Cần phải tôn trọng các thuật ngữ âm nhạc, không được đánh đồng một cách cẩu thả và nghiệp dư như cách làm trong chương trình “Thần tượng bolero” khi phát sóng trên đài quốc gia

Nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên… thuộc dòng nhạc bolero?

22/03/2016, 12:37

Cần phải tôn trọng các thuật ngữ âm nhạc, không được đánh đồng một cách cẩu thả và nghiệp dư như cách làm trong chương trình “Thần tượng bolero” khi phát sóng trên đài quốc gia

Đưa vào những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy… và cho đó là dòng nhạc bolero, chương trình thi hát “Thần tượng bolero” phát trên sóng VTV3 gây ra tranh cãi trên báo chí và các diễn đàn mạng. Giới chuyên môn cho rằng đây là “lẩu thập cẩm” mang tên bolero còn người trong cuộc cho rằng như thế là khắt khe trong nhìn nhận.

Bolero dễ nhớ, dễ nghe

Nhạc bolero xuất hiện ở Việt Nam vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, như vậy nó đã có tuổi đời khoảng hơn 60 năm, nghĩa là ra đời sau tân nhạc Việt (1938) hơn 2 thập niên. Gọi là nhạc bolero vì nó được viết theo tiết điệu bolero của Mỹ Latin. Gốc rễ của nó chính là từ Tây Ban Nha đã lan tỏa sang các nước Nam Mỹ rồi sau đó thâm nhập toàn thế giới. Điều đặc biệt, khi du nhập vào Việt Nam, bolero Việt hóa thành công để có dân tộc tính cao nhất.

Hãy bắt đầu từ bản chất của bolero: tiết điệu êm đềm dễ chịu như sự mơn trớn; giai điệu dễ nhớ, dễ nghe theo dòng chảy thính giác của cảm xúc từ man mác đến thật buồn; vòng hòa âm tối giản, thông thường cứ theo các bậc 1,4 và 5 là chủ đạo. Nó là sự lãng mạn đơn sơ cho nên gần gũi với tất cả mọi người.

Cái chất buồn của bolero vô tình rất gần với cái chất oán trong cải lương cũng như dân ca Nam Bộ, cũng như dòng chảy nhịp nhàng của nó rất gần với tổ chức tiết tấu của nhạc tài tử miền Nam. Người đầu tiên nhận ra điều này là nghệ sĩ Viễn Châu nên sau này, ông đã sáng tạo ra hình thức tân cổ giao duyên rất đặc trưng cho văn hóa Nam Bộ. Nghĩa là ông tạo nên sự kết nối khéo léo và hài hòa giữa các bài tân nhạc Việt theo phong cách bolero với cải lương.

Nhac Trinh, Ngo Thuy Mien… thuoc dong nhac bolero?

Thí sinh trình diễn trong chương trình “Thần tượng bolero” Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Góp vào sự Việt hóa đầy dân tộc tính này là sự sáng tạo của nhạc sĩ qua cách viết giai điệu thoát khỏi màu sắc phương Tây nhờ vào đặc trưng là các chùm ba trưởng và ba thứ, cũng như sự kết hợp giữa thất cung và ngũ cung với sự đan cài nổi bật các quãng 4. Ngoài ra, một đóng góp quan trọng nữa là do sự thể hiện của các ca sĩ tiêu biểu của nhạc bolero. Đó là lối hát rung (vibra), thấp hoặc cao hơn một hai comma (đơn vị nhỏ nhất đo độ cao âm thanh trong âm nhạc) so với nốt chuẩn, hay đó là sự kéo dài âm tiết tạo nên chất nhừa nhựa như trong lối ca mùi của cải lương…

Nhạc bolero vì thế rất phù hợp cho thẩm mỹ và thị hiếu của người Việt, đặc biệt là vùng đồng bằng Nam Bộ - chiếc nôi của nghệ thuật cải lương. Điều này càng được tô đậm trong cách viết ca từ rất thật thà và bình dân, gần với văn nói hơn là văn viết. Nội dung thường là câu chuyện bộc trực, đôn hậu, dạt dào tình cảm không đậy che hay hàm ý. Nó phản ánh đúng đặc tính Nam Bộ, nhất là của người ở thôn quê rồi bôn ba lên phố thị trở thành thị dân - bình dân.

Lạm bậy, làm bừa

Bolero chỉ là một điệu nhạc nước ngoài du nhập vào Việt Nam như bao điệu nhạc khác. Cái đặc biệt là bolero được Việt hóa một cách nhuần nhuyễn nhất so với các tiết điệu khác và nó thường được các nhạc sĩ Việt viết theo phong cách mà dân gian gọi là “sến”. Từ đó, nhiều người mặc định cho rằng nhạc sến là nhạc bolero, nhạc bolero là nhạc sến. Thật ra, nhiều bài “sến” vẫn được viết theo các tiết điệu khác như: slow, tango habanera, ballad... Cũng có những bài được gọi là nhạc “sang” viết theo điệu bolero. Từ lâu đã có ý kiến của các nhà văn hóa cũng như nhạc sĩ nên gọi đó là nhạc trữ tình quê hương. Còn theo tôi cứ gọi nó là nhạc bolero như chúng ta vẫn gọi các thể loại khác theo đúng thuật ngữ âm nhạc đã thống nhất trên toàn thế giới.

Thôi thì theo đa số, ở nước ta cứ gọi nôm na nhạc “sến” là nhạc viết theo thể điệu bolero cũng tạm được (hoặc ngược lại) nhưng... việc nổi hứng lấy bolero để gọi chung cho các điệu nhạc khác như slow, boston, tango, rumba... như trong chương trình “Thần tượng bolero” thì rất là bậy bạ, làm bừa. Hãy thử tưởng tượng, nếu ai cũng tùy hứng lấy điệu nhạc rock gọi chung cho các điệu nhạc pop, dance, punk, jazz... hay rap là để ám chỉ nhạc techno, metal, disco... thì sao !?

Những người thực hiện “Thần tượng bolero” chẳng qua chỉ bao biện hơi vụng về khi cho rằng dùng bolero để gọi chung cho các điệu nhạc phát triển cùng thời như slow, tango, tango habanera… là hợp lý và ý kiến phản đối là khắt khe.

Tôi xin lưu ý, không phải là khắt khe mà là cần phải tôn trọng các thuật ngữ âm nhạc, không được đánh đồng một cách cẩu thả và nghiệp dư như vậy, nhất là đối với một chương trình âm nhạc phát trên sóng quốc gia. Nó phải mang tính chuyên nghiệp, đồng thời cũng mang yếu tố giáo dục giúp người xem, người nghe vừa giải trí vừa có kiến thức đúng về các thể loại âm nhạc khác nhau, mà điều đầu tiên và cơ bản là không nhầm lẫn về tên gọi của các điệu nhạc và thể loại âm nhạc. Điều này càng bức thiết hơn khi mà trình độ về âm nhạc của đa số quần chúng Việt Nam chưa cao.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi/ Theo NLĐ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
29 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên… thuộc dòng nhạc bolero?