SpaceX hôm 22.7 đã phá kỷ lục về số lượng tên lửa được phóng trong một năm dương lịch, diễn ra trong bối cảnh chiến dịch cơn lốc để phóng internet vệ tinh Starlink của riêng mình lên quỹ đạo.

SpaceX vượt kỷ lục phóng tên lửa hàng năm với sứ mệnh Starlink, Elon Musk nói gì?

Sơn Vân | 23/07/2022, 09:10

SpaceX hôm 22.7 đã phá kỷ lục về số lượng tên lửa được phóng trong một năm dương lịch, diễn ra trong bối cảnh chiến dịch cơn lốc để phóng internet vệ tinh Starlink của riêng mình lên quỹ đạo.

Vụ phóng lần thứ 32 vào năm 2022 của SpaceX (năm ngoái tổng cộng 31 lần) bằng tên lửa đẩy Falcon 9 diễn ra khi công ty của Elon Musk đang chạy đua để xây dựng một chòm sao vệ tinh băng thông rộng được gọi là Starlink, dịch vụ cho hàng trăm ngàn người dùng internet.

"Xin chúc mừng nhóm SpaceX với số lần phóng kỷ lục!", Elon Musk, Giám đốc điều hành SpaceX, đã tweet sau sứ mệnh triển khai 46 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp.

Chuyến bay cất cánh từ bãi phóng California của SpaceX tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg. SpaceX đến nay đã phóng gần 3.000 vệ tinh Starlink lên vũ trụ.

Nhiệm vụ hôm 22.7 giúp SpaceX bắt kịp tiến độ để đạt được mục tiêu 52 vụ phóng lên quỹ đạo vào cuối năm nay, tăng gần gấp đôi nhịp phóng hàng năm với Falcon 9 - tên lửa đẩy có thể tái sử dụng mà SpaceX cho biết có thể bay lại tới 15 lần.

Phần lớn các nhiệm vụ đó đã và đang được lên kế hoạch là các vụ phóng Starlink nội bộ.

SpaceX thành lập vào năm 2002 để bình thường hóa việc du hành giữa các hành tinh, trong những tháng gần đây đã chuyển trọng tâm từ sản xuất Falcon 9 sang quản lý một đội bay gồm những tên lửa đã được chế tạo, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để tân trang lại tên lửa đẩy theo những mốc thời gian cấp tốc.

Công ty đã áp dụng chiến lược tương tự cho đội tàu vũ trụ Crew Dragons có thể tái sử dụng. Đây là tàu vũ trụ hình kẹo cao su được phóng bằng Falcon 9, đưa con người lên quỹ đạo và Trạm vũ trụ quốc tế.

SpaceX đã phóng vệ tinh Starlink lên vũ trụ nhanh hơn các đối thủ trong cuộc đua internet vệ tinh, chẳng hạn OneWeb, một phần là do khả năng tái sử dụng nhanh chóng của Falcon 9 và lợi thế liên quan đến việc sử dụng tên lửa nội bộ.

OneWeb, công ty sắp hoàn thành một chòm sao internet với ít vệ tinh hơn, từng phóng vệ tinh của mình bằng tên lửa Soyuz của Nga. Năm nay, công ty Anh có kế hoạch sử dụng Falcon 9 sau khi hủy hợp đồng với Soyuz do Nga tấn công Ukraine.

space-pha-ky-luc-phong-ten-lua.jpg
Tên lửa Falcon 9 mang theo 53 vệ tinh Starlink cất cánh từ Khu liên hợp phóng 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ ngày 18.5.2022 - Ảnh: Reuters

Hôm 11.7, tên lửa đẩy Super Heavy Booster 7 do SpaceX phát triển cho tàu vũ trụ Starship thế hệ tiếp theo đã bốc cháy trong vụ phóng thử nghiệm ở bang Texas (Mỹ).

Điều này gây trở ngại cho mục tiêu phóng tên lửa Starship lên quỹ đạo của Elon Musk vào cuối năm nay.

"Đúng vậy, thực sự không ổn. Nhóm đang đánh giá thiệt hại", Elon Musk tweet sau vụ nổ đầu giờ tối của nguyên mẫu tên lửa đẩy Super Heavy Booster 7, như được thấy trong buổi phát trực tiếp do trang web NASA Spaceflight ghi lại.

Starship là tên lửa hạng siêu nặng do SpaceX sản xuất, được cấu tạo từ tầng tên là lửa Super Heavy và tàu vũ trụ Starship, nhằm đạt tải trọng cao cũng như chi phí vận hành thấp. Cả hai tầng tên lửa đều có khả năng khả năng đáp cánh và đưa 100 tấn lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp.

Không rõ điều gì đã gây ra vụ nổ, khiến phần đế Super Heavy Booster 7 chìm trong lửa, khói dày đặc và dường như làm rung máy quay video, dù tên lửa đẩy vẫn đứng thẳng và được bắt chặt để kiểm tra giàn sau đó. Hiện vẫn chưa có thông tin liệu có ai bị thương hay không.

Một giờ sau, người ta vẫn có thể nhìn thấy ngọn lửa và khói bốc lên từ bệ phóng, nhưng tình hình tại bãi thử dường như không trở nên tồi tệ hơn.

Super Heavy Booster được tập trung vào giai đoạn khởi động đầu tiên của các sứ mệnh Starship và sẽ hỗ trợ phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo trước khi tách ra rồi quay trở lại Trái đất. Tuy nhiên, sự cố có thể sẽ buộc SpaceX phải quay trở lại giai đoạn thử nghiệm của mình trước khi đi vào hoạt động.

Sự cố xảy ra giữa chiến dịch thử nghiệm cháy tĩnh kéo dài nhiều ngày ở Boca Chica, bang Texas của Super Heavy Booster 7 - tên lửa đẩy được trang bị một loạt 33 động cơ Raptor để sử dụng trong chuyến bay quỹ đạo không người lái thử nghiệm mà SpaceX hy vọng sẽ tiến hành cuối năm nay.

Thử nghiệm cháy tĩnh là thử nghiệm trong đó động cơ (giai đoạn đầu) được đánh lửa (khai hỏa) nhưng phương tiện không khởi động (vẫn ở trạng thái tĩnh).

Sẽ cao 120 mét khi kết hợp với tên lửa đẩy giai đoạn đầu siêu nặng, Starship hoàn chỉnh là phương tiện phóng thế hệ tiếp theo của SpaceX, trung tâm trong tham vọng của Elon Musk nhằm làm cho việc con người du hành vũ trụ trở nên dễ dàng và thường xuyên hơn.

Vào cuối năm 2020 và đầu 2021, SpaceX đã đánh mất 4 nguyên mẫu tàu Starship trong các vụ phóng thử nghiệm ở độ cao lớn, trong đó nỗ lực hạ cánh quay trở lại kết thúc bằng các vụ nổ. Tháng 5.2021, nguyên mẫu Starship đã hạ cánh thành công lần đầu tiên sau loạt thử nghiệm thất bại.

Trước đó, Elon Musk đặt mục tiêu đưa Starship lên quỹ đạo lần đầu tiên vào tháng 7.2022 tới trong vụ phóng mà ông hy vọng sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp vũ trụ.

Starship có thể tái sử dụng hoàn toàn mà Elon Musk muốn gửi đến quỹ đạo Trái đất và không gian bên ngoài. Việc phóng lên phương tiện 120 mét sẽ đưa NASA tiến gần hơn đến việc quay trở lại Mặt trăng và cho phép Elon Musk đạt được ước mơ xây dựng một thuộc địa trên sao Hỏa.

Hồi tháng 3.2022, Elon Musk đã có bài phát biểu chia sẻ về giấc mơ giúp con người định cư trên sao Hỏa. Ngoài việc thể hiện tầm nhìn về hành tinh tương lai này của nhân loại, tỷ phú giàu nhất đặc biệt dành nhiều thời gian nói về Starship. Trước khi được phép bay vào quy đạo, Starship sẽ phải vượt qua nhiều bài kiểm tra khắt khe mới có thể đưa các phi hành gia của NASA đặt chân lên Mặt trăng an toàn, chứ chưa nói gì đến sao Hỏa.

Elon Musk cho biết Starship sẽ có khả năng thiết lập một thành phố tự cung tự cấp trên sao Hỏa, nhưng dĩ nhiên tham vọng này sẽ cần đến một triệu tấn nguyên vật liệu lấy từ Trái đất.

"Đây là bước khởi đầu trong lịch sử 4,5 tỉ năm mà Trái đất có thể thực hiện được. Chúng ta cần nắm bắt cơ hội càng nhanh càng tốt. Thẳng thắn mà nói, ngày nay, sự khai hoá dường như hơi mong manh", Elon Musk nói.

Sau khi đoạn video mô phỏng quá trình thuộc địa hoá sao Hỏa kết thúc, Elon Musk đã hét lên: "Hãy biến nó thành sự thật!". Tỷ phú ôm mộng được chết trên Hoả tinh này dường như đang rất nóng lòng hiện thực hoá giấc mơ mà ông ấp ủ suốt 20 năm qua: Chinh phục vũ trụ.

Đến năm 2050, Elon Musk muốn hoàn thành kế hoạch xây dựng thành phố 1 triệu dân sinh sống trên sao Hoả. Chưa thể ước tính chính xác những thứ cần chuyển đến hành tinh này từ Trái đất song Elon Musk cho biết sẽ cần rất nhiều thực phẩm, nước, vật liệu xây dựng, công cụ và hệ thống hỗ trợ sự sống.

Hành trình này sẽ không thể thiếu Starship, được Elon Musk đặt mục tiêu phóng trung bình 3 chiếc mỗi ngày để phục vụ bất kỳ ai có nhu cầu lên sao Hoả.

"Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ lần cuối cùng con người đặt chân lên Mặt trăng. Đây là quãng thời gian quá dài và tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần quay lại đây và thiết lập một căn cứ lâu dài. Chúng ta cũng cần xây dựng một thành phố trên sao Hỏa để trở thành một nền văn minh không gian", Elon Musk cho biết.

Theo trang tin Business Insider, 1.000 con tàu Starship có khả năng tái sử dụng trong 10 năm tới đang được SpaceX chế tạo. Với mỗi lần phóng, Starship có thể mang theo 100 người lên quỹ đạo cùng lúc.

"Bất cứ ai cũng có thể đi nếu họ muốn. Chúng tôi cũng hỗ trợ các khoản vay với những người không có tiền. Sẽ có rất nhiều việc phải làm trên sao Hỏa", Elon Musk chia sẻ trên Twitter.

Theo SpaceX, Starship là tên lửa mạnh và độc nhất từ ​​trước đến nay do có thể tái sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí bay vào quỹ đạo Trái đất sẽ được cắt giảm đáng kể, cụ thể là tiết kiệm được khoảng 10 triệu USD cho mỗi 100 tấn nguyên vật liệu đưa vào vũ trụ. Elon Musk cho rằng điều này là khả thi trong một vài năm tới.

Bài liên quan
Elon Musk: Không thích làm CEO Tesla, SpaceX suýt phá sản trong năm ‘ác mộng’
Elon Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang Tesla Owners of Silicon Valley rằng ông không muốn trở thành CEO (giám đốc điều hành) của công ty khi đầu tư vào Tesla những ngày đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
SpaceX vượt kỷ lục phóng tên lửa hàng năm với sứ mệnh Starlink, Elon Musk nói gì?