Đặt vấn đề liệu Nhật Bản có cùng Mỹ tuần tra trên biển Đông, tác giả Benjamin Schreer viết trên trang web của Viện chính sách chiến lược Úc (ASPI) đã nêu ra sự lựa chọn khó khăn của chính phủ Nhật đối với những hành vi của Trung Quốc trên vùng biển này.
Vài ngày sau khi khu trục hạm Lassen của hải quân Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh Bãi Subi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà TQ tuyên bố chủ quyền trái phép, vấn đề là liệu các đồng minh của Mỹ sau đó có phát tín hiệu đến TQ rằng hoạt động “cải tạo đất” của họ đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Mỹ rất hy vọng Úc và Nhật, hai đồng minh thân cận nhất ở châu Á mau chóng ủng hộ chính sách của Mỹ.
Ngày 31.10, TQ tỏ ra không hài lòng về việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dự tính đề cập chuyện TQ xây đảo nhân tạo trên biển Đông với người đồng cấp Lý Khắc Cường, khi hai ông dự cuộc họp thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn tại Seoul ngày 1.11.
Một ngày trước cuộc gặp này, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với các nhà báo: “Tôi thắc mắc Nhật có liên quan gì với chuyện biển Hoa Nam (tức biển Đông - PV)?”.
Theo báo Japan Times, các quan chức Nhật nói ông Abe muốn kêu gọi TQ tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải trong khu vực này. Họ nói hành động của TQ là “toan tính đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng”.
Thời Thủ tướng Abe, Nhật tăng cường hợp tác phòng thủ với nhiều quốc gia Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, Philippines và gần đây là Indonesia. Hồi tháng 6, hải quân Nhật tập trận chung với Philippines để biểu thị tình đoàn kết.
Nhật cũng tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, Úc và Ấn Độ vốn cũng muốn kiềm chế hành động ngang ngược của TQ trên biển Đông.
Ấn tượng chung là Nhật muốn giữ một vai trò lớn trong việc gây ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nhiều khả năng tàu chiến Nhật sẽ không sớm tham gia tuần tra. Trong nước, chính phủ ông Abe đối mặt với sự nghi ngờ của cử tri, về những nỗ lực của ông nhằm để mở đường tiến tới một chính sách quốc phòng-chiến lược cứng rắn hơn.
Chính ông Abe thừa nhận ông không giành được nhiều sự ủng hộ, dù ông thành công trong việc thúc đẩy xem xét lại các luật an ninh hồi tháng 9.2015, cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2.
Vì thế, vào lúc này, một kế hoạch tuần tra ở biển Đông sẽ bị đa phần cử tri, giới truyền thông, các đảng đối lập và đối tác liên minh cầm quyền Tân Kometo của ông Abe bác.
Vả lại, một hoạt động như thế sẽ đụng chạm quyền lợi Nhật, trong việc cải thiện quan hệ với TQ. Mối quan hệ này hiện được cải thiện dần, sau một thời gian dài căng thẳng tranh chấp chủ quyền quần đảo Sekaku ở biển Hoa Đông do Nhật kiểm soát, nhưng TQ cũng đòi chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Quan điểm của Tokyo là vào lúc này không cần thiết phải khiêu khích Bắc Kinh. Dù gì chăng nữa, Nhật không có tranh chấp chủ quyền biển Đông.
Hẳn TQ sẽ phản ứng mạnh, nếu Nhật tiến hành tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép. Điều đó giật lùi sự tiến bộ đạt được từ khi ông Abe và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bắt tay nhau hồi tháng 11.2014.
Cũng nên lưu ý: Nhật chú trọng bảo vệ nhiều đảo mà Nhật tuyên bố chủ quyền chống lại sự hung hăng của TQ, nên việc tuần tra ở biển Đông sẽ kéo căng khả năng của hải quân Nhật.
Như vậy, hoạt động tuần tra của Nhật ở biển Đông để ủng hộ Mỹ nhiều khả năng không sớm diễn ra, trong khi trò chơi chiến lược phát tín hiệu khẳng định vị thế ở biển Đông chỉ mới bắt đầu.
Cũng như Úc, Nhật có quyền lợi cơ bản trong việc duy trì trật tự hàng hải dựa theo luật pháp quốc tế ở phía tây Thái Bình Dương. Nếu hành vi có tính chiến lược của TQ ở vùng biển này tiếp tục gia tăng, Nhật có thể thay đổi đường lối quân sự. Và nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng sức ép Nhật thể hiện sự ủng hộ Mỹ ở biển Đông.
Trong bối cảnh này, việc Úc tiến hành tuần tra có thể trở thành một yếu tố quan trọng cho phản ứng của riêng Nhật. Nếu Úc quyết định đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép, Nhật có thể xem xét lại sự miễn cưỡng hiện tại, quay ra chọn thực hiện việc tuần tra trên biển Đông.
Nhật - Úc có thể sẽ sử dụng cơ hội nhiều cuộc gặp cấp cao song phương, nhân các hội nghị thượng đỉnh trong tháng 11 này, như G.20 hoặc Diễn đàn hợp tác kinh tế Á - Âu (APEC) ở Philippines, để trao đổi về cách tiếp cận và phản ứng chung.
Mối quan hệ an ninh Mỹ - Úc - Nhật cũng cần được vận dụng, để bàn luận về những tiềm năng và hạn chế của các chiến lược đối phó TQ.
Hành động như thế sẽ tạo cái nhìn rõ hơn về cấp độ Mỹ - Úc - Hàn chuẩn bị thế nào để đối đầu với hành vi hung hăng của TQ ở vùng biển Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vào lúc này, chớ nên kỳ vọng nhiều vào Nhật.
Bảo Vĩnh (lược dịch từ The Strategist)