Tình trạng thiếu chip từng khiến việc sản xuất ô tô chậm lại giờ đã lan sang sản xuất smartphone và máy tính cá nhân, đe dọa làm trật bánh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Nhà máy Samsung đóng cửa tàn phá chuỗi cung ứng chip, Apple gián đoạn sản xuất iPhone

Nhân Hoàng | 18/03/2021, 20:00

Tình trạng thiếu chip từng khiến việc sản xuất ô tô chậm lại giờ đã lan sang sản xuất smartphone và máy tính cá nhân, đe dọa làm trật bánh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Sự thiếu hụt thúc đẩy bởi nhu cầu chip mạnh mẽ trong đại dịch nay trở nên trầm trọng hơn khi một nhà máy Samsung ở thành phố Austin, bang Texas, Mỹ đóng cửa sau cơn bão mùa đông. Nhà máy sản xuất chip này chịu trách nhiệm cho 5% nguồn cung toàn cầu đã ngừng hoạt động kể từ ngày 16.2, gây ra hậu quả lan rộng qua chuỗi cung ứng.

Koh Dong-Jin, đồng CEO giám sát bộ phận di động của Samsung, nói tại cuộc họp cổ đông: “Có sự mất cân bằng nghiêm trọng về cung và cầu chip trong lĩnh vực CNTT trên toàn cầu”.

Nhà máy Samsung ở Texas sản xuất chip viễn thông cho tập đoàn bán dẫn khổng lồ Qualcomm (Mỹ). Cơ sở này cũng sản xuất chip cho tấm diode phát sáng hữu cơ và cảm biến hình ảnh.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung với Qualcomm sẽ ảnh hưởng đến một loạt các nhà sản xuất smartphone dựa vào công ty này cho các thành phần quan trọng. Mua tấm nền OLED từ Samsung, Apple cũng có thể phải đối mặt với sự gián đoạn trong sản xuất iPhone.

Nhà máy Austin của Samsung chiếm khoảng 5% công suất tại các nhà sản xuất hợp đồng sử dụng tấm wafer 12 inch, theo công ty nghiên cứu Đài Loan - TrendForce. Việc ngừng hoạt động dự kiến ​​sẽ khiến sản lượng smartphone toàn cầu giảm 5% trong quý 2.

Tấm wafer là miếng silicon mỏng được cắt ra từ thanh silicon hình trụ, được sử dụng như vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp.

nha-may-samsung-dong-cua-tan-pha-chuoi-cung-ung-chip(1).jpg
Nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics ở thành phố Austin, bang Texas, Mỹ vẫn ngừng hoạt động và chưa rõ ngày mở lại

Chỉ riêng trong số các smartphone tương thích với 5G, sản lượng toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm 30%. Dù đang cố gắng khôi phục hoạt động tại nhà máy ở Texas, Samsung đã không đưa ra thời gian biểu cho việc mở cửa lại.

Tác động từ đợt đóng băng ở Texas, làm tê liệt mạng lưới điện của bang, đã mở rộng sang các chất bán dẫn ngoài những chất cung cấp năng lượng cho smartphone.

NXP Semiconductors, tập đoàn của Hà Lan mạnh về chip ô tô, đã ngừng hoạt động hai nhà máy ở thành phố Austin vào tháng trước. Infineon Technologies, nhà cung cấp chip ô tô có trụ sở tại Đức, cũng tạm dừng một nhà máy ở Austin.

NXP Semiconductors đã khởi động lại hai nhà máy của mình, nhưng việc ngừng hoạt động đã khiến sản lượng mất khoảng 1 tháng.

Tesla đã tạm dừng sản xuất tại nhà máy ở bang California, Mỹ vào cuối tháng 2.2021 do tình trạng thiếu hụt linh kiện. Honda Motor sẽ tạm ngừng hoạt động tại năm nhà máy ở Mỹ và Canada trong 1 tuần bắt đầu từ 22.3 tới, một phần do nguồn cung chip bị gián đoạn.

Chỉ có một số ít các nhà sản xuất chip theo hợp đồng. Chỉ riêng Samsung và TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới ở Đài Loan) đã chiếm 72% sản lượng theo hợp đồng trong quý 4/2020. Việc ngừng hoạt động tại một nhà máy do hai công ty này sở hữu sẽ có tác động lan rộng.

Theo một lãnh đạo hãng sản xuất chất bán dẫn, nếu giao tiếp và chất bán dẫn OLED được sử dụng trong smartphone bị thiếu hụt, "khách hàng sẽ đối phó bằng cách thúc đẩy sản xuất smartphone sử dụng các chip viễn thông hoặc màn hình tinh thể lỏng (LCD) khác nhau".

Điều đó dẫn đến lượng đơn đặt hàng nhiều hơn cho các nhà thầu như TSMC. Sự thiếu hụt chip cũng ập xuống ngành công nghiệp PC.

"Nguồn cung không thể theo kịp nhu cầu. Đội ngũ nhân viên của chúng tôi đang tranh giành để đảm bảo có các bộ phận. Đây là điều chưa từng có trong ngành máy tính cá nhân", Jason Chen, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Acer (hãng máy tính Đài Loan), nói hôm 3.3.

Acer chỉ có thể đáp ứng 30% đơn đặt hàng của khách hàng, cho thấy mức độ khắc nghiệt của môi trường kinh doanh.

Asus (nhà sản xuất máy tính khác của Đài Loan) nói nguồn cung bán dẫn máy tính và tấm nền LCD đang thiếu 30% so với nhu cầu. Công ty dự đoán các lô hàng sẽ giảm mạnh trong quý đầu tiên.

Các công ty Đài Loan chiếm hơn 80% sản lượng PC toàn cầu, vị trí có thể ảnh hưởng sâu sắc hơn đến thị trường quốc tế.

Nhu cầu về máy tính cá nhân đã tăng nhanh vào năm ngoái khi nhiều người chuyển sang học và làm việc từ xa.

"Kế hoạch sản xuất của các nhà sản xuất PC tên tuổi sẽ vượt quá kế hoạch cho năm 2020", một lãnh đạo của một nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu cho biết.

Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất smartphone Xiaomi và Oppo đã mạnh tay mua sắm các bộ phận khi Huawei phải vật lộn với các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Vì tất cả đều sử dụng các chất bán dẫn tương tự nhau nên đang tranh giành nguồn cung đang cạn kiệt.

LCD cũng có thể bị thiếu hụt. "Chúng tôi sẽ không thể tạo ra sản phẩm nếu không chấp nhận việc tăng giá bán dẫn, nhưng không chắc chúng tôi có thể chuyển chi phí lên giá sản phẩm cao hơn ở mức độ nào", một nhà quản lý tại Japan Display (JDI).

Không có đủ nguồn cung cấp chất bán dẫn làm cho màn hình hoạt động. “Hoạt động mua sắm có thể đạt đến điểm khủng hoảng vào tháng 4”, nhà quản lý ở Japan Display nói thêm.

Việc sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi quá trình khắc phức tạp của các mạch trên tấm silicon. Quá trình này thường mất khoảng 2 đến 3 tháng kể từ khi bắt đầu sản xuất đến khi giao hàng, có nghĩa là không thể đáp ứng nhanh các đơn đặt hàng.

Một số nhà quan sát dự đoán tình trạng thiếu chip sẽ tiếp diễn trong thời gian dài. Vào tháng 2.2021, General Motors (sản xuất ô tô Mỹ) dự kiến lợi nhuận của hãng sẽ giảm tới 2 tỉ USD trong năm nay do cắt giảm sản lượng.

Bài liên quan
Đài Loan buộc tội vua chip tiền điện tử của Trung Quốc dùng thủ đoạn săn trộm 100 kỹ sư
Các công tố viên Đài Loan cho biết Bitmain Technologies (Trung Quốc), nhà phát triển chip khai thác tiền điện tử hàng đầu thế giới, đã bị cáo buộc săn trộm trái phép hơn 100 kỹ sư ở Đài Loan trong một nỗ lực nhằm nâng cao năng lực AI của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà máy Samsung đóng cửa tàn phá chuỗi cung ứng chip, Apple gián đoạn sản xuất iPhone