Trong lịch sử nước ta, nhà Trần là triều đại vàng son giúp Đại Việt khẳng định vững chắc nền độc lập. Khi nhắc đến các chiến công của nhà Trần thì không thể quên được 3 lần chống quân Nguyên Mông vang dội lịch sử. Nhưng không phải ai cũng biết trong thời kỳ đầu nhà Trần, quân ta đã từng Bắc tiến khiến nhà Tống vừa mừng, vừa sợ

Nhà Trần dẫn quân Bắc phạt, vua Tống vừa sợ vừa mừng

10/09/2017, 14:34

Trong lịch sử nước ta, nhà Trần là triều đại vàng son giúp Đại Việt khẳng định vững chắc nền độc lập. Khi nhắc đến các chiến công của nhà Trần thì không thể quên được 3 lần chống quân Nguyên Mông vang dội lịch sử. Nhưng không phải ai cũng biết trong thời kỳ đầu nhà Trần, quân ta đã từng Bắc tiến khiến nhà Tống vừa mừng, vừa sợ

Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc

Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc

Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta

Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt

Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê​

Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh​

Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc​

Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc

Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm

Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống​

Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh​

Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống​

Kỳ 13: Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất​

Kỳ 14: Bị áp lực từ biên giới, vua Tống phải nghiến răng trả đất​

Kỳ 15: Lý Thường Kiệt dùng tù binh mở cho vua Tống con đường thể diện

Kỳ 16: Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông​

Nhà Trần dựng triều đại thay nhà Lý năm 1226 với sự kiện Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông lên ngôi. Ba năm sau, Trần Thái Tông cho sứ sang nhà Tống xin kết bang giao để yên ổn mặt bên ngoài. Nhà Tống khi ấy không chấp nhận quan hệ ngoại giao với nhà Trần vì cho rằng nhà Trần lấy ngôi nhà Lý là không thuận. Thực ra, vua tôi nhà Tống cũng chẳng thương xót gì nhà Lý mà chỉ nhân chuyện này để muốn kiếm chuyện với ta. Các triều đại Trung Quốc về sau rất hay tận dụng việc nước ta thay đổi triều đại, lòng người không yên để gây khó dễ như việc nhà Minh đánh nhà Hồ, nhà Mạc vậy.

Sở dĩ khi đó nhà Tống chưa dám mang quân gây chuyện với nhà Trần vì thất bại của nhà Tống thời Lý Thường Kiệt vẫn còn ám ảnh vua tôi nhà Tống. Hơn nữa, tình cảnh nhà Tống lúc này cũng chẳng thể chú tâm cho phía nam khi đang mưu đồ liên minh với Mông Cổ để thâu tóm nhà Kim. Chẳng dè năm 1234 quân Mông sau khi đánh tan nhà Kim thì đã chĩa mũi giáo xuống phía Nam với ý định nuốt trọn đất nhà Tống.

Lúc này thì vua Tống mới cuống quýt kết thân với nhà Trần và phái sứ sang nước ta năm 1236 để chủ động kết giao. Trước hết, nhà Tống muốn yên tâm không lo bị quân Trần bắc tiến. Quan trọng hơn, động tác ngoại giao này nhằm để nhà Trần không cho quân Mông mượn đường đánh thông lên khiến Tống rơi vào cảnh bị công từ 3 hướng.

Cuốn lược sử ngoại giao Việt Nam các thời kỳ cũng viết: "Sự giao hảo vội vàng của nhà Tống với ta cho thấy những lo ngại của họ trước cuộc chiến tranh xâm lược ồ ạt của Mông Thát vào đất Tống và chung quanh đất Tống. Cho sứ sang gấp nước ta, nhà Tống muốn tranh thủ quan hệ hữu hảo với ta, phòng trước sự tiếp xúc của Mông Thát với ta, có thể bất lợi cho Tống".

Với mạng lưới tin tức từ thám tử thì vua tôi nhà Trần đủ sáng suốt để nhận ra rằng cuộc chiến Mông - Tống sẽ sớm đi vào giai đoạn khốc liệt. Ta chủ động giữ thái độ hòa hoãn với nhà Tống không những vì tình láng giềng mà còn muốn cho Tống tập trung toàn bộ sức mạnh để đại chiến với quân Mông. Cuộc chiến giữa Tống - Mông càng khốc liệt, thương vong hai bên càng cao thì sẽ càng có lợi cho những nước nằm trong vòng đe dọa của hai nước trên.

Không chỉ cao thượng chấp nhận bang giao với Tống, vua tôi nhà Trần còn âm thầm giúp Tống được thảnh thơi tập trung sức mạnh. Nguyên do là từ năm 1236, sau khi đánh Thành Đô, quân Mông Thát tiến dần xuống phía nam, thường cho du binh đột nhập vùng Quảng Đông, Quảng Tây cướp phá rồi rút đi, gây tình hình rối ren cao độ ở miền nam nước Tống. Giặc cướp nổi lên khắp nơi, quan, tướng nhà Tống ở đây không sao trấn trị được.

Cuối năm 1240, giặc cướp trên đất Tống không chỉ làm loạn trong nước mà còn tràn qua biên giới vào vùng Lạng Giang (tức Lạng Sơn) giết người cướp của. Đại Việt sử ký toàn thư ghi "Mùa đông, tháng 10, quan đóng giữ Lạng Giang sai chạy trạm tâu về việc người phương Bắc đến bắt người cướp của dân cư trong hạt ấy. Vua sai thị thần là Bùi Khâm đến biên giới phía bắc để bày tỏ". Thực chất của việc này là Bùi Khâm được lệnh cầm quân lên Lạng Giang dẹp giặc và củng cố biên phòng.

Một năm sau (1241), giặc cướp bên Tống lại tràn sang cướp phá miền biên giới nước ta. Triều đình nhà Trần cho đốc tướng Phạm Kính An đem quân lên biên giới đánh giặc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa đông, tháng 10, người Man phương bắc đến cướp biên giới. Sai đốc tướng Phạm Kính Ân đi đánh lấy được các động Man rồi về".

Và cũng trong năm đó, vua Trần Thái Tông ngự giá thân chinh theo đường thủy tiến ra vùng biển Quảng Ninh rồi Bắc phạt. Sử chép: "Vua thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về".

Việc vua Trần ngự giá thân chinh đánh tận sang đất Tống dù mục đích là đánh giặc cướp nhưng cũng cho thấy nhà Trần khi ấy chẳng sợ gì nhà Tống. Còn nhà Tống cũng chẳng dám sai sứ sang trách cứ vì họ vừa mừng, vừa sợ. Cứ theo lý lúc đó mà suy ra thì nhà Tống còn phải mừng vì quân Trần giúp họ dẹp giặc cướp. Nhưng nhà Tống cũng sợ vì trong lúc phải căng sức chống Nguyên thì quân Trần hoàn toàn có thể tái hiện cảnh Lý Thường Kiệt đại phá các châu huyện.

Còn trên thực tế, chiến dịch quân sự của vua Trần chỉ dừng ở mức giúp Tống đánh dẹp giặc cướp, bảo đảm an ninh miền biên giới nước ta. Quan trọng hơn, đợt động binh đó tạo tạo điều kiện cho vua Trần và các tướng lĩnh đi cùng hiểu sâu hơn tình hình nhà Tống khi ấy. Từ đó, ta hình dung được chiều hướng cuộc chiến tranh Mông - Tống để vạch ra các kế sách đối phó khi lửa đã lan đến gần biên giới.

A.T

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội
14 giờ trước Theo dòng thời sự
Với 475/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, thông qua Nghị quyết, Quốc hội đã bầu ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, làm Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà Trần dẫn quân Bắc phạt, vua Tống vừa sợ vừa mừng