Nhà văn Lê Lựu - tác giả của những bộ tiểu thuyết nổi tiếng như "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông" vừa qua đời ở tuổi 81 do tuổi già bệnh tật.
Chiều 9.11, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều xác nhận nhà văn Lê Lựu đã ra đi ở tuổi 81 tại nhà riêng ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên.
"Chiều nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi điện thông báo cho tôi nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 81 tuổi", ông Nguyễn Quang Thiều cho biết.
Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12.12.1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Các tác phẩm của ông từng được trao nhiều giải thưởng như truyện ngắn Người cầm súng, giải Nhì báo Văn nghệ năm 1968; tiểu thuyết Thời xa vắng, giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990.
Ba cuốn tiểu thuyết làm nên tên tuổi của nhà văn Lê Lựu là Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994)... Tiểu thuyết Thời xa vắng được chuyển thể thành phim truyện nhựa vào năm 2003 do đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh thực hiện, đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2004.
Với Sóng ở đáy sông, ngay sau khi công bố vào năm 1994, tiểu thuyết này đã thu hút độc giả, giới phê bình và cả giới làm phim. Tiểu thuyết nhanh chóng được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình, và năm 2000, bộ phim cùng tên do Lê Đức Tiến làm đạo diễn được phát sóng trên kênh VTV1 gây xôn xao dư luận.
Ngoài ba tác phẩm nói trên, nhà văn Lê Lựu còn có những tác phẩm đáng chú ý khác như: Mở rừng (tiểu thuyết), Mặt trận của người lính (truyện ngắn), Trở lại nước Mỹ (bút ký), Đại tá không biết đùa (tiểu thuyết), Một thời lầm lũi (bút ký), Ranh giới…
Nhà văn Lê Lựu được nhà nước trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1 năm 2001.
Ngay từ lúc Lê Lựu còn khỏe, còn sung sức đi đó đi đây, nói năng hào hứng thì xung quanh ông đã xuất hiện những câu chuyện kể, vui vui, trào lộng, có chút gì đó như giai thoại. Dù những câu chuyện ấy toàn do bạn văn thân thiết, cùng làm việc với ông kể ra.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng khiến nhiều người bất ngờ khi tung ra chi tiết Lê Lựu hay đi chợ, và mua một con cá kiểu gì ông phải xin thêm một con cua. Trung Trung Đỉnh thì viết Lê Lựu không phải là người ki bo nhưng “xem” ông mua cá, mua rau thì thấy thật tội cho mấy bà hàng cá, hàng rau. Mua mớ rau muống mà ông vật lên vật xuống mớ rau đến phát nản lòng, cuối cùng ông lại kỳ kèo thêm bớt, đòi bà hàng rau thêm cho kẹp kinh giới.
Tính Lê Lựu là thế bởi ông quan niệm đi chợ thú nhất ở chuyện mặc cả thêm bớt. Ai không biết “thưởng thức” điều đó thì tự đánh mất đi cái thú đi chợ.
Hơn chục năm trước, cú tai biến đã ghì nhà văn Lê Lựu xuống, khiến “bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm”. Nhưng ông luôn cố gắng, không trông chờ, ỉ lại. Gần đây, bệnh nặng hơn, khiến ông nằm nhiều hơn...
Thanh Xuân (Nhà báo)