Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở Trung Quốc, nhưng vụ bùng phát dịch quy mô lớn khó có thể xảy ra, theo một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu của nước này.

Nhà khoa học hàng đầu nói về khả năng bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch ở Trung Quốc

Sơn Vân | 26/07/2022, 14:11

Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở Trung Quốc, nhưng vụ bùng phát dịch quy mô lớn khó có thể xảy ra, theo một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu của nước này.

Wu Zunyou, Trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, viết trên tài khoản Weibo của ông: “Đánh giá từ dân số và các phương thức lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ ở các nước châu Âu và châu Mỹ, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bệnh này du nhập vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Ma Cao”.

Wu Zunyou cho biết nhiều khả năng những ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sớm nhất tại Trung Quốc đại lục sẽ là những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới và sau đó lây lan sang các quần thể khác.

Do những hạn chế của phương pháp truyền dẫn, tốc độ truyền và phạm vi dân số bị ảnh hưởng sẽ khác xa so với COVID-19. Nói cách khác, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ sẽ không gây ra một đợt dịch quy mô lớn trong nước", Wu Zunyou nhận định.

Đài Loan đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ vào cuối tháng 6. Hiện chưa có báo cáo về bệnh đậu mùa khỉ ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông hoặc Ma Cao.

Để ngăn chặn sự du nhập của bệnh đậu mùa khỉ vào Trung Quốc đại lục, tuần trước hải quan nước này đã công bố các biện pháp phòng ngừa mới, yêu cầu du khách nhập cảnh vào Trung Quốc phải khai báo mọi khả năng tiếp xúc với vi rút và người vận chuyển hàng hóa nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh này để thực hiện các biện pháp xử lý vệ sinh.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu tất cả thành phố tiến hành kiểm tra vi rút đậu mùa khỉ với khách du lịch trong nước và giám sát chặt chẽ những người có các triệu chứng phát ban.

nha-khoa-hoc-hang-dau-noi-ve-kha-nang-benh-dau-mua-khi-bung-phat-thanh-dai-dich-o-trung-quoc.jpg
WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, đưa ra mức cảnh báo cấp cao nhất - Ảnh: AP

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đáng lo ngại vào ngày 23.7. Hơn 16.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo cho WHO từ 75 quốc gia và khu vực.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa nhưng ít lây lan hơn, theo WHO. Nó thường gây sốt, phát ban, sưng hạch bạch huyết và có thể dẫn đến các biến chứng y tế khác nhau.

Bệnh đậu khỉ chủ yếu lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi, bao gồm tiếp xúc gần với dịch tiết đường hô hấp, tổn thương da của người bị bệnh hoặc các đồ vật nhiễm vi rút gần đây. Vi rút đậu mùa khỉ cũng có thể được truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai.

Wu Zunyou cho biết bệnh đậu khỉ trong lịch sử không phải là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng khoảng 95% các trường hợp được ghi nhận ở châu Âu và châu Mỹ đã lây nhiễm qua quan hệ tình dục.

Ông nói thêm rằng sự gia tăng các ca bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể nhiễm vi rút khi tiếp xúc da kề da.

Theo Wu Zunyou, với phương thức lây truyền của bệnh này, tránh tiếp xúc gần những người đến từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch đậu mùa khỉ là biện pháp phòng ngừa quan trọng.

Hôm 23.7, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng nhanh chóng thể hiện tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất của cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc.

Nhãn của WHO - "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của quốc tế đáng lo ngại" - được thiết kế để báo động rằng cần có phản ứng quốc tế phối hợp và có thể mở ra nguồn tài trợ cùng nỗ lực toàn cầu để hợp tác chia sẻ vắc xin và phương pháp điều trị.

Theo hai nguồn tin giấu tên nói với Reuters trước đó, các thành viên của một ủy ban chuyên gia gặp nhau hôm 21.7 để thảo luận về khuyến nghị tiềm năng đã bị chia rẽ về quyết định này, nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Tổng giám đốc WHO.

Thông báo về quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trong cuộc họp báo với giới truyền thông ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận rằng ủy ban đã không đạt được sự đồng thuận, với 9 thành viên phản đối và 6 thành viên ủng hộ tuyên bố.

Trước đây, Tedros Adhanom Ghebreyesus thường tán thành các khuyến nghị của ủy ban chuyên gia, nhưng các nguồn tin cho biết ông có khả năng đã quyết định đưa ra mức cảnh báo cao nhất do lo ngại về tỷ lệ ca bệnh đậu mùa khỉ leo thang và nguồn cung cấp vắc xin cùng phương pháp điều trị thiếu hụt, dù thiếu ý kiến ​​đa số.

Hôm 22.7, Mỹ đã ghi nhận được hai ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở trẻ em.

Hai ca nhiễm vi rút đậu mùa khỉ tại Mỹ đã được xác định lần đầu tiên ở trẻ em - một đứa trẻ mới biết đi ở bang California và một bé sơ sinh không phải là cư dân Mỹ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hai trường hợp này không liên quan và có khả năng là kết quả của sự lây truyền vi rút trong gia đình. CDC thông báo hai đứa trẻ đang trong tình trạng sức khỏe tốt và được điều trị.

Phát biểu trong một cuộc gọi hội nghị, Tiến sĩ Jennifer McQuiston, Phó giám đốc bộ phận các tác nhân gây bệnh và bệnh lý hậu quả cao của CDC, nói không có gì ngạc nhiên khi các trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện, nhưng "không có bằng chứng cho đến nay mà chúng tôi đang thấy vi rút này lây lan ra bên ngoài các cộng đồng đồng tính nam, song tính luyến ái và những người đàn ông khác có quan hệ tình dục đồng giới”.

Bà cho biết 99% trong số 2.891 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận ở Mỹ liên quan đến nam giới quan hệ tình dục đồng giới, nhưng đã có một số ít phụ nữ và nam giới chuyển giới nhiễm bệnh.

Điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, Tiến sĩ Ashish Jha, phát biểu trong cùng một cuộc gọi, cho biết chính phủ Mỹ đã giao 300.000 liều vắc xin đậu mùa khỉ và đang làm việc để xúc tiến chuyến hàng 786.000 liều nữa từ Đan Mạch.

Ông nói hiện đã có đủ vắc xin đậu mùa khỉ để cung cấp liều đầu tiên cho hơn một nửa dân số đủ điều kiện ở thành phố New York (Mỹ) và hơn 70% dân số đủ điều kiện ở thủ đô Washington.

Tỷ lệ tử vong trong các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trước đây ở châu Phi của dòng vi rút hiện tại là khoảng 1%, nhưng đến nay dường như ít gây chết người hơn ở các nước không lưu hành. Tuy nhiên, một số bệnh nhân cho biết phải nhập viện vì đau dữ dội.

Tiến sĩ Ashish Jha nói Mỹ vẫn đang đánh giá xem liệu vụ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có nên được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hay không.

"Chúng tôi đang xem xét vấn đề đó, đánh giá những cách nào có thể tăng cường phản ứng, nếu có, bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng", ông nói.

Bộ Y tế Việt Nam họp hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Sáng 26.7, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế họp thẩm định "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ".

Trước đó, Bộ Y tế cùng các đơn vị hữu quan đã họp khẩn để bàn về phương án ứng phó dịch. Bộ Y tế cho hay hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Hiện WHO xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có nguy cơ thấp về bùng phát dịch.

Theo WHO, tốc độ lây lan của dịch nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc cũng cho hay nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Tại Việt Nam, nguy cơ bệnh này xâm nhập là rất lớn.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi... Phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể (bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn).

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, người bệnh hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh cũng thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người bệnh cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Tránh tiếp xúc gần người mắc bệnh đậu mùa khỉ, không tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam, người dân cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Bài liên quan
WHO bị châu Phi chỉ trích nếu gọi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ quyết định vào ngày 23.6 liệu có tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không, gây ra những chỉ trích từ các nhà khoa học hàng đầu châu Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà khoa học hàng đầu nói về khả năng bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch ở Trung Quốc