Hãng tin Reuters dẫn lời Điện Kremlin cảnh báo triển vọng gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón qua Biển Đen sau ngày 18.5 không khả quan vì hoạt động xuất khẩu của Nga vẫn gặp trở ngại.

Nguy cơ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen không được gia hạn

Cẩm Bình | 13/04/2023, 09:00

Hãng tin Reuters dẫn lời Điện Kremlin cảnh báo triển vọng gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón qua Biển Đen sau ngày 18.5 không khả quan vì hoạt động xuất khẩu của Nga vẫn gặp trở ngại.

Nhờ Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian, Nga và Ukraine vào tháng 7.2022 đạt thỏa thuận khôi phục xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen giúp xoa dịu khủng hoảng lương thực toàn cầu trầm trọng vì chiến tranh.

Nhằm thuyết phục Nga cho phép Ukraine khôi phục xuất khẩu, một thỏa thuận riêng biệt cũng được ký trong đó Liên hợp quốc đồng ý giúp Nga xuất khẩu lương thực và phân bón.

Thế nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12.4 tuyên bố: “Không có thỏa thuận nào có thể đứng bằng một chân mà phải bằng hai chân. Xét tình hình hiện tại, triển vọng gia hạn không quá khả quan. Thỏa thuận không hoạt động cho đến nay”.

Lương thực và phân bón Nga không bị phương Tây trừng phạt, tuy nhiên hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm là rào cản cho các chuyến hàng.

nggrain.jpg
Một tàu chở ngũ cốc trên Biển Đen - Ảnh: Reuters

Tháng trước Nga chấp nhận gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày – bằng một nửa thời gian dự định. Moscow nhấn mạnh chỉ xem xét gia hạn thêm nếu một số yêu cầu xuất khẩu nước này đưa ra được đáp ứng, trong đó có cho phép Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) tái tham gia hệ thống thanh toán SWIFT, cho phép Nga nhập khẩu máy móc nông nghiệp, loại bỏ hạn chế về bảo hiểm và quyền tiếp cận cảng cho tàu và hàng hóa Nga, bỏ cấm vận với hoạt động tài chính của doanh nghiệp phân bón Nga, nối lại xuất khẩu ammoniac (chất quan trọng để sản xuất phân bón) qua đường ống Nga - Ukraine.

Khi được hỏi về việc chấp thuận loạt yêu cầu trên, phát ngôn viên Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết: “Tổng thư ký Antonio Guterres không có thẩm quyền với SWIFT, với quốc gia thành viên đơn phương áp đặt trừng phạt, với công ty bảo hiểm hay công ty vận tải”. Trước đó Mỹ tuyên bố phản đối loạt yêu cầu Nga đưa ra.

Nga và Ukraine là hai quốc gia sản xuất lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương hàng đầu thế giới. Nga cũng chiếm vị thế lớn trong thị trường phân bón.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đã giúp Ukraine xuất khẩu hơn 27,5 triệu tấn lương thực, góp phần giảm giá lương thực toàn cầu. Nhưng Chương trình Lương thực thế giới đầu tháng qua cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực năm 2023 vẫn ở mức chưa từng thấy khi xung đột, cú sốc kinh tế, khí hậu cực đoan và giá phân bón tăng cao tiếp tục làm gián đoạn hoạt động sản xuất lương thực trên toàn cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
38 phút trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen không được gia hạn