ông Nguyễn Yon Mas đại diện cho 900 hộ người Việt ở làng nổi cho biết hầu hết các gia đình sống ở đây từ thời Khmer Đỏ sụp đổ (năm 1979) và đều muốn ở lại. “Chính quyền buộc chúng tôi phải đi. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của các hộ nghèo. Một số người đã có đất trên bờ có thể sinh sống ở đó, nhưng những người không có đất thì lo ngại không biết chính quyền có quan tâm tới việc cấp đất định cư lâu dài cho họ không” - ông Mas chia sẻ. 
Nguoi Viet o Campuchia bi buoc roi khoi Bien Ho: Kho khan chong chat kho khan-hinh-anh-1
Vì không có giấy khai sinh nên đa số trẻ em ở
đây không được đến trường. 
Ông Mas cũng cho biết địa điểm mới không đủ điều kiện sinh hoạt, cả về lý do an toàn lẫn kinh tế: “Nơi ở cũ có nhiều cây cối bao quanh, trong khi nơi ở mới rất trống trải. Sẽ là thảm họa nếu có bão lớn đổ vào. Khu định cư tạm cũng không có điện và nước sạch, lại xa chợ, rất khó cho người nghèo di chuyển để bán cá”. Một phụ nữ than phiền việc đánh bắt cá tại nơi ở mới khó khăn hơn, trung bình mỗi ngày chỉ được 2kg cá, để bán được, bà phải đi hơn 3km mới ra đến chợ, tiền bán cá không bù đủ tiền xăng dầu chạy ghe. 
Vì đâu đến nỗi?
Tại Campuchia, người Việt là cộng đồng dân tộc thiểu số có lịch sử lâu đời và số lượng đông nhất. Theo thống kê chính thức từ chính phủ Campuchia, hiện có hơn 300.000 người Việt sinh sống tại xứ này. Nếu tính theo thời gian sinh sống thì người Việt có thể chia thành 3 nhóm: nhóm định cư lâu năm và đã được nhập quốc tịch Campuchia, nhóm những người Việt cũng định cư lâu năm nhưng chưa được nhập quốc tịch (người Việt ở làng nổi Biển Hồ thuộc nhóm này) và nhóm người mới đến những năm gần đây. 
Theo một nghiên cứu do Tổ chức Bảo vệ dân tộc thiểu số (MIRO) công bố, năm 2014, 90% người Việt sống tại làng nổi ở tỉnh Kampong Chhang không có giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và chứng minh thư mặc dù họ được sinh ra ở Campuchia. Hầu hết trong số 914 gia đình chỉ có thẻ di trú và giấy tạm trú chứng minh sự hiện diện của họ ở Campuchia là hợp lệ. Báo cáo cũng cho thấy chỉ 9% trong số 2.000 trẻ em ở làng nổi được đến trường, một phần do quá nghèo, một phần do phải có giấy khai sinh mới được nhập học. Theo các nhà nghiên cứu, kết quả trên không chỉ phản ánh tình hình riêng ở Kampong Chhang mà là tình trạng phổ biến của người Việt ở Campuchia. 
“Đây là vấn đề quan trọng mà Chính phủ Campuchia phải giải quyết. Mọi trẻ em đều có quyền được đi học. Họ phải cấp giấy khai sinh cho tất cả các em” - Giám đốc MIRO Ang Chanrith nói. Phần lớn người Việt ở đây không có quốc tịch nên không được hưởng những quyền lợi cơ bản. Họ gặp nhiều khó khăn trong xin việc làm, sở hữu ruộng đất... Điều kiện khiến người Việt gặp khó khăn trong vấn đề nhập quốc tịch là phải biết đọc, biết viết chữ Khmer, hiểu biết văn hóa lịch sử Campuchia, có thời gian sống tại xứ này hơn 7 năm và được chính quyền địa phương xác nhận có đạo đức tốt… 
Ông Liv Yang Bin, 66 tuổi, là người gốc Việt. Ông sinh sống tại Campuchia hầu như cả cuộc đời và ông cũng tự coi mình là người Campuchia, tuy nhiên ông không có tư cách công dân. “Tôi kiếm được khoảng 10.000 riel (khoảng 2,5 USD) một ngày từ việc đánh bắt cá. Số tiền này không nhiều, nếu làm nông tôi sẽ kiếm được nhiều hơn, nhưng vì không có quốc tịch, tôi không được phép sở hữu đất” - ông tâm sự. Lần lượt 5 đứa con của ông Liv được sinh ra ở Campuchia, chính quyền nói với ông rằng những đứa trẻ không được cấp giấy khai sinh bởi vì chúng là người Việt Nam. 
Nếu không có giấy khai sinh, những đứa trẻ chỉ được học một cách không chính thức ở trường và không được phép tham gia kỳ thi tốt nghiệp cấp 1, mà đó là điều kiện cần thiết để vào cấp 2. “Chúng muốn đi học cao hơn nhưng không được phép. Vì vậy, tôi đã phải dạy cho chúng trở thành ngư dân” - giọng ông buồn bã. Có thể nói, bất cứ ai đến làng nổi Biển Hồ một lần cũng không khỏi xót xa cho thân phận sống bên lề xã hội của những người Việt nơi đây. Việc người dân Việt không được hưởng các quyền lợi cơ bản, cộng với cái đói cái nghèo, sự thất học tạo nên vòng luẩn quẩn không lối thoát. 
Việc di dân làng nổi lên đất liền trả lại môi trường trong sạch cho Biển Hồ là chủ trương đúng đắn của Chính phủ Campuchia. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng cần có sự quan tâm thỏa đáng đến đời sống của cộng đồng thông qua việc cấp đất sinh hoạt, xây dựng cơ sở hạ tầng thuận tiện, hỗ trợ dạy nghề và nhất là tạo điều kiện để họ có thể nhập quốc tịch. Có như vậy, những người dân nơi đây mới có thể hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhung Đỗ/Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Việt ở Campuchia bị buộc rời khỏi Biển Hồ: Khó khăn chồng chất khó khăn