Minh sử chép: "Tháng hai năm Đại Đức thứ 5 (1301, Nguyên Thành Tổ, Trần Anh Tông) viên thái phó Hoàng Trạch tâu: “Sứ An Nam Đặng Nhữ Lâm vẽ trộm bản đồ cung Uyển, mua giấu địa đồ, sách cấm sao chép văn thư về bàn bạc đánh Giao Chỉ. Lại ghi trộm tình hình quân sự ở Bắc biên và việc xây sơn lăng".
Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc
Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc
Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta
Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt
Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê
Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh
Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc
Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc
Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm
Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống
Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh
Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống
Kỳ 13: Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất
Kỳ 14: Bị áp lực từ biên giới, vua Tống phải nghiến răng trả đất
Kỳ 15: Lý Thường Kiệt dùng tù binh mở cho vua Tống con đường thể diện
Kỳ 16: Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông
Kỳ 17: Nhà Trần dẫn quân Bắc phạt, vua Tống vừa sợ vừa mừng
Kỳ 18: Nhà Trần 4 lần trói sứ giả Mông Cổ vì tội uốn lưỡi cú diều
Kỳ 19: Đại Việt Nguyên Mông thông hiếu, nhà Tống sợ hãi cầu thân
Kỳ 20: Nhà Trần dùng kế trừng trị các quan Đạt lỗ hoa xích
Kỳ 21: Ba đời vua Trần và 12 lần cự tuyệt nhà Nguyên
Kỳ 22: Nhà Trần kiên quyết không làm lính đánh thuê cho Nguyên Mông
Kỳ 23: Nhà Nguyên đòi vũ khí tối thượng, vua Trần từ chối
Kỳ 24: Căng thẳng đấu tranh trong lễ nghi triều kiến giữa nhà Trần và Nguyên Mông
Kỳ 25: Tranh cãi về chữ tín trong việc xử tù binh nhà Nguyên
Kỳ 26: Trò hề của sứ Nguyên sau khi thua trận
Sau khi đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông 3 lần trong thế kỷ 13 và đặc biệt là sau khi Hốt Tất Liệt băng hà, mối quan hệ giữa nhà Trần và triều đình Nguyên không còn căng thẳng như trước. Nguyên Thành Tông (hay còn gọi là Thiết Mộc Nhĩ) sau khi lên ngôi không còn ra các yêu sách hạch họe nước ta như việc đòi vua Trần vào chầu hay phải góp quân cho các chiến dịch quân sự của Nguyên như trước.
Sở dĩ có chuyện như vậy là do Nguyên Thành Tông sau khi lên ngôi phải đối mặt với nhiều vấn đề. Trước hết, phải lo củng cố quyền lực sau khi lao vào cuộc tranh giành ngai vàng với người anh là Cam Ma Lạt (Gamala). Thời gian này, Nguyên Thành Tông cũng phải lo duy trì sự thống trị trước sự phản kháng ở các vùng chiếm được. Đầu năm 1296, cuộc nổi dậy trong khu vực miền núi phía tây nam, do các thủ lĩnh các bộ lạc miền núi như Song Longji và Shejie cầm đầu khiến nhà Nguyên hết sức vất vả. Các tướng Liu Shen và Liu Guojie phải mất nhiều tháng mới dẹp yên những cuộc nổi dậy này
Và trên hết, sau nhiều năm chiến tranh liên miên, nhà Nguyên gặp phải vấn đề về cải cách kinh tế, nhất là khi họ phải điều hành một địa bàn đông dân cư mà không thể áp dụng kiểu cướp bóc như thời kỳ đầu. Việc thống trị, điều hành một vương quốc cả trăm triệu dân khác hẳn với việc xua quân cướp vàng bạc, lương thực, gia súc trước kia. Sách sử đánh giá Thiết Mộc Nhĩ cố gắng khôi phục nền kinh tế sau những chiến dịch tốn kém của Hốt Tất Liệt trước đó. Thiết Mộc Nhĩ đã để cho đế chế phục hồi vết thương thất bại đặc biệt sau chiến dịch tấn công nhưng thảm bại ở Đại Việt.
Vì hội chứng thua trận tại Đại Việt, Thiết Mộc Nhĩ không còn hung hăng như các vua trước của nhà Nguyên. Tuy nhiên, không vì thế mà các vua Trần chủ quan. Các động thái hoạt động quân sự của nhà Nguyên tại Đông Nam Á thời gian đó được ghi nhận. Năm 1297, quân Nguyên tràn vào Myanmar đánh đuổi người Shan để bảo vệ cho chính quyền mà họ bảo hộ. Năm 1300, một đội quân của nhà Nguyên đã tràn vào Myanmar đánh nhau với quân Thái để bảo vệ chư hầu của mình. Điều đó chứng tỏ nhà Nguyên chưa bao giờ từ bỏ dã tâm xua quân xuống phía Nam nếu có cơ hội.
Trước tình hình đó, nhà Trần cũng không khoanh tay chờ đợi mà chủ động nắm rõ tình hình của đối phương. Đây không phải là điều gì mới mẻ mà từ thời Lý, trước khi Lý Thường Kiệt đánh quân sang Ung châu, Liêm châu thì ta đã tung rất nhiều gián điệp, tình báo sang do thám đất Tống. Từ những dữ liệu đó, Lý Thường Kiệt mới tin chắc vào chiến thắng để động binh theo kiểu “tiên phát chế nhân”. Có khác chăng là nhà Trần dùng tình báo đến mức ghi lại luôn cả cung thất nhà Nguyên.
Năm 1299, một sứ bộ của ta sang Nguyên do Đặng Nhữ Lâm cầm đầu đã bí mật làm một số việc rất quan trọng. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Nhà vua sai Đặng Nhữ Lâm sang giao hảo với nhà Nguyên, khi Nhữ Lâm đến kinh đô nhà Nguyên, bí mật làm những việc sau này:
− Vẽ đồ bản cung điện và vườn tược.
− Đem riêng trong mình bản đồ địa dư và sách đã bị cấm.
− Ghi chép vào sổ riêng những núi rừng và tình hình quân sự ở Bắc phương.
Thừa tướng nhà Nguyên là Hoàn Trạch đem việc ấy tâu bày, vua Nguyên sai Thượng thư Mã Hợp, Thị lang Kiều Tôn Lượng sang nước ta dụ bảo nhà vua về việc Nhữ Lâm làm trái pháp, đáng lẽ tra xét kỹ để trị tội, nhưng thiên tử lấy độ lượng bao dung, nên đã hạ lệnh tha cho về nước. Vậy từ nay cử sứ thần cần phải lựa chọn cẩn thận, nếu có tâu bày thỉnh thác việc gì, phải hết lòng thành thực, chứ nếu chỉ trang sức văn từ khéo léo bề ngoài, thì không ích gì cả”.
Minh sử cũng chép: "Tháng hai năm Đại Đức thứ 5 (1301, Nguyên Thành Tổ, Trần Anh Tông) viên thái phó Hoàng Trạch tâu: “Sứ An Nam Đặng Nhữ Lâm vẽ trộm bản đồ cung Uyển, mua giấu địa đồ, sách cấm sao chép văn thư về bàn bạc đánh Giao Chỉ. Lại ghi trộm tình hình quân sự ở Bắc biên và việc xây sơn lăng. Xin sai sứ ban chiếu trách lấy đại nghĩa”. Tháng 3, sai Lễ bộ thượng thư Mã Hạp Mã. Lễ bộ thị lang Kiều Tông Lăng mang chiếu thư dỗ Nhật Tôn (Trần Nhân Tông là Thái thượng hoàng). Đại ý là: “Bọn Nhữ Lâm làm việc trái phép, đáng phải trị đến cùng. Nhưng trẫm thương cả thiên hạ sắc cho hữu ty tha cho về. Từ nay phải chọn lựa sứ. Nếu muốn trần tình điều gì thì phải hết sức thành tâm; chứ lấy hư văn mà dối, thì có ích gì cho việc mình xin. Chớ sợ đổi cách, để tránh hối hận về sau”. Rồi lại sai bọn vạn hộ Trương Vinh Thực cùng sứ về”
Triều đình nhà Nguyên phát hiện những việc làm này nhưng có thể tin rằng họ không có chứng cứ rõ ràng để buộc tội cho Nhữ Lâm. Nhưng nếu như trước kia mà có thông tin như vậy thì họ bắt ngay sứ Đại Việt giam lại, chưa biết đến bao giờ mới cho về, hoặc đem giết sứ đi, nhưng nay thì không dám. Nhà Nguyên chỉ giam lỏng Nhữ Nguyên trong 2 năm rồi cho sứ sang Đại Việt yêu cầu triều đình nhà Trần không để cho sứ sang Nguyên làm những việc như thế. Sở dĩ có việc như vậy cũng là do triều Nguyên khi đó không muốn kết oán với nhà Trần đang trong lúc có nền quân sự rất mạnh.
Nhữ Lâm đã mang về những tài liệu quan trọng như thế nào thì sử không ghi chép nhưng người còn và thì thông tin vẫn còn. Sau chuyến trở về của Nhữ Lâm, dân ta tự học được cách làm lịch khoa học hơn mà không phải phụ thuộc các triều đại Trung Quốc nữa. Nhà sử học Hoàng Xuân Hãn chép: “Tôi nghĩ rằng chính trong dịp này, người nước ta học được phép tính lịch Thụ Thời và có lẽ bắt đầu đặt ty Thiên văn hay cục Thái sử có viên chức cao phụ trách”.
Và cũng từ sau chuyến đi sứ của Đặng Nhữ Lâm, nhà Trần trở nên tự tin hơn rất nhiều trong việc đối phó với nhà Nguyên. Phải chăng, sự tự tin này được hình thành nhờ vua tôi nhà Trần đã nắm được tình hình chính trị, kinh tế và quân sự của nhà Nguyên khi đó? Từ đó có thể tin rằng nhà Trần đã giữ thế chủ động nếu tiếp tục nổ ra một cuộc chiến với nhà Nguyên và lần này, ta sẵn sàng đánh phủ đầu để hạn chế thương vong như Lý Thường Kiệt đã từng làm với nhà Tống. Và sự thật là sau đó, nhà Trần còn tung 3 vạn quân sang đánh vào đất Nguyên khi thấy cần phải dùng giải pháp quân sự. Đó là nội dung mà chúng tôi sẽ đề cập trong kỳ tới.
A.T