Oppo cảnh báo tình trạng thiếu hụt chip có thể tiếp diễn trong vài năm tới.

Thiếu hụt chip trầm trọng, Qualcomm vật lộn, Samsung hoang mang, Oppo cảnh báo đáng sợ

Nhân Hoàng | 13/03/2021, 11:49

Oppo cảnh báo tình trạng thiếu hụt chip có thể tiếp diễn trong vài năm tới.

Oppo cảnh báo tình trạng thiếu chip kéo dài nhưng đặt mục tiêu lọt vào top ba thế giới

Oppo cảnh báo thế giới có thể phải đối mặt về tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip trong vài năm tới khi nhu cầu được thúc đẩy cao hơn bởi 5G và các công nghệ dựa trên dữ liệu khác.

Scott Zhang, Trưởng bộ phận kinh doanh ở nước ngoài của Oppo, nói với trang Nikkei trong cuộc phỏng vấn: “Nhu cầu đang bùng nổ. Ngày nay, không chỉ ngành công nghệ mà cả những hãng sản xuất ô tô cũng đang tranh giành nhau về tài nguyên chip và linh kiện. Căng thẳng trên chuỗi cung ứng là hiện tượng toàn cầu hiện nay và đã trở thành thách thức quan trọng mà tất cả doanh nghiệp trong ngành cần để đối mặt, giải quyết".

Scott Zhang cho biết Oppo đã tăng cường nỗ lực tăng cường quan hệ với các nhà cung cấp linh kiện chính cho smartphone hàng đầu của mình và tìm kiếm nhiều nguồn cung cho điện thoại trung cấp để đảm bảo nguồn cung liên tục.

Scott Zhang nói Oppo đang tích cực đặt trước các thành phần quan trọng để đảm bảo có đủ nguồn cung để bắt kịp với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và bùng nổ của thiết bị cầm tay 5G.

Các nguồn tin tiết lộ với trang Nikkei rằng vào cuối năm ngoái, Oppo đã đặt hàng các linh kiện cho tới 170 triệu chiếc smartphone trong 2021, cao hơn 45% so với năm ngoái. Scott Zhang từ chối nêu rõ kế hoạch vận chuyển của công ty trong năm nay.

Theo Scott Zhang, rất khó nói khi nào tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ được giải quyết.

"Tôi hy vọng tình hình sẽ giảm bớt một chút trong nửa cuối năm nay. Đại dịch COVID-19 thực sự đã ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi và toàn ngành công nghiệp smartphone năm ngoái. Nhưng chúng tôi dự đoán thị trường sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay", Scott Zhang nói.

Scott Zhang nói thêm rằng Oppo đặt mục tiêu trở thành một trong ba công ty hàng đầu thế giới, đặc biệt là trên thị trường smartphone cao cấp, trong 3-5 năm tới.

thieu-hut-chip-tram-trong-qualcomm-vat-lon-samsung-hoang-mang-oppo-canh-bao-dang-so1.jpg
Oppo cảnh báo tình trạng thiếu hụt chip xảy ra đến vài năm nữa

Hôm 11.3, Oppo đã giới thiệu loạt smartphone 5G mới nhất. Công ty Trung Quốc đã mời nhà soạn nhạc từng đoạt giải Grammy và giải Oscar, Hans Zimmer để giúp soạn nhạc chuông và mời diễn viên từng đoạt giải Oscar - Eddie Redmayne làm đại sứ toàn cầu khi công ty đẩy mạnh nỗ lực quảng bá thương hiệu ra quốc tế.

Theo công ty nghiên cứu Canalys, Oppo đã sụt giảm 4% doanh số bán hàng vào năm 2020 khi xuất xưởng 115,1 triệu chiếc. Song, Oppo đã tạo ra những bước đột phá lớn ở châu Âu, nơi họ hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 trong khu vực, tăng 225% so với 1 năm trước, theo IDC.

Oppo cũng đã đạt được tiến bộ lớn ở Nhật Bản, nơi họ đã liên kết với các nhà khai thác chính. Dữ liệu của IDC cho thấy các lô hàng của Oppo đã tăng gấp 3 lần từ một cơ sở tương đối nhỏ.

Tại Trung Quốc, Oppo thậm chí còn trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu vào tháng 1.2021, công ty nghiên cứu Counterpoint cho biết.

Theo IDC, Oppo là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 ở Ấn Độ, thị trường chủ chốt của các nhà sản xuất thiết bị cầm tay. Oppo chiếm 11% thị phần vào năm 2020. Realme, thương hiệu chị em của Oppo chuyên sản xuất thiết bị cầm tay giá rẻ, đã trở thành công ty lớn thứ 4 của Ấn Độ vào năm ngoái.

Ben Wood, nhà phân tích chính của CCS Insight, nói Oppo đã đạt được tiến bộ tốt trong những quý gần đây, vượt qua Huawei để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 4 sau Apple, Samsung và Xiaomi.

Ben Wood nói: “Oppo cho thấy ý định tiếp tục xây dựng thị phần toàn cầu, giành lấy thị phần bị bỏ trống bởi Huawei và chiến đấu với các đối thủ. Đau đầu nhất vẫn là Xiaomi, hãng có vẻ rất vui khi hy sinh biên lợi nhuận để tăng thị phần. Cuối cùng, nó có thể phụ thuộc vào số tiền Oppo và công ty mẹ BBK chuẩn bị đầu tư để thu hẹp khoảng cách với Xiaomi để mong muốn giành lấy vị trí thứ ba”.

Biên lợi nhuận là mức chênh lệch giữa giá bán của một sản phẩm và chi phí sản xuất cộng với chi phí tiêu thụ của nó. Mức lãi gộp của doanh nghiệp phụ thuộc vào thặng số tính bằng phần trăm chi phí khi xác định giá bán. Mức lãi gộp được biểu thị bằng tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu.

Joey Yen, nhà phân tích của IDC, cho biết: “Năm ngoái, doanh số bán smartphone trên các kênh thương mại điện tử trực tuyến đã tăng vọt, chiếm tổng cộng 26% doanh số bán smartphone toàn cầu do tình trạng phong tỏa trong đại dịch COVID-19, từ khoảng 20% ​​vào năm 2019. Đó là một bất lợi cho Oppo, công ty giỏi về chiến lược bán lẻ truyền thống".

Tuy nhiên, bà Joey Yen cho biết thị trường smarphone tổng thể đang trải qua cuộc cải tổ lớn do cuộc đàn áp của Mỹ với Huawei. Bà nói: “Mỗi người chơi chính đều có cơ hội để định vị lại bản thân”.

Qualcomm vật lộn để đáp ứng nhu cầu chip, Samsung hoang mang

Qualcomm đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu về chip xử lý được sử dụng trong smartphone và thiết bị, vì tình trạng thiếu chip ban đầu ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô đã lan rộng ra ngành kinh doanh điện tử.

Samsung Electronics, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, đang gặp phải tình trạng thiếu bộ xử lý ứng dụng của Qualcomm, trái tim smartphone, hai nhân viên tại các nhà cung cấp cho gã khổng lồ Hàn Quốc nói với Reuters.

Nhu cầu về chip của Qualcomm đã tăng vọt trong những tháng qua khi các nhà sản xuất smartphone Android tìm cách giành giật những khách hàng từ bỏ điện thoại do Huawei sản xuất vì lệnh trừng phạt của Mỹ. Qualcomm nhận thấy khó có thể đáp ứng được nhu cầu cao hơn mong đợi này, một phần do sự thiếu hụt vài thành phần phụ được sử dụng trong chip của mình.

Một nhân viên tại nhà cung ứng cho Samsung nói tình trạng thiếu chip Qualcomm đang ảnh hưởng đến việc sản xuất các mẫu smartphone tầm trung và cấp thấp. Người thứ hai, tại nhà cung cấp khác, cho biết đang thiếu Snapdragon 888 (chip hàng đầu Qualcomm) nhưng không cho biết liệu điều này có ảnh hưởng đến việc sản xuất smarphone cao cấp của Samsung hay không.

Người phát ngôn của Samsung Electronics từ chối bình luận. Một phát ngôn viên Qualcomm đã chỉ ra những bình luận công khai của nhà lãnh đạo vào 10.3, trong đó nhắc lại rằng họ tin có thể đạt được mức dự báo doanh thu quý 2 tài chính đưa ra vào tháng 2.2021.

thieu-hut-chip-tram-trong-qualcomm-vat-lon-samsung-hoang-mang-oppo-canh-bao-dang-so.jpg
Qualcomm vật lộn để đáp ứng nhu cầu chip khi tình trạng thiếu hụt lan sang điện thoại

Riêng biệt, nhà lãnh đạo cấp cao của hãng sản xuất theo hợp đồng hàng đầu cho một số thương hiệu smartphone lớn nói với Reuters rằng đang đối mặt với sự thiếu hụt một loạt các thành phần từ Qualcomm và sẽ cắt giảm các lô hàng thiết bị cầm tay trong năm nay.

Tháng trước, Lu Weibing, Phó chủ tịch của Xiaomi, đã than thở về sự thiếu hụt chip trầm trọng. Ông viết trên Weibo: “Đó không phải là sự thiếu hụt, mà là sự thiếu hụt tột độ”.

Nhu cầu về điện tử tiêu dùng tăng vọt dẫn đến tình trạng thiếu chip toàn cầu khiến các nhà máy sản xuất ô tô phải ngừng hoạt động. Sự thiếu hụt cho đến nay chủ yếu tập trung vào các chip được sản xuất bằng công nghệ cũ hơn là các bộ vi xử lý smartphone tiên tiến mà Qualcomm thiết kế.

Thế nhưng, những hạn chế của Qualcomm cho thấy các vấn đề trong lĩnh vực của chuỗi cung ứng chip phức tạp có thể lây lan sang các lĩnh vực khác như thế nào và động lực thị trường thay đổi nhanh có thể thúc đẩy các công ty chip phải đặt kế hoạch sản xuất hàng loạt trước nhiều năm.

Cristiano Amon, Giám đốc điều hành sắp tới của Qualcomm, nói với các nhà đầu tư trong cuộc họp thường niên của công ty hôm 10.3: “Nhu cầu của chúng tôi về cơ bản cao hơn cung”.

Bộ xử lý ứng dụng hàng đầu của Qualcomm, Snapdragon 888, vẫn còn mới. Snapdragon 888 là bộ xử lý tám nhân nhưng đã được phát triển trên tiến trình 5nm cao cấp cùng kiến trúc hoàn toàn mới, khó có thể mở rộng quy mô sản xuất nhanh chóng.

Một nhà máy của Samsung ở Texas, nơi sản xuất một số bộ thu phát tần số vô tuyến của Qualcomm, cũng buộc phải tạm dừng hoạt động vào tháng trước do tình trạng thiếu điện do cơn bão tuyết mùa đông gây ra. Chưa rõ liệu tác động của việc ngừng hoạt động đó có ảnh hưởng đến các nhà sản xuất smartphone hay không.

Toàn bộ dòng bộ xử lý ứng dụng của Qualcomm chứa các chip quản lý năng lượng được sản xuất bằng công nghệ cũ hơn bởi SMIC (hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc) và TSMC (nhà sản xuất chip lớn thế giới ở Đài Loan).

Stacy Rasgon, nhà phân tích của công ty môi giới Bernstein, cho biết: “Bạn cần một bộ tài liệu đầy đủ. Nếu bạn không thể có được chúng, bạn không thể xây dựng bất cứ thứ gì bạn muốn. Chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu và tích hợp rất chặt chẽ. Nó được thiết lập để mang lại hiệu quả nhưng kém linh hoạt hơn".

Qualcomm đang hướng việc cung cấp các chip quản lý năng lượng này cho các bộ xử lý ứng dụng Snapdragon 888 có lợi nhuận cao của mình để phù hợp với những gì mà các nhà máy Samsung có thể làm, nhưng điều đó đang gây tổn hại đến nguồn cung của các bộ xử lý ứng dụng Qualcomm cấp thấp hơn.

Xiaomi mua phần lớn chip của mình từ Qualcomm và MediaTek (Đài Loan).

Các chuyên gia trong ngành cho biết sự thiếu hụt chip đã thúc đẩy việc mua sắm hoảng loạn, đang tiếp tục bóp méo công suất và làm tăng chi phí các thành phần rẻ nhất của gần như tất cả các vi mạch.

Ví dụ, một chip đơn vị vi điều khiển thường được sử dụng từ STMicroelectronics ban đầu có giá 2 USD nhưng hiện được bán với giá 14 USD, theo Case Engelen, Giám đốc điều hành Titoma, hãng thiết kế và sản xuất theo hợp đồng.

Simon Wan, người đồng sáng lập thương hiệu robot hút bụi Roborock (Trung Quốc), nói các nhà cung cấp chip của công ty đang yêu cầu đặt cọc lớn hơn cho các đơn đặt hàng chip. Simon Wan đang trả tiền để đảm bảo có hàng.

Từ chối nêu tên các nhà cung cấp chip cho mình, Simon Wan cho hay: “Mọi người đang đặt hàng như điên, trong khi thực tế là họ thậm chí không thể sử dụng hết số chip của mình”.

Các công ty nhỏ hơn đang bị tổn thương nhiều hơn.

Fabien Gaussorgues, người điều hành nhà máy điện tử ở thành phố Đông Quan, miền nam Trung Quốc, cho biết vấn đề nguồn cung đã trở nên tồi tệ hơn kể từ tháng 12.2020.

Công ty của ông đang trên đà sản xuất hàng loạt thiết bị nhà thông minh do một khách hàng ở nước ngoài thiết kế trước Tết Nguyên đán. Song, sự thiếu hụt các chipset quan trọng từ Murata (Nhật Bản) khiến việc ra mắt bị trì hoãn 3 tuần, buộc Fabien Gaussorgues cuối cùng phải sử dụng một chipset yếu hơn một chút để thay thế..

Trong khi đó, một số khách hàng khác của Fabien Gaussorgues đã trì hoãn các dự án vô thời hạn.

Bài liên quan
Samsung chuẩn bị xây nhà máy chip 17 tỉ USD ở Mỹ sau nhà vô địch thế giới từ Đài Loan
Bên cạnh thành phố Austin ở bang Texas, Samsung Electronics đang xem xét hai địa điểm ở bang Arizona và một địa điểm khác ở New York để xây nhà máy sản xuất chip mới trị giá 17 tỉ USD, theo các tài liệu nộp cho các quan chức bang Texas.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
4 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu hụt chip trầm trọng, Qualcomm vật lộn, Samsung hoang mang, Oppo cảnh báo đáng sợ