"Nhã 23" là triển lãm hội họa tại Sài Gòn của nữ họa sĩ trẻ người Hà Nội. Trong chuyến rong chơi Sài Gòn của Nhã Tĩnh, những bức tranh luôn luôn xuất hiện những cánh chim nhỏ. Hình tượng đó cũng chính là khát vọng tự do trong sáng tạo nghệ thuật của nữ họa sĩ.
Nhã Tĩnh, một họa sĩ trẻ ở Hà Nội, vừa mở triển lãm cá nhân mang tên Nhã 23 tại TP.HCM. Với 65 bức tranh đang trưng bày tại May Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, P.25, Q.Bình Thạnh), triển lãm này là kết quả thu được trong hành trình đến với miền đất hội họa của Nhã Tĩnh từ nhiều năm trước đến nay.
Những bức tranh khổ nhỏ với gam màu tươi tắn cùng cách thể hiện mang dấu ấn cá nhân của Nhã Tĩnh đã tạo nên nhiều cảm xúc đặc biệt cho người thưởng lãm. Thế giới nội tâm của tác giả được chuyển tải gần như trọn vẹn vào tác phẩm, giúp người xem cảm nhận được những yêu thương nồng nàn và khát vọng cháy bỏng của người họa sĩ trẻ trong mỗi bức tranh.
"Nếu để ý sẽ thấy trong tranh của tôi luôn có những con chim. Những con chim nhỏ xíu thôi nhưng đó là khát vọng được tự do trong sáng tạo nghệ thuật, là tình yêu với cuộc sống rất gần gũi hiện hữu xung quanh chúng ta...", Nhã Tĩnh chia sẻ.
Có một điểm đáng chú ý trong tranh của Nhã Tĩnh là "tính cầu nối" giữa tác phẩm - tác giả và người xem. Sự rung động của người nghệ sĩ trước vạn vật xung quanh được tái hiện lại thông qua những đường cọ, những mảng màu tươi sáng. Nữ họa sĩ đã biết cách gieo những hạt mầm cảm xúc vào tác phẩm, và chỉ cần một chút rung cảm của người xem thôi thì hạt mầm ấy sẽ đâm chồi.
Điều này cũng đã được nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long chỉ ra: "Mỗi mảng màu, nét bút hay mỗi mẩu cắt dán trong tranh của Nhã đều là vết tích cảm xúc, là một biểu hiện tâm tình và cũng hàm ẩn cấu trúc mỹ cảm, có khả năng kích thích trí tưởng tượng hay khơi gợi suy tư và đồng cảm nơi người thưởng lãm. Bên cạnh đó, bảng màu của Nhã thiên về tông sáng và trong, kể cả những bức chỉ vẽ tuyền màu đen trắng hay đơn sắc, nên mang nhiều năng lượng tích cực, truyền tới người xem sự rung cảm ấm áp và niềm hy vọng thiết tha nào đó".
Nhã Tĩnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tự học vẽ ở Hà Nội nhưng lại chọn Sài Gòn là nơi mở triển lãm đầu tiên của mình. Việc này khiến cho nhiều người có chút ngạc nhiên... nhưng tất cả đều có lý do riêng. Giải thích về quyết định mở triển lãm ở Sài Gòn, họa sĩ Nhã Tĩnh đã dành riêng cho phóng viên Một Thế Giới một cuộc trò chuyện rất chân thành, cởi mở.
Xem video chia sẻ của họa sĩ Nhã Tĩnh:
“Nhã Tĩnh” - từ cái tên thôi là đã nghiệm rõ hai thuộc tính, hai khía cạnh của nữ họa sĩ. Vừa nhã lại vừa tĩnh. Tuy nhiên, nhã mà không bình đạm, tĩnh nhưng không u mịch. Trong thế giới sắc màu những tưởng câm lặng vô thanh, lại chứa đầy thanh âm (rung) động của tâm cảm. Tagore từng gieo thi mầm: “Cuộc sống đòi hỏi sự giàu có của mình bằng sự khẳng định của thế giới, và tìm thấy giá trị của mình bằng sự khẳng định của tình yêu” (Bầy chim lạc/Stray Birds, 1916) và Nhã Tĩnh khẳng định sự khẳng định này. Trong tranh của chị, kẻ cô đơn luôn phát hiện có sự hiện diện của hai nửa tìm thấy nhau, người mệt mỏi nhận một tấm vé du lịch để thung dung tìm lại yêu sống, còn ai vụng dại chỉ đơn giản là nghe được một tiếng nói hồn nhiên đồng cảm...
...Trong trường hợp Nhã Tĩnh, hội họa có tác dụng chữa lành hai chiều. Chiều kích chữa lành thứ nhất là dành cho người vẽ. Một con đường chị đi để tìm đến khu vườn trong lành cho tâm trí. Nơi những vò võ vụn vặt, khổ đau riêng tư, sầu bi nhân thế được chị xếp gọn lại, hoặc hóa giải, để nhường chỗ cho một không gian vô nhiễm, của những hình tượng ngây phác, đầy tính “nai” của họa phái hồn nhiên naïve art...
Những hạt mầm tâm hồn được Nhã Tĩnh gieo trồng, đã đâm chồi nảy lộc trở thành một khu vườn hội họa đầy trong lành, đón gọi.Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)
"Mảng tranh biểu hình của Nhã với có cây, hoa lá, với người, với những chú chó, chú mèo, chú chim… cho thấy những ánh xạ từ sự kết nối hồn hậu với thiên nhiên và con người của một tâm hồn đa cảm; rất nhiều bức vẽ tựa như sự hồi tưởng của những hình ảnh ký ức - một dạng “images eidétiques”. Qua bộ lọc ký ức, những hình ảnh này cô đọng, dung dị hơn và dường như chỉ lưu giữ những khía cạnh ấn tượng và đáng nhớ hoặc những tình cảm sâu nặng vấn vương quanh những ý niệm mà người vẽ hằng ưu tư, trao gửi. Ở chúng tỏa ra bầu không khí thân mật, mang nhiều yếu tố hiện sinh và cả nhục cảm thuần khiết chứa chan hoài niệm.
Hàm Phong (Nhà nghiên cứu mỹ thuật)