Người bạn vong niên của Giáo sư Trần Văn Khê bày tỏ, không có nhà lưu niệm cố giáo sư là điều thiệt thòi cho nền văn hóa dân tộc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: 'Tôi tiếc khi di nguyện GS Khê không được con trai thực hiện'

Một Thế Giới | 05/01/2016, 18:47

Người bạn vong niên của Giáo sư Trần Văn Khê bày tỏ, không có nhà lưu niệm cố giáo sư là điều thiệt thòi cho nền văn hóa dân tộc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - hiện sống ở Huế - là thành viên chủ chốt của ban tang lễ cố Giáo sư Trần Văn Khê. Ông cũng là một trong những người đầu tiên nhận được lá thư ngỏ từ ông Trần Quang Hải - con trai trưởng cố giáo sư - về việc bỏ ý định thành lập quỹ văn hóa và nhà lưu niệm mang tên cha mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân chia sẻ về vụ việc.
- Ông nghĩ sao khi nhận được lá thư ngỏ của Giáo sư Trần Quang Hải?
- Tôi rất buồn nhưng không ngạc nhiên. Sau ngày đưa tiễn thầy Khê, tôi đã mường tượng được cảnh tình này. Và, cái gì đến đã đến.
- Vì sao ông mường tượng ra điều này từ trước?
- Trước khi mất, thầy Khê đã dặn tôi, đại ý: trong trường hợp con trưởng ông là Trần Quang Hải vì lý do nào đó không về Việt Nam được, thì ban tang lễ chỉ cho phép con thứ của ông là Trần Quang Minh thay mặt gia đình cám ơn người đến viếng, chứ không giao cho anh Minh thực hiện bất kỳ việc gì liên quan đến tang lễ. Do đó Trần Quang Minh không được giao cùng với anh Hải thực hiện di nguyện. Về sau này, những gì mà anh Trần Quang Minh làm liên quan đến tang lễ là ý riêng của anh Minh. Có thể thấy, một bên theo di nguyện, một bên làm việc theo ý kiến riêng... Hai bên không thống nhất với nhau là chuyện tất nhiên phải xảy ra.
- Ban tang lễ nhìn nhận vai trò của Giáo sư Trần Quang Hải như thế nào trong việc lập quỹ Trần Văn Khê và nhà tưởng niệm Trần Văn Khê sau này?
- Giáo sư Trần Quang Hải là người con trưởng, vừa là học trò, vừa là người thừa kế sự nghiệp của thầy Trần Văn Khê, không ai có thể so sánh, có thể thay thế Trần Quang Hải trong vai trò đó được cả. Do đó mọi quyết định có liên quan đến thầy Khê của Giáo sư Trần Quang Hải là quan trọng nhất. Nhưng ở đây có hai vấn đề cần tách ra, vì chúng ít liên quan đến nhau.
Thứ nhất, vấn đề Nhà lưu niệm có hay không có đều do TP HCM quyết định. Nhưng cho đến nay tôi chưa có thông tin gì về ý kiến của lãnh đạo TP HCM. Anh Hải cũng như chúng tôi và người yêu quý Trần Văn Khê đều mong muốn có nhà lưu niệm Trần Văn Khê nhưng vấn đề này ngoài khả năng của mọi người. Nếu sau này TP HCM có chủ trương dành nhà số 32 Huỳnh Đinh Hai làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê thì tôi chắc "toàn dân" sẽ chung tay góp sức.
Thứ hai, chuyện quỹ Trần Văn Khê không thực hiện được do những khó khăn mà Giáo sư Trần Quang Hải đưa ra. Theo tôi cái khó nhất là không có ai đủ nhiệt tình, đủ uy tín, đủ thời gian xung phong giúp việc tổ chức lập quỹ, xin thủ tục, mời người tham gia và điều hành quỹ. Tôi ở xa TP HCM nên đến bây giờ vẫn chưa tìm được những người có nhiệt tình như thế nên không thể có ý kiến gì về tương lai của quỹ ngoài ý kiến của Giáo sư Trần Quang Hải.
tran van khe
 Đoàn người trật tự đi sau linh cữu Giáo sư Trần Văn Khê khi linh cữu ông được di chuyển từ TP HCM đến nơi hỏa táng tại Bình Dương vào sáng 29/6/2015. Ảnh: Nguyễn Á.
 - Về việc ông Trần Quang Hải đề nghị dùng số tiền phúng điếu 700 triệu đồng vào các việc thiện nguyện khác thay vì lập quỹ, ông nghĩ sao?
- Giáo sư Trần Quang Hải đã có kế hoạch sử dụng số tiền 700 triệu đó làm từ thiện (giúp các nghệ sĩ nghèo). Lúc sinh thời thầy Khê nhiều lần tâm sự với tôi: thầy biết có nhiều nhà nghiên cứu có nhiều công trình nghiên cứu dân tộc nhạc học rất giá trị nhưng không có tiền in thành sách, do đó nhiều thư viện quốc gia không khai thác được những công trình quý giá đó. Lĩnh hội được ý kiến của thầy Khê cho nên tôi rất vui với "dự án" sử dụng số tiền phúng điếu thầy vào việc lập quỹ thực hiện ý nguyện của Thầy. Nay không lập được quỹ, tôi có đề nghị với Giáo sư Trần Quang Hải trích 200 triệu để ít ra cùng giúp được ba bốn nhà nghiên cứu in sách, để vui lòng thầy ở cõi vĩnh hằng.
- Bao giờ các thành viên ban tang lễ sẽ họp bàn để đưa ra những quyết định trước lời đề nghị của Giáo sư Trần Quang Hải?
- Sau khi chu toàn hậu sự cho Giáo sư Khê, các thành viên của ban tang lễ cũng đã thôi gặp gỡ lâu rồi. Nếu Giáo sư Trần Quang Hải thấy cần ý kiến của ban tang lễ, ông sẽ triệu tập. Câu trả lời dành cho Giáo sư Trần Quang Hải.
- Ở góc độ cá nhân, là người bạn vong niên gắn bó với Giáo sư Khê, mong mỏi lớn nhất của ông liên quan đến việc thực hiện di nguyện của Giáo sư Khê là gì?
- Mong mỏi của tôi là mọi người có thể chung tay lập quỹ Trần Văn Khê và thành lập nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Hai việc đó là ước nguyện của hầu hết những người yêu quý Trần Văn Khê. Và, cũng không chỉ vì Trần Văn Khê mà vì lý tưởng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc của ta. Trần Văn Khê là một nhân vật văn hóa lớn của nước ta và cả quốc tế. Ông xứng đáng để dân tộc này xây dựng một nhà lưu niệm cho ông. Nhà lưu niệm đó làm sang cho văn hóa Việt và cũng là một điểm du lịch quảng bá văn hóa trong nước mà chúng ta đang rất thiếu. Trần Văn Khê chưa có nhà lưu niệm là một thiệt thòi của văn hóa dân tộc. Còn quỹ Trần Văn Khê như tôi nói ở trên, rất cần thiết cho ngành dân tộc nhạc học, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép thành lập. Nếu sau này có một mạnh thường quân nào đó đứng ra thành lập thì phúc cho dòng dân tộc nhạc học vô cùng.
Qua đây tôi cũng kính mong ngành văn hóa TP HCM tạo điều kiện cho ngành dân tộc nhạc học được khai thác đưa vào phục vụ nghiên cứu và giới thiệu kho di sản nhạc học đồ sộ của Trần Văn Khê đã trao tặng cho TP HCM, đang cất giữ trên tầng lầu nhà 32 Huỳnh Đình Hai.
Theo Thoại Hà/VNE
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: 'Tôi tiếc khi di nguyện GS Khê không được con trai thực hiện'